Họa sỹ Bằng Lâm:

Cánh chim biển không mệt mỏi

ANTĐ - Gần 80% số ảnh trong Bảo tàng Hải quân Việt Nam thuộc về họa sỹ Bằng Lâm, một người lính hải quân năm xưa đã có 8 lần đi Trường Sa ngay từ những ngày đất nước mới giải phóng. Vị mặn mòi của biển, những con thuyền lênh đênh trên sóng nước, sự thiếu thốn tình cảm, khó khăn nơi tuyến đầu đất nước của người lính đảo dường như đã ngấm vào máu Bằng Lâm.  

Người lính và đàn chim biển xuất hiện nhiều lần trong tranh của họa sỹ Bằng Lâm

15 năm 8 lần ra đảo

Khi đất nước vừa dứt tiếng đạn bom, họa sỹ Bằng Lâm là một trong số rất ít văn nghệ sĩ khi đó đã sớm có mặt ở Trường Sa.  Lúc đó, phương tiện đi lại lạc hậu với con tàu chỉ to hơn tàu đánh cá một chút nên đến được Trường Sa là hành trình đầy vất vả và hiểm nguy. Hơn 1 tháng trời, lênh đênh trên biển mới có thể đến hết được các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn… Trong hành trình năm ấy, những người không quen với sóng gió đều nằm bẹp trên tàu vì say sóng nhưng Bằng Lâm thì khác, ngoài sự dạn dày khi lặn lội qua nhiều chiến trường ác liệt, ông đã có 15 năm làm lính hải quân, lăn lộn qua nhiều đơn vị như Trung đoàn 171, 172 đơn vị lính thủy đánh bộ, đơn vị đặc công nước ở Cửa Việt, đoàn 125 (tàu không số) mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. 

Dù đã quá quen với sự gian khổ, nhưng năm ấy, khi đặt chân đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, họa sĩ Bằng Lâm rất xót xa trước sự hy sinh gian khổ của những người lính đảo. Nước ngọt được chở từ đất liền ra quý như vàng. Các chiến sỹ chia nhau từng ca nước, từng cọng rau xanh. Giữa mênh mông biển cả, lại thêm thiếu thốn đủ bề nên những cánh thư đến được tay các anh sẽ không còn bí mật riêng nào nữa. Họ đọc cho nhau cùng nghe, cùng chia sẻ tâm tư bởi ở nơi đảo xa, những người lính đã là người một nhà. Những hình ảnh về người lính hải quân Việt Nam đã được họa sỹ Bằng Lâm xúc động và trân trọng ghi lại bằng hàng nghìn tấm phim quý giá,  đó là chất liệu dệt thành 80% số ảnh đang được trưng bày trong Bảo tàng Hải quân Việt Nam. Và cũng từ những tấm ảnh chụp đó, Bằng Lâm đã khơi nguồn cảm hứng cho các nghệ sỹ không có cơ hội đến với Trường Sa sáng tác về biển đảo. Họa sĩ Bằng Lâm kể, ông cũng từng có những chuyến đi dài cùng Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam đến với cuộc sống ở đảo chìm. Hình ảnh Quốc kỳ Việt Nam bay phấp phới trên mặt biển xanh hiền hòa khiến những người chứng kiến trào nước mắt vì xúc động.

Sống mãi tuổi thanh xuân

Trở về từ những chuyến đi như thế, Bằng Lâm luôn đau đáu với hình ảnh người lính đảo dạn dày sương gió và sự kiên cường chiến đấu của các anh nơi biên cương hải đảo. Ông lao vào sáng tác như chỉ sợ sự phôi pha của thời gian có thể làm lu mờ những ký ức và hình ảnh đẹp về các chiến sỹ. Nhờ thế, hàng loạt tác phẩm ưu tú lần lượt ra đời làm nên tên tuổi Bằng Lâm gắn liền với đề tài Hải quân Việt Nam. Suốt trong thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước, những người yêu nghệ thuật được chiêm ngưỡng các tác phẩm của ông như Cây phong ba, Chiến sỹ hải quân, Biển và lính đảo… Điều thú vị, Bằng Lâm vẽ về người lính đảo luôn gắn liền với hình ảnh những đàn chim biển. Ông như muốn khẳng định rằng: như đàn chim ấy, các chiến sỹ hải quân Việt Nam luôn hiên ngang tung cánh trên bầu trời Tổ quốc.

Ở thời kỳ đầu sáng tác, ông vẽ theo lối hiện thực lãng mạn. Tả thực nhưng vẫn có đôi chỗ hư cấu để làm nên một hình ảnh rất hiện hữu nhưng lại trữ tình về người lính đảo. Mấy năm trở lại đây, Bằng Lâm có sự chuyển đổi phong cách vẽ về người lính đảo và biển.  Ông vẽ theo lối trừu tượng để diễn tả tấm lòng yêu thương dành cho người lính hải quân. Biển và trời ở đảo, Bằng Lâm không tách riêng hai mảng với màu xanh nên thơ như ta thường thấy mà Bằng Lâm dùng cả nền sáng vàng để diễn tả không gian bao la nhưng đầy sự đe dọa của thiên nhiên. Ông không có dụng ý khai thác những vẻ đẹp hùng vĩ tráng lệ của biển mà muốn thông qua hình tượng nhân vật để diễn tả vẻ đẹp và sức mạnh bên trong người lính đảo. 

Tròn 70 tuổi nhưng gương mặt của họa sỹ Bằng Lâm luôn tỏa sáng bởi nụ cười cởi mở. Dường như sự sáng tạo của ông vẫn còn rất thanh xuân và trước mặt ông vẫn mở ra nhiều dự định trong sáng tạo nghệ thuật cũng như trong hoạt động xã hội. Và có một điều chắc chắn rằng, đề tài về người lính hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc sẽ được ông theo đuổi đến cùng bằng nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau.