Bài hát có sức mạnh vượt trên vũ khí tối tân

ANTĐ - 50 năm trước, sau khi bịa đặt ra cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ bắt đầu cho máy bay ném bom miền Bắc Việt Nam để “trả đũa”. Ngay trận thử lửa đầu tiên ấy, bằng tình yêu Tổ quốc và lòng quả cảm vô biên, bộ đội Phòng không, bộ đội Hải quân Việt Nam và nhân dân miền Bắc đã làm nên chiến thắng lịch sử khi bắn rơi 8 máy bay, bắt sống 1 giặc lái. Ngay thời điểm đó, nhạc sĩ Ngô Sĩ Hiển đã viết ca khúc để đời: Đánh đích đáng gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người.

Bài hát có sức mạnh vượt trên vũ khí tối tân ảnh 1
Chiến sĩ Hải quân Nguyễn Quốc Chủng chiến đấu dũng cảm
với may bay Mỹ trong trận ngày 5-8-1964. Ảnh: Tư liệu

- PV: Thưa ông, ông còn nhớ không khí sôi sục những ngày lịch sử đó không?

- Nhạc sĩ Ngô Sĩ Hiển: Lúc đó tôi vừa về nước, đang làm công tác giảng dạy ở Nhạc viện. Ở đâu nhân dân cũng bàn về sự kiện này. Đúng hôm 5-8, tôi sang nhà anh bạn làm ở Cục Tuyên huấn, thì được anh rỉ tai: “Quân ta bắn rơi máy bay địch, bắt sống phi công rồi. Tin này chưa đăng báo đâu”. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lúc đó, vừa hãnh diện, tự hào, run lên vì sung sướng.

- Bài hát “Đánh đích đáng” ra đời ngay lúc đó?

- Trên đường về, đi trên đường Thanh Niên, vì cảm xúc quá mãnh liệt nên tôi dừng xe đạp, ngồi ngay gốc cây viết chỉ một loáng là xong. Bài hát viết theo kiểu hành khúc, ca từ dễ nhớ, dễ thuộc. Mở đầu là những câu đanh thép: “Đánh đích đáng/ Đánh đích đáng/ Đánh đích đáng”, như tiếng kèn hiệu triệu toàn quân, tiếp đó ca từ cứ thế nối tiếp, không phải chỉnh sửa nhiều. Sau đó tôi gửi bài hát lên Đài tiếng nói Việt Nam. Đích thân ông Trần Lâm, Giám đốc duyệt thu âm rồi cho phổ biến.

- Ông có thể cho biết khởi nguồn của những ca từ mà đến tận ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử?

- Những ca từ ấy nó từ tâm khảm mà bật ra thôi. Tôi cũng như bao người dân đất Việt, luôn mang  ý chí và nguyện vọng đã có từ bao đời điềm tĩnh, sáng suốt nhưng kiên quyết và mạnh mẽ để gìn giữ đất nước. Biển trong âm nhạc không chỉ mênh mông, nên thơ, mà biển còn dậy sóng trước những âm mưu, thủ đoạn xâm lấn: “Biển rộng của ta đâu có phải ao nhà của chúng nó! Trời xanh của ta không cho chúng kéo đến hành hung! Dân tộc ta một dân tộc anh hùng. Toàn thế giới đứng bên ta một lòng. Đập tan âm mưu xâm lăng, tiêu diệt lũ đế quốc hiếu chiến. Non nước Việt Nam sẵn sàng chiến đấu. Gìn giữ đất nước”.

- Ông có những kỷ niệm nào đáng nhớ với bài hát này?

- Bài hát đã được phát rất nhiều trong những năm chống Mỹ. Điều đặc biệt là ngay cả khi đang trú bom dưới hầm mà nghe thấy giai điệu bài Đánh đích đáng thì có nghĩa quân dân ta lại bắn rơi một máy bay, lập thêm một chiến công. Bài Đánh đích đáng như một giai điệu mừng thắng lợi, điều này đã mang lại sức sống mãnh liệt cho bài hát. 

