Ca sĩ Ánh Tuyết: Mối duyên với nhạc Văn Cao

ANTĐ - Suốt mấy chục năm đi hát, Ánh Tuyết không bao giờ bị nhầm với nghệ sĩ nào. Nói vậy là bởi chị có chất giọng cao vút, đẹp mê hồn không lẫn vào đâu được. Mà kể cả khi chị chưa cất giọng thì cái tên Ánh Tuyết cũng may mắn không bị “đụng” hay trùng với ai.

Tuổi thơ của “Tiếc”

Ánh Tuyết chỉ là nghệ danh của chị, còn tên thật của Ánh Tuyết là  Tiếc - Trần Thị Tiếc. Ánh Tuyết bảo tên này là do mẹ chị đặt, còn bà đặt vì tiếc điều gì thì chị không rõ. Chỉ biết ngày trẻ, mẹ chị rất đẹp, là Hoa khôi Điện Bàn (Quảng Nam) có nhiều người đàn ông tài hoa mê lắm. Nhưng rốt cuộc bà vẫn chọn bố chị, một người bình thường nhưng tính cách lại rất nghệ sĩ. Vì vậy, bà gần như phải một tay vun vén lo toan cho gia đình. 

Ánh Tuyết là cô con gái duy nhất trong gia đình có 5 anh em nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên vẫn phải nghỉ học phụ cha mẹ gánh cơm ra chợ Hội An bán, chỉ có các anh em trai của chị là được theo học tiếp. Cũng bởi thế mà Ánh Tuyết bảo tuổi thơ của chị đầy mặc cảm, cũng may là sau này chị cũng được bố mẹ cho đi học lại. 

Trút tình cảm vào lời ca

Ánh Tuyết thổ lộ nhạc Văn Cao rất đặc biệt, mỗi lần hát là chị như trút những tình cảm của mình vào từng lời ca. Nhớ lại, Ánh Tuyết bảo ngày đó chị được mời hát thế chỗ một ca sĩ vắng mặt trong một chương trình ca nhạc. Khi ấy chị chọn hát một vài bài của nhạc sĩ Văn Cao và cũng không ngờ ông đang ngồi ở hàng ghế khán giả. Vị nhạc sĩ già chăm chú nghe cô ca sĩ lạ hát như rút ruột và khẽ gật đầu mãn nguyện.

Có lần ra Hà Nội, chị tìm đến thăm ông, hỏi ông về bài hát Trương Chi mà ông sáng tác và được biết nhân vật trong bài hát đó cũng chính là thân phận của tác giả. Sau này, khi nghe Ánh Tuyết hát ca khúc này trên sân khấu, ông có nói với chị rằng không ngờ đến cuối đời, nhạc của ông lại có Ánh Tuyết. Với chị, đó là một trong những cuộc hạnh ngộ đẹp nhất trong cuộc đời mình. Cho tới bây giờ, chị vẫn giữ thói quen cố gắng năm nào cũng tìm ra Hà Nội vào dịp vị nhạc sĩ tài hoa mất hoặc trước dịp sinh nhật của ông để thắp một nén hương tưởng nhớ. Nữ ca sĩ tâm sự ngay từ những ngày đầu tiên cầm trên tay bản nhạc của nhạc sĩ Văn Cao, chị đã bị mê hoặc từ ca từ đến giai điệu. Cũng chẳng biết từ bao giờ chị nặng lòng với các sáng tác của ông đến thế. Những lúc gặp va vấp, trắc trở và muộn phiền trong cuộc sống, cứ tìm đến nhạc của ông là chị lại thấy được cân bằng và tĩnh tâm trở lại. 

Và mối tình không biên giới

Người bạn đời của Ánh Tuyết là một kỹ sư người Pháp. Ánh Tuyết ngoài 30 tuổi vẫn chưa chịu lấy chồng cho đến khi gặp anh, một người đàn ông mà chị bảo là hiền lành và sống rất có trách nhiệm. Chị bảo gặp gỡ anh được một thời gian, anh ngỏ lời, chị quay ra hỏi “vặn” sao anh lại muốn lấy mình, lấy một cô gái Việt Nam mà không phải phụ nữ Pháp hay một cô gái ở nước nào khác. Chị vẫn nhớ khi ấy anh chỉ cười và hồn nhiên đáp: “Tôi cưới người này chứ không phải người Pháp hay người Việt Nam gì hết”. Rồi để thử anh, chị quả quyết chị không biết vào bếp nấu nướng, không biết nội trợ, chị chỉ biết hát thôi. Đáp lại, anh vẫn một mực khẳng định anh muốn cưới chị, cưới một người vợ chứ không phải cưới một bà nội trợ. Chưa chịu bỏ qua khâu thử thách “tiền hôn nhân”, chị bảo chị sẽ không bỏ việc ca hát cả sau khi đã lập gia đình. Đến nước này, chàng kỹ sư Pháp trả lời rất nhanh, rằng đã quan sát chị hát và biết chị là người của công chúng, cũng bởi vậy nên anh biết nếu một ngày nào đó chị không đứng trên sân khấu nữa, không hát nữa thì sẽ rất buồn. Vậy là khép lại những băn khoăn hồ nghi, chị gật đầu lấy anh. Với chị, câu chuyện tình yêu xuyên biên giới ấy cũng là cuộc hạnh ngộ tình cờ nhưng đầy thi vị.