Diễn viên Công Hậu: Sợ đóng vai ác

ANTĐ - Được khán giả biết đến qua những vai phản diện như vai Lê Báo trong bộ phim “Phạm Công Cúc Hoa”, tuy nhiên diễn viên Công Hậu chia sẻ cùng ANTĐ rằng từ giờ anh “cạch” đến già, sẽ không bao giờ nhận vai ác nữa, vì tưởng thành công, nhưng sau những vai diễn này, anh lại mất đi rất nhiều khán giả.

Bỏ vai vì sợ khán giả ghét

- PV:  Nhắc tới Công Hậu, khán giả vẫn nhớ đến vai Lê Báo trong bộ phim “Phạm Công Cúc Hoa” nổi tiếng một thời. Dường như, anh vẫn chưa thoát khỏi hào quang, cái bóng quá lớn của vai diễn đó. Anh vui hay buồn về sự “nhớ lâu” đó của khán giả?

- Diễn viên Công Hậu: Thật ra với một diễn viên dù thời gian làm việc hơn 20 năm, chỉ cần khán giả nhớ mình về một vai diễn thôi thì đó là điều hạnh phúc. Tôi đóng gần 200 phim mà có một vai để khán giả nhớ mãi cũng không mong mỏi gì hơn. Sau này, vai thứ hai mà khán giả vẫn nhớ đến tôi cũng không kém vai Lê Báo đó là vai đức Phật trong phim Ánh Đạo Vàng. Một vai ác, một vai thiện được ghi dấu ấn, tôi rất mừng.

- Nói đến “vai ác”, tôi từng biết vì sợ khán giả ghét mà có một thời anh bỏ phim không dám nhận vai phản diện nữa?

- Đúng vậy, khán giả nhiều người cứ tưởng diễn viên hay đóng vai ác thì ở ngoài đời cũng… ác hệt như phim vậy (cười buồn). Có lần tôi đi đóng một bộ phim (cũng vai phản diện) thì nhiều người xung quanh đó đứng la ó, chửi rủa đến mức tôi không thể diễn được. Cảm giác tôi lúc đó vừa bực bội, vừa vui vì khả năng nhập vai của mình. Sau lần đó, tôi thôi không đóng vai phản diện nữa.

-  Vậy là, sau khi Công Hậu “bỏ” những vai ác thì rõ ràng vai đức Phật đã “cứu” sự nghiệp diễn xuất của anh?

- Không sai, đây không phải là một vai chính diện bình thường mà là vai đức Phật. Đó là một áp lực lớn, khi vào vai này tôi tới ở chùa để tách mình ra khỏi cuộc sống hiện tại, tu tập nên tôi nhập tâm rất nhiều. Đó cũng là cơ duyên dẫn tôi đến với phim “Phật và Thánh chúng”.

Cuộc sống cơ hàn là động lực phấn đấu

- Anh từng có cuộc sống cơ hàn. Sự thành công đến với anh không sớm nhưng cũng không muộn. Nó xuôi theo hướng rất tự nhiên theo kiểu “tay làm hàm nhai” vậy. Điều đó chứng tỏ bản lĩnh của Công Hậu hình thành trên nền “ám ảnh” mà anh đã trải nghiệm?

- Vâng, suốt cuộc đời tôi khó có thể quên hình ảnh của bác thợ đá rất nhiều năm trước. Khi tôi ra Nha Trang đóng phim, trong lúc chờ đoàn phim chuyển cảnh tôi đi quanh quẩn đó thì bắt gặp một bác chừng hơn 70 tuổi ngồi đục tảng đá lớn thành những mảng đá nhỏ hình chữ nhật để người ta xây nhà. Tôi ghé lại hỏi thăm thì được biết bác làm công việc này từ 6h sáng đến 6h tối kiếm được 20-30 ngàn đồng. Số tiền lúc bấy giờ cũng chưa đủ mua một gói thuốc lá ngoại. Nhìn cảnh bác đục từng chút đá một chỉ bằng cái búa mà tôi không khỏi khâm phục. Thanh niên như tôi mà làm chừng ba bữa là nát cả tay. Sau này, hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi mãi. Mỗi khi tôi gặp khó khăn, bế tắc thì chính nỗi ám ảnh đó là động lực để tôi vượt qua. Cũng từ đó mà bản thân mình nhận thức được cách sống sao cho ý nghĩa hơn.

- Nhiều khi có nỗi ám ảnh không chỉ là những câu chuyện đời thường, thậm chí nó còn liên quan đến cả tính mạng của mình?

- Tôi nhớ mãi, lần đó tôi đóng vai Thạch Sanh, trong phim Thạch Sanh - Lý Thông. Vì sự cố kỹ thuật phim trường bị cháy. Tôi và các diễn viên khác bị dồn vào một góc kẹt. Cả phim trường bị bao trùm trong lửa mà không có lối thoát. Thế rồi, bất ngờ có một em bé chơi lò cò phía ngoài nhìn qua khe hở thấy bên trong bị cháy liền kêu người phá cửa cứu chúng tôi. Khi thoát ra ngoài thì tôi không hề nhìn thấy chú bé ấy đâu. Quả thật, có những việc cứ như có bàn tay vô hình che chở. Thoát ra ngoài, mọi người đều phải cấp cứu riêng tôi thì không sao. Lúc này tôi lại càng tin vào niềm tin của mình. Tôi không lý giải được. Những bài học từ sự ám ảnh và niềm tin đó tôi nghĩ nó sẽ mãi đi theo cuộc đời của mình.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.