- Xây dựng, phát triển đất nước hùng cường cũng là một cách để bảo vệ chủ quyền, ông đánh giá thế nào về việc này?

- Đúng vậy. Sau này tôi có viết thêm lời 2 cho bài hát. Lời một là quyết tâm bảo vệ chủ quyền, lời hai là xây dựng đất nước: “Đồng ruộng của ta ta chăm sóc từng cánh bèo ngọn lúa/ Nhà máy của ta tăng năng suất phấn đấu ngày đêm/ Từng nhát búa giáng xuống/ Từng gánh thóc lúa mới/ Ta đều góp phần xây dựng nước nhà/ Cho Tổ quốc ta thêm hùng cường...”. Đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đất nước có giàu mạnh mới có vị thế, mới không bị coi thường, nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay.

- Thời gian gần đây, vùng biển Việt Nam lại một lần nữa “nổi sóng” trước những hành động ngang ngược coi thường pháp luật quốc tế của Trung Quốc, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Những việc làm vừa qua của Trung Quốc đã làm tổn hại đến môi trường hòa bình, ổn định của Việt Nam và khu vực. Xâm phạm chủ quyền của dân tộc khác là có tội trước nhân loại, có tội trước lịch sử. Chiến thắng lịch sử cách đây 50 năm đã cho chúng ta một bài học lớn đó là luôn phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng trước mọi tình huống. Con đường đấu tranh của chúng ta phải xác định là kiên trì, kiên quyết, kiên định, kết hợp sức mạnh tổng hợp về pháp lý, công lý, chính trị, ngoại giao và văn hóa. Đặc biệt các văn nghệ sỹ cần sát cánh với ngư dân, với bộ đội. Âm nhạc sẽ mãi là cầu nối từ trái tim đến trái tim, khơi dậy tính nhân bản, hướng tới cái đẹp. Tuy nhiên, đây là lúc âm nhạc cần thiết khơi gợi lòng yêu nước, gợi niềm tự hào dân tộc, siết chặt đội ngũ cùng chung ý chí bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, giữ vững hòa bình. Hãy hành động! Đừng giáo huấn bằng lý thuyết suông với con trẻ! Trước hết hãy làm sống lại các bài hát bất hủ, đưa vào trường học, công xưởng, nhà máy...! Âm nhạc có sức lan tỏa và động viên lớn lắm, không thứ vũ khí tối tân nào sánh bằng đâu! Thực tế trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã chứng minh điều đó với những bài hát mãi đi cùng năm tháng.

- Ông có ý định sáng tác thêm các bài hát về biển đảo, gìn giữ chủ quyền không?

- Tôi vẫn theo sát các tin tức về biển trời Việt Nam và luôn sẵn sàng để viết thêm nhiều bài hát nữa. Già rồi nhưng sức chiến đấu vẫn còn nhiều lắm: “À, thế ra mình đã 85/ Thấy quân xâm lấn dạ còn căm/ Ước gì sống lại thời trai trẻ/ Thì lại xông pha các chiến trường”.

- Xin cảm ơn ông !

Nhạc sĩ Ngô Sĩ Hiển sinh ngày 28-8-1928, quê ở Hà Nội, là nhạc sĩ lý luận và sáng tác. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là nhạc công chơi violon tại Đoàn Văn công Sư đoàn 308. Ông tham gia viết cuốn Thuật ngữ Âm nhạc cùng các nhạc sĩ Tô Vũ, Hoàng Hiệp, Phạm Sửu. Ngoài Đánh đích đáng thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, ông còn các tác phẩm Fuji - Trường Sơn - Huy chương Vàng trong Hội diễn toàn quốc năm 1985, Tiếng gọi thiêng liêng - biểu diễn chào mừng Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.