Họa sỹ Tào Linh: Đi một mình để gặp đám đông

ANTĐ - Cầm cọ  mấy chục năm, nhưng phải đợi đến sinh nhật lần thứ 54, họa sỹ 
Tào Linh mới mở một cuộc triển lãm riêng. Giới thiệu về thành quả của mình, Tào Linh đùa: “Tôi mang “một bầy lặng im” ném vào giữa “một bầy thị phi”.  

Tác phẩm “Phố xá” của họa sỹ Tào Linh 

“Ném” lặng im vào giữa “bầy thị phi”

17 bức tranh treo trong triển lãm “Một bầy lặng im” được lựa chọn từ 79 bức được anh vẽ trong nhiều năm. Nghe thì có vẻ như đã có một sự “sàng lọc” ghê gớm, khổ tâm lắm, nhưng với Tào Linh thì có cảm giác, anh không chuẩn bị gì cho cuộc triển lãm. Đối với nhiều họa sỹ, vẽ là theo cảm hứng. Khi ý tưởng đã thỏa mãn, hình khối đã rõ rệt, người ta có thể thả sức vẽ. Nhưng Tào Linh quan niệm vẽ là công việc lao động hàng ngày. Tối nào cứ ăn cơm xong là anh lại chui lên phòng, lọ mọ vẽ một mình, hôm ít thì 2 tiếng đồng hồ, còn nếu không thì vẽ cho đến sáng. Thành ra tác phẩm cứ chất đống trong nhà. Chỉ có điều vẽ xong anh hiếm khi mang ra công bố. Đến nỗi vợ anh còn nói: “Tôi chẳng biết chồng tôi bán tranh thế nào”.  

Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa nhưng lại theo đuổi hội họa, Tào Linh đích thực là một tay ngang. Số lượng tranh anh sáng tác rất nhiều, bằng chứng là có nhiều cuộc trưng bày cùng những người bạn trong giới họa sỹ như Bùi Minh Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Hiền Nguyễn, Bùi Tiến Tuấn… Chỉ có điều đến tận sinh nhật lần thứ 54, anh mới có một triển lãm  cho riêng mình. Mang thắc mắc này hỏi Tào Linh, anh cho rằng, không có sự muộn màng gì ở đây cả. “Trước kia tôi nghĩ mình vẽ chơi, đến giờ thì vẽ giống như họa sỹ chuyên nghiệp. Có rất nhiều người về hưu mới “đổ đốn” ra vẽ đấy”. Việc đưa tác phẩm của mình ra công chúng bình phẩm, đánh giá, đối với một người không ồn ào, không thích khoa trương như Tào Linh cần một chút can đảm. Mà nói như anh, nó chẳng khác nào mang “cái lặng im” của mình mà ném vào giữa “một bầy thị phi”. 

Cô độc là năng lượng của sáng tạo

Vẽ đối với Tào Linh là nhốt mình vào trong phòng. Anh nói: “Con người tôi phải thế. Nếu bảo tôi vẽ giữa một đám đông, hoặc có người nhìn thì tôi không vẽ được”. Suốt ngày làm làm bạn với màu, bút, rồi hít đủ mùi sơn, mùi dầu, mùi xăng, có khi trải thảm, trải chiếu mà ngủ bên cạnh. Có những lúc cả ngày ngồi thừ bên tấm toan, không vẽ được nét nào. Những lúc ấy cô độc lắm. Nhưng bản thân người làm nghệ thuật luôn phải chấp nhận sự cô độc. Bởi cô độc, được tách mình ra khỏi thế giới bên ngoài chính là lúc người nghệ sỹ tìm thấy được năng lượng sáng tạo. Sự cô độc tràn cả vào những tác phẩm, từ những khuôn mặt người, những con phố, những hàng cây… lúc ẩn, lúc hiện. Anh vẽ mà không có hình, không nhiều màu sắc, nhưng bằng cách nào đó người xem không thấy sáo rỗng, gượng gạo hay gò ép. Cả những chỗ loang lổ, lem nhem, dấp dính cũng là một sự dịu nhẹ, sự im lặng rất tinh tế, rất riêng của Tào Linh.  

Nói như Tào Linh, nghệ sỹ chơi với nhau theo “tạng”. Nếu như ông bạn chí cốt Lê Thiết Cương sôi nổi, bộc trực, thẳng thắn bao nhiêu thì ấn tượng về Tào Linh toàn là “nói nhỏ, nói thầm, đi lại cũng nhẹ nhàng”. Trái ngược tính cách như thế, tưởng chừng sẽ có sự xung đột về phong cách nghệ thuật, nhưng chính Lê Thiết Cương lại là người đến nhà, góp ý, lựa chọn từng bức tranh để ông bạn trưng bày triển lãm. Phải có một sự đồng cảm, thấu hiểu lắm thì mới dung hòa được những thái cực này. Và nói như Lê Thiết Cương: “Tào Linh là người không ưa tả kể, không câu nệ, không cụ thể là gì, là ai. Hội họa nào cũng là câu chuyện hết sức cá nhân. Trước tiên và trên hết phải ở mình đã, của mình đã. Được mất, xấu đẹp, vui buồn, ồn ào hay im lặng thì cũng phải của mình. Nhưng tôi tin rằng, càng đi đến một mình bao nhiêu thì càng gặp đám đông bấy nhiêu”.