Ukraine: Điểm khởi đầu cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới chống Nga?

ANTĐ - Ngày 21-4, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và báo chí quốc tế “Nước Nga ngày nay” Veronhika Krasheninikova cho rằng, Mỹ đã thay đổi chiến lược đối với Nga từ hợp tác sang chuẩn bị cho một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới, sau những bất đồng giữa hai nước liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. 

Sự thay đổi chiến lược này được nêu chi tiết trong một bài báo của tạp chí New York Times hôm 19-4 miêu tả lộ trình của Washington về mối quan hệ Nga-Mỹ trong tương lai. Bài báo cho rằng chiến lược này là một “phiên bản mới của chiến lược Chiến tranh Lạnh kiềm chế.”

Bà Krasheninnikova khẳng định rằng: “Bài báo có thể được coi là chiến lược chính thức mới của Mỹ mà họ sẽ theo đuổi đối với Nga. Nó có vẻ như là một tuyên bố về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.”

Theo New York Times, chiến lược mới của Mỹ đối với Nga lặp lại những gì nhà ngoại giao Mỹ George Kennan đưa ra năm 1947, trong đó Mỹ đã nỗ lực cô lập Liên Xô bằng việc cắt đứt mối quan hệ về kinh tế và chính trị của họ với thế giới bên ngoài, trong khi vẫn hợp tác với người Nga những lĩnh vực tất yếu và hai bên cùng có lợi.

Các lĩnh vực này bao gồm hợp tác vũ trụ, vì trong thời gian gần đây các nhà du hành vũ trụ Mỹ lên Trạm vũ trụ quốc tế thường do các tàu vũ trụ của Nga đưa lên và không quân Mỹ vẫn phải dựa vào các tên lửa đẩy sử dụng động cơ do Nga chế tạo để đưa vệ tinh quân sự lên vũ trụ.

Ngoài ra còn có các lĩnh vực liên quan đến chương trình thanh sát vũ khí hạt nhân theo START II; chương trình hợp tác tiêu huy các hệ thống vũ khí cũ của Nga; hợp tác để cho phép binh lính và trang thiết bị của Mỹ đi qua lãnh thổ Nga tới Afghanistan; hợp tác giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria và đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran…

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barak Obama

Bài báo nhận định ngay cả khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine được giải quyết, Tổng thống Mỹ sẽ không bao giờ khôi phục lại mối quan hệ với người đồng cấp Nga Putin như mức độ trước đây.

Chỉ còn vẻn vẹn hai năm rưỡi nắm chức Tổng thống Mỹ, nên ông Obama sẽ cố gắng giảm bớt các mối quan hệ mang tính chất “rủi ro” và chuyển sang tập trung cho những mối quan hệ khác tại các khu vực có thể mang tới kết quả thành công lớn hơn.

Ngoài ra, bà Krasheninikova chứng minh nhận định của mình bằng việc phân tích động thái của ông Obama trong việc sẽ bổ nhiệm một nhân vật có quan điểm chống Moscow là John F.Tefft làm Đại sứ Mỹ tại Nga. Ông này đã từng là Đại sứ Hoa Kỳ tại Gruzia, Ukraine và Litva, những nước ít nhiều đã thực hiện các chính sách chống lại Nga.

Nhiệm vụ chính của ông John F.Tefft chính là thúc đẩy các chính sách chống lại Nga, nhằm cô lập Moscow trên trường quốc tế. Và đây chính là kịch bản của Chiến tranh Lạnh mới mà Washington đang muốn áp dụng trong quan hệ với Moscow.

Tuy nhiên, bà Krasheninikova cùng một số chuyên gia khác cũng nhận định chưa chắc châu Âu, Trung Quốc hay các cường quốc thế giới khác đã đồng ý thực hiện theo chính sách cô lập kiểu Chiến tranh Lạnh của Mỹ đối với Nga, vì họ có mối quan hệ “cộng sinh” mật thiết giữa với Moscow.