“Độc” như Văn Dỵ

ANTĐ - Nói đến tài chơi guitar của Văn Dỵ, thì có nhiều từ để ngợi khen. Với tôi, chỉ ngắn gọn rằng : Văn Dỵ đã thổi hồn vào từng dây đàn, thớ gỗ…

Văn Dỵ tham gia một chương trình độc tấu guitar cổ điển

Made in Văn Dỵ

Khi tôi đến, Văn Dỵ đang bận điện thoại. Cuộc điện thoại không dài lắm. Anh cho biết, sắp tới có một Festival guitar quốc tế, được tổ chức ở quốc đảo Sri Lanka. Họ mời đích danh anh tham dự, nhưng anh không dám nhận lời vì đã đồng ý tham gia một chương trình từ thiện. Anh nói tiếc lắm, nhưng không muốn thất hứa.

Trong cách đặt tên truyền thống, người Việt thường hay tạo nên một cụm từ có ý nghĩa. Chẳng hạn như bố là Phúc, đặt tên con là Đức. Thằng anh là Chiến thì thằng em là Thắng. Với Văn Dỵ, lại khác người. Anh đặt tên con là Bình. Và hai bố con hợp với nhau thành Bình-Dị. Nhưng cái trái khoáy ở đây là tên con lại đứng trước tên bố.

Đối với người yêu âm nhạc nói chung, nghệ sĩ, nhạc sĩ… nói riêng, thì việc sưu tầm các băng đĩa quốc gia quốc tế, là chuyện bình thường. Cái bất bình thường ở Văn Dỵ là không sưu tầm đĩa CD, VCD, DVD hay đại loại băng đĩa hiện đại nào khác. Anh chơi và sưu tầm chỉ độc loại đĩa than, nói nôm na là loại đĩa cổ lỗ sĩ. Đĩa này lại phải dùng loại “máy hát” cổ lỗ sĩ mới nghe được. Trong 40 năm, anh sưu tầm tới hơn hai nghìn đĩa than. Và như anh nói, người ta tậu xe hơi, nhà lầu, biệt thự thì tôi tậu đĩa than. Với tôi, nó là sự đam mê, vì đó là di sản âm nhạc của nhân loại. Nó là tài sản vô giá.

Cái chuyện “độc” của Văn Dỵ không chỉ có thế. Anh “độc” ngay cả chuyện vào bếp. Có một lần anh mua một con cá quả cỡ hai cân. Nhưng thả trong chum bốn ngày vẫn chưa “động thủ”. Hỏi thì anh bảo rằng, phải để thêm một ngày nữa. Con cá quả hai cân, để năm ngày không cho ăn uống gì, nó sẽ bài tiết hết chất thải ra ngoài, gầy bớt đi vài lạng mà ruột sạch. Gầy, thì thịt săn chắc. Ruột sạch thì bộ lòng ngon. Cái quán ăn mà anh góp cổ đông ở  Hào Nam, nghe nói có mấy món đặc sản mang thương hiệu Văn Dỵ : Miến xào Văn Dỵ, tương ớt Văn Dỵ. Đã ăn một lần thì nhớ mãi. 

Cái tài đi liền cái tình

Ai đã gặp Văn Dỵ một lần thì khó lòng mà dứt ra được, bởi anh có biệt tài, mà có lẽ còn nổi tiếng hơn cả tài gẩy đàn guitar, là kể chuyện vui. Thôi thì đủ mọi lĩnh vực: Y tế, giáo dục, pháp luật, văn hóa, xây dựng… Chỉ thoáng qua lĩnh vực nào là Văn Dỵ có thể kể vài chuyện, hoặc đọc vài câu thơ cười vỡ bụng. Chuyện vui của Văn Dỵ phong phú, đa dạng  với lối kể tưng tửng, kết thúc bất ngờ, khiến bạn bè thán phục. Có chuyện có thể kể ra đây. Có chuyện không thể kể. Các cụ nói “Đố tục giảng thanh”, để nói đến những câu đố rất tục, mà giải đáp lại rất thanh, rất có lý. Chuyện vui của Văn Dỵ cũng mang yếu tố tục. Nhưng cái “hồn” chuyện thì rất thanh. Bởi thế, người nghe bật lên tiếng cười sảng khoái, cười hết cỡ. Bạn bè của Văn Dỵ còn nể phục anh hơn nhờ cái khả năng hoạt ngôn, nói lái. Lái ngược lái xuôi. Lái lần một rồi lái lần hai. Ví dụ : “Sai đâu sửa đấy”, “Sai đấy sửa đâu”, “Sửa đâu sai đấy”. 

Cái cách dạy học trò của Văn Dỵ cũng khác người. Đã theo học, là học cả năm. “Tôi không muốn thành bà bảo mẫu để quản lý các cậu ấm cô chiêu trong ba tháng hè”. Có lần Văn Dỵ bảo vậy. Nhưng cái chính là anh muốn học trò của anh phải học thật sự, học có chất lượng, không phải kiểu học hời hợt, học cho vui. Với anh, những nơi quảng cáo “Học guitar cấp tốc” chỉ là sự lừa bịp trơ trẽn, lừa người ta để lấy tiền.

Có một lần nghe học trò đàn, anh linh cảm thấy cậu này đang có vấn đề về tư tưởng. Quả nhiên sau khi gạn hỏi, Văn Dỵ được biết, vì chuyện gia đình, cậu ta đang muốn chết, muốn kết liễu đời mình. Thế là thay vì an ủi, vỗ về, Văn Dỵ mắng cho một trận đến nơi đến chốn. “Không phải là con gián con sâu. Không đui què mẻ sứt. Biết chơi đàn. Biết thưởng thức âm nhạc. Đẹp trai đẹp dáng. Đã là con người, thì phải xứng đáng với hai từ “con người”. Phải biết đứng dậy khi ngã, dù có ngã sấp mặt xuống đất. Phải nhớ một điều, cách tốt nhất khắc phục khó khăn là khắc phục khó khăn…”. Bị thầy mắng cho một thôi một hồi, cậu học trò như chợt tỉnh cơn mê, từ bỏ ngay ý nghĩ tự vẫn, và rồi sau đó lại thấy cuộc đời lại đáng sống.

Khi con người ta lấy cái tình để cảm hóa, cảm hóa người khác từ gan ruột, thì dù có mắng mỏ nặng lời, người nghe vẫn thấy được cái tình. Rằng, chỉ có yêu thương sâu sắc lắm, mới mắng mỏ như thế. Đó chính là một cách rất “dị” để cảm hóa con người của Văn Dỵ…