Dịch giả Bích Lan: “Tôi và Nick Vujicic có cùng cảm xúc”

ANTĐ - Trong những hoàn cảnh tuyệt vọng, con người thường đổ lỗi cho khách quan. Nhưng ở vào hoàn cảnh khắc nghiệt mà số phận dành cho mình - căn bệnh loạn dưỡng cơ đã khiến thân hình của một thiếu nữ chỉ còn chưa đầy 30 kg, dịch giả Bích Lan lại tìm thấy nghị lực phi thường để sống, để vươn lên…

Bích Lan sẽ cười nhiều hơn giống như Nick Vujicic

Cần cả hai tay để nâng một viên phấn

Cuộc sống bình lặng cứ thế trôi đi nếu như không có một ngày, căn bệnh loạn dưỡng cơ đã đến với Bích Lan khi chị 13 tuổi. Và từ đó đến nay, căn bệnh này không ngừng tàn phá cơ thể chị và cũng bằng đó thời gian, chị và gia đình phải đấu tranh với số phận nghiệt ngã để giữ vững niềm tin vào cuộc sống. Nhưng ở hoàn cảnh đặc biệt như vậy, Bích Lan lại phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn ngay trong chính con người chị. Đó là niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp được chị chinh phục bằng nghị lực và khả năng phi thường. Bích Lan chưa bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Chị tập trung sức lực cho các bài học tiếng Anh. Khi học, chị vừa là thầy giáo vừa là học sinh vừa là giám thị vừa là thí sinh tự ra đề và tự làm bài kiểm tra. Liên tục như vậy sau 6 năm, căn bệnh của chị không có gì tiến triển nhưng Bích Lan đã đi được một quãng đường dài trong việc tự học. Chị nghĩ “học không chưa đủ mà còn cần phải làm”. 

Nghĩ là làm, Bích Lan mở lớp dạy tiếng Anh tại một làng quê nghèo của tỉnh Thái Bình. Bài học đầu tiên chị dạy các em học sinh của mình là “hai tay nâng một viên phấn”. Đó thực chất là hình ảnh của cô giáo các em, trọng lượng cơ thể chỉ bằng 1/3 trọng lượng của các em, để nâng một viên phấn phải dùng đến cả hai tay nhưng vẫn hàng ngày cần mẫn ngồi giảng bài cho các em. Cảm giác mình là người có ích đến với Bích Lan bắt đầu lớn dần lên khi các lớp học sinh nối tiếp nhau bước vào cánh cổng trường đại học và những bức thư được gửi về động viên cô giáo. Mỗi khi trò chuyện cùng các học sinh của mình, Bích Lan luôn nhắc đến câu nói quen thuộc “Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, luôn tiềm ẩn những cơ hội mới. Vậy nên đừng bao giờ nản”. 

Sẽ cười nhiều hơn

Với một người bình thường, vừa học vừa làm đã là quá sức nhưng với một cô gái chưa đầy 30kg ngày làm việc tới 11 tiếng, một năm dịch 4 cuốn sách văn chương quả là những nỗ lực phi thường. Là một dịch giả, ngoài khả năng ngoại ngữ tốt, Bích Lan còn cần tới khả năng nhận ra lớp nghĩa phía sau của từ. Khi ngồi dịch sách, chị luôn liên tưởng tới vị trí của mình là ngồi giữa người đọc khó tính và tác giả của tác phẩm. Theo đánh giá của chị, một tác phẩm dịch thành công là cái tôi của người dịch hiện diện ít nhất, trung thành với nguyên tác. Người dịch văn học là con ngựa thồ văn hóa, mang những cái lạ, tính nhân văn trong câu chuyện đến với bạn đọc.

Đặc biệt, mỗi khi dịch một tác phẩm văn học nước ngoài, Bích Lan lại được sống trong khung cảnh của câu chuyện, sống cùng những vui buồn của nhân vật. Ví như dịch cuốn sách “Không gục ngã” của Nick    Vujicic, chàng trai không tay chân sắp đến Việt Nam, Bích Lan ngỡ rằng cuốn sách có trên đời này là để cho chị dịch. Từng trang sách mở ra trước mắt Bích Lan, chị cũng thấy Nick đã từng tuyệt vọng, đã bị bạn bè trêu ghẹo như thế nào. Chị đã được sống lại đời sống của chính mình qua việc dịch cuốn sách “Không gục ngã”, cảm xúc của chị và Nick thật giống nhau. Nhưng khác với Bích Lan, Nick Vujicic luôn tươi cười và sẵn sàng chia sẻ với bất kỳ ai. Nhiều độc giả đã khuyên Bích Lan nên cười nhiều hơn, rạng rỡ và tươi tắn hơn. Chị thấy đó là một lời khuyên chí tình và Bích Lan sẽ cười thật nhiều.