Chút tiếc nuối, hoài niệm về Hoàng tử piano

ANTĐ - Ngay khi đêm nhạc của  Richard Clayderman khép lại, nhiều khán giả Việt Nam đã bày tỏ sự thất vọng khi tận tai thưởng thức tiếng đàn đã nổi danh một thời. Không lẽ, Richard Clayderman đã hụt hơi khi đến Việt Nam hay do tham vọng của nhà tổ chức quá lớn đã làm hỏng hình ảnh của một tên tuổi?

Hoàng tử âm nhạc Richard Clayderman

Mỗi lần đến Việt Nam, Richard Clayderman luôn tạo nên những cơn sốt. Năm 1999, ông chọn TP.HCM làm điểm dừng chân đầu tiên ở Việt Nam. Và lần này, ông đã chọn Hà Nội làm điểm dừng chân trong chuyến biểu diễn lần thứ 2. Cả hai lần, khán giả đều săn lùng tìm mua vé đêm nhạc, đắt mấy cũng sẵn sàng rút hầu bao. Điều đó cho thấy, Richard Clayderman đã trở nên quen thuộc trong lòng người yêu nhạc Việt Nam. Thế rồi, sự phản hồi của khán giả về đêm nhạc của Richard Clayderman ngày 23-8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia hoàn toàn trái ngược với những gì họ mong chờ. Tiếng đàn của ông đã không còn lãng mạn, trẻ trung và hấp lực như thuở nào mà thay vào đó, cụm từ “bình dân”, “thương mại” được nhắc đến nhiều lần. 

Richard Clayderman đã nghiên cứu rất kỹ khán giả Việt Nam nên danh sách các tác phẩm biểu diễn khá quen thuộc, từ âm nhạc ABBA đến liên khúc nhạc Titanic… Không thể nói, khán giả Việt thẩm định âm nhạc yếu được, với những nhận xét rất thẳng thừng về nghệ sỹ nổi tiếng thế giới này. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu có một nghệ sỹ solist lừng danh nào đến Việt Nam biểu diễn trong khán phòng rộng mênh mông như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, có lẽ, họ cũng cần phải suy tính kỹ lưỡng hơn Richard Clayderman. Dù hoành tráng với sức chứa khán giả lên tới hàng nghìn người nhưng Trung tâm Hội nghị Quốc gia cần được tổ chức thiết kế kỹ lưỡng để có thể trình diễn các đêm nhạc cổ điển và  bán cổ điển. Lần này, nhà tổ chức đã quá chú ý đến việc quảng bá thương hiệu mà thiếu đi sự tinh tế trong việc lựa chọn nhà hát biểu diễn phù hợp với dòng nhạc và đẳng cấp của nghệ sỹ mời biểu diễn.   

Một nốt nhạc vang lên, không những chứa đựng âm thanh mà còn có cả trái tim và sự rung động của người nghệ sỹ, nhưng danh cầm người Pháp lần này có vẻ hụt hơi trong không gian loãng, với những nốt nhạc giảm tải sự hấp dẫn với người nghe. Chưa kể, Richard Clayderman còn chú ý tới việc thu hút sự tập trung của người nghe với những màn tấu hài. Nhưng rồi do khoảng cách khán giả với nghệ sỹ xa nhau vài trăm mét khó có gì khỏa lấp được, nên hình ảnh của một “hoàng tử piano” thật sự nhạt nhòa. Âm thanh chưa nét, hình ảnh mờ, hai yếu tố này cũng kết hợp lại với nhau trong một đêm nhạc bán cổ điển đã dâng đầy nỗi thất vọng của người nghe.

Muốn đại chúng hóa đêm nhạc Richard Clayderman thì không thể làm theo cách bình dân hóa tất cả các khâu. Richard Clayderman đã được gắn với nhiều biệt danh không mấy thiện cảm khi tạo nên sự thất vọng với khán giả Việt như một kiểu “kinh doanh nghệ thuật bình dân”, “người ăn theo thông minh”... Nhưng nói gì đi nữa thì khán giả Hà Nội có chút tiếc nuối khi hoài niệm về một hoàng tử piano lừng danh ngày nào.