Vừa đấm vừa xoa

ANTĐ - Phương Tây một mặt mở kênh đối thoại với Nga, mặt khác lại lớn tiếng răn đe trừng phạt Matxcơva trong vấn đề Ukraine.

Nữ Thủ tướng Đức Merkel bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Ukraine Poroshenko
tại Hội nghị Thượng đỉnh EU ngày 27-6

Trong nỗ lực nhằm tiếp tục tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc điện đàm ngày 29-6 với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Theo đó, các nhà lãnh đạo Nga, Đức và Pháp cùng kêu gọi ông Poroshenko tiếp tục gia hạn lệnh ngừng bắn tại miền Đông nước này (hết hiệu lực ngày 30-6) để triển khai kế hoạch hòa bình 15 điểm giải quyết tình hình bất ổn tại khu vực nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine.

Cho dù cùng muốn tìm lối thoát hòa bình cho cuộc xung đột khiến hàng trăm người chết tại miền Đông Ukraine nói riêng và cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này nói chung, song việc lãnh đạo Ukraine, Đức và Pháp cùng điện đàm với Tổng thống Putin đã khiến không ít người ngạc nhiên. Bởi trong khi Kiev và phương Tây vẫn cho rằng Matxcơva hậu thuẫn cho lực lượng đòi ly khai ở miền Đông Ukraine thì Nga lại khẳng định cuộc khủng hoảng ở nước này là vấn đề nội bộ của Ukraine, trong đó có vấn đề tôn trọng cộng đồng nói tiếng Nga ở miền Đông.

Trên thực tế, từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tại Ukraine tới nay, phương Tây đã liên tục gây sức ép, đóng băng nhiều mối quan hệ, thậm chí tiến hành trừng phạt các quan chức Nga trong vấn đề Ukraine. Thế nhưng, cùng với việc giơ “cây gậy”, phương Tây cũng vẫn chìa “củ cà rốt” với Nga bởi họ biết rất rõ rằng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine nếu thiếu sự tham gia của Maxcơva.

Đó là lý do khiến phương Tây sau thời gian “tuyệt giao” đã buộc phải chấp nhận ngồi lại “nói chuyện” với Nga trong vấn đề Ukraine. Trong cuộc điện đàm ngày 29-6, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã thỏa thuận với Tổng thống Putin về cuộc điện đàm tiếp theo với ông Poroshenko để tiếp tục trao đổi những biện pháp cụ thể về tình hình an ninh, kéo dài lệnh ngừng bắn và triển khai kế hoạch hòa bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ đẩy Ukraine rơi vào cuộc nội chiến. 

Tuy nhiên, bên cạnh việc tìm cách lôi Nga vào thương lượng, phương Tây vẫn luôn sẵn sàng tung ra những “cú đấm” răn đe nếu không đạt được mục đích. Trước cuộc điện đàm 4 bên Đức, Pháp, Ukraine và Nga, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một “tối hậu thư”, buộc Nga đến hạn chót ngày 30-6 phải “thực hiện những bước đi cụ thể nằm làm dịu căng thẳng tại miền Đông Ukraine” nếu không sẽ phải “đối mặt với những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn”.

Trong “tối hậu thư”, EU đòi Nga trả lại 3 trạm kiểm soát biên giới cho chính quyền Ukraine, khởi động các cuộc đàm phán quan trọng nhằm thực hiện kế hoạch hòa bình của Tổng thống Poroshenko, gây ảnh hưởng đến các nhóm vũ trang tại miền Đông Ukraine… Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande cảnh báo EU sẵn sàng áp dụng những biện pháp mạnh với Nga nếu nước này “không đóng góp tích cực vào kế hoạch hòa bình của Tổng thống Poroshenko”.