Tổng thống Nga Putