Treo đầu bò, bán thịt ngựa

ANTĐ - Đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi bị phanh phui, vụ scandal thịt ngựa giả thịt bò vẫn đang gây chấn động dư luận châu Âu, nơi vốn nổi tiếng là nghiêm ngặt, chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Công ty Spanghero bị cáo buộc là nơi cung cấp thịt ngựa giả bò

Tính đến nay, ngoài Romania - nước được cho là nơi xuất phát của thịt ngựa giả thịt bò, tổng cộng đã có thêm 10 nước châu Âu dính líu đến vụ việc này. 

Theo cơ quan chống gian lận thương mại của Pháp, tổng cộng đã có 750 tấn thịt ngựa giả thịt bò bị đưa ra thị trường, trong đó 550 tấn dùng để chế biến thành 4,5 triệu sản phẩm thịt đông lạnh để bán ra ở 13 nước châu Âu qua trung gian của 28 tập đoàn chuyên bán đồ ăn đông lạnh, trong số đó có hãng nổi tiếng Findus.

Những con số trên cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhất là khi các sản phẩm thịt ngựa giả thịt bò lại là những sản phẩm tiêu dùng hết sức thông dụng ở các nước châu Âu như sốt thịt bò Lasagne, Bolognaise dùng cho món mỳ Ý, hay thịt bò viên dùng làm nhân pizza hay hamburger…

Đây là một cú sốc khá lớn với người tiêu dùng ở châu Âu bởi châu Âu vốn nổi tiếng là nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và người tiêu dùng châu Âu cực kỳ khắt khe với vấn đề vệ sinh thực phẩm và sức khỏe. Ở Pháp, các tờ báo đã gọi scandal này là “một sự vô trách nhiệm không giới hạn” của các nhà sản xuất.

Bình thường, thịt ngựa là loại thực phẩm có dinh dưỡng và được tiêu thụ nhiều ở châu Âu. Vấn đề là người ta nghi trong thịt ngựa giả bò có các loại chất cấm có thể gây bệnh cho con người, đặc biệt là phenylbutazone. Đây là thuốc giảm đau và chống sốt ở động vật nhưng có những tác dụng phụ nguy hiểm với người như giảm khả năng tái tạo bạch cầu và gây ra chứng thiếu máu.

Đối với nhiều người Anh và Ireland, lừa bán thịt ngựa còn là một sự sỉ nhục bởi trong cộng đồng những người nói tiếng Anh, kể cả người Mỹ và người Canada, thịt ngựa nằm trong danh sách thực phẩm cấm kỵ, bắt nguồn từ năm 732 sau Công nguyên. Năm đó, Giáo hoàng Gregory III nỗ lực chấm dứt việc ăn thịt ngựa trong giáo dân. Nhiều người dân châu Âu còn quan niệm, ngựa cũng giống như chó, mèo là con vật gần gũi, thân thiết như người bạn.

Trước mắt, Công ty chế biến thực phẩm Spanghero ở miền Nam nước Pháp đã bị cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm rút giấy phép hoạt động. Là nguồn cung cấp thịt đông lạnh cho các hãng sản xuất món ăn nấu sẵn, Spanghero bị tố cáo bán thịt ngựa cho khách hàng, nhưng trên hóa đơn và giấy tờ thì lại ghi là thịt bò.

Tại Đức, các chuỗi siêu thị như Real, Edeka cũng đã cho kiểm tra tất cả các sản phẩm có mác thịt ngựa và cho thu hồi phần lớn các loại Lasagne. Các nước như Thụy Sỹ, Đan Mạch, Áo… cũng có các hành động tương tự. Có nước như đảo Síp còn cho tiêu hủy 16 tấn thịt bò băm vì phát hiện đó là thịt ngựa giả mạo không rõ xuất xứ.

Cơ quan chức năng của châu Âu cũng đã phải chi tới 3 triệu euro, tương đương với khoảng 3,8 triệu USD để chi cho việc xét nghiệm ADN chỉ để phân biệt đâu là thịt ngựa, đâu là thịt bò. Chắc chắn sẽ còn nhiều kẻ gian lận vào nhà đá và những khoản tiền lớn nữa phải bỏ ra để giám định chất lượng thịt bò. Cơn sốc “thịt ngựa giả bò” còn làm châu Âu đau đầu.