Trung Quốc âm mưu phá liên minh Mỹ-Nhật-Hàn?

ANTĐ - Cùng ngày Trung-Hàn tiến hành tổ chức buổi hội đàm cấp cao ngày 3-7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, nước này sẽ đơn phương xóa bỏ một phần lệnh cấm vận với Triều Tiên. 

Thông tin về những biến động trong quan hệ ngoại giao đầy phức tạp của 4 nước Đông Bắc Á đã lan ra khắp thế giới và đã gây ra những luồng dư luận trái chiều, đặc biệt, nó đã vấp phải sự phản đối của một bộ phận dân chúng Hàn Quốc. Dư luận nước này cho rằng, Nhật làm như vậy là đã chọc thủng “lưới bao vây Triều Tiên” mà Nhật-Mỹ-Hàn đã dày công xây dựng.

Trong khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đang thăm Seoul, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố, Bắc Kinh rất quan tâm tới những tiến triển mà Tokyo và Bình Nhưỡng đã đạt được, hi vọng đôi bên cải thiện được mối quan hệ, thông qua đối thoại để ổn định hòa bình khu vực.

Còn Bộ ngoại giao Hàn Quốc phát biểu, bất cứ biện pháp nào của Tokyo nhằm xóa bỏ một phần chế tài đối với Bình Nhưỡng cần được tiến hành một cách minh bạch và phải được thực hiện trong khuôn phép, không gây ảnh hưởng đến hợp tác Mỹ-Hàn-Nhật-Triều về vấn đề hạt nhân.

Về vấn đề này, tờ Sankei Shimbun của Nhật bình luận, năm tới là kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Hàn Quốc không ngoài mục đích kêu gọi Seoul cùng đấu tranh với Tokyo trong các vấn đề lịch sử, đồng thời xây dựng mạng lưới bao vây xung quanh nước này.

Kim ngạch thương mại song phương Trung-Hàn lên tới 270 tỷ USD và mối quan hệ lạnh nhạt giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã mở ra một viễn cảnh Trung Quốc có thể làm nhụt nhuệ khí của Mỹ, ngăn cản mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với Mỹ-Hàn trong lĩnh vực bảo đảm an ninh.

Trung Quốc âm mưu phá liên minh Mỹ-Nhật-Hàn? ảnh 1

Mỹ sẽ không để Nhật-Hàn mâu thuẫn với nhau để Trung Quốc lợi dụng


Bài xã luận trên tờ JoongAng Ilbo đưa tin, trong bối cảnh tình hình ở Đông Bắc Á ngày càng phức tạp và rối ren, chuyến thăm lần này có ý nghĩa ngoại giao và mang tính biểu trưng vô cùng quan trọng. Nói trắng ra là ông Tập Cận Bình muốn thúc đẩy Hàn Quốc ngày càng tiến sát hơn với Trung Quốc, điều này dẫn tới các nước láng giềng của họ phải nâng cao cảnh giác.

Seuol biết rõ điều đó. Khối đồng minh Mỹ-Hàn lấy hình thái nhận thức làm cơ sở có tính chất hoàn toàn khác với mối quan hệ Trung-Hàn, được gắn kết bằng lợi ích kinh tế, văn hóa lịch sử, nên mặc dù có nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương đến mức độ nào đi nữa, Bắc Kinh cũng khó có thể lung lạc được Seoul.

Nhưng Hàn Quốc cũng rất cần Bắc Kinh trong quan hệ kinh tế. Seoul không thể bỏ đồng minh những cũng không thể lắc đầu trước thiện chí của Bắc Kinh. Vì vậy hiện nay, nan đề quan trọng nhất về ngoại giao của Hàn Quốc là làm thế nào tránh cho những mâu thuẫn đối kháng trong quan hệ Hàn-Trung và quan hệ Mỹ-Hàn xuất hiện cục diện “trò chơi có tổng bằng không”.

Theo bình luận trên tờ Hankyoreh, cuộc hội đàm cấp cao Trung-Hàn lần này diễn ra trong bối cảnh Nhật dỡ bỏ lệnh cấm “Quyền tự vệ tập thể” mở ra một cục diện mới trong khu vực. Hàn Quốc luôn hướng về Mỹ còn Trung Quốc luôn để ý đến Triều Tiên nên hội đàm cấp cao Trung-Hàn vẫn “thấp giọng” khi đề cập đến các vấn đề nhạy cảm.

Điều này có thể nhận thấy rõ khi nhìn vào những văn kiện mà 2 bên đạt được trong chuyến thăm này, nguyên thủ 2 nước đã không biểu hiện thái độ rõ rệt trong lập trường về các vấn đề nhạy cảm ở khu vực Đông Bắc Á.

Trung Quốc âm mưu phá liên minh Mỹ-Nhật-Hàn? ảnh 2

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ đón ở Seoul hôm 3/7


Không chỉ có Trung-Hàn-Triều quan tâm đến tuyên bố xóa bỏ lệnh một phần trừng phạt đối với Triều Tiên của Nhật Bản, mà Mỹ cũng đặc biệt chú ý tới sự biến động tình hình vì Tokyo là chiến hữu quan trọng nhất của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương, nên Nhà Trắng cũng đề cao cảnh giác chuyến thăm viếng lần này.

Theo tin của tờ “The New York Times”, trước đó ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc, chứng tỏ Bắc Kinh đã hạ quyết tâm tìm cách cô lập Tokyo, phá hoại khối đồng minh của Washington ở khu vực Đông Bắc Á, nhằm xây dựng và củng cố cơ chế hợp tác an ninh mới trong khu vực.

Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Evans J.R.Revere cũng cho biết, chuyến thăm Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình trong thời điểm này, thể hiện ý đồ “cơ cấu lại” bản đồ ngoại giao khu vực này một lần nữa của Trung Quốc, nhưng nỗ lực “phá hoại quan hệ Mỹ-Hàn hay Nhật-Hàn" sẽ không thành.

Nhật Bản và Hàn Quốc tuy cũng có những bất đồng nhưng nó không thuộc dạng mẫu thuẫn không thể điều hòa. Hơn nữa, “người anh cả” Washington cũng sẽ không để 2 đồng minh thân cận của mình đấu đá lẫn nhau để Bắc Kinh lợi dụng phá vỡ mối quan hệ đồng minh tay ba đang là trụ cột an ninh của khu vực Đông Bắc Á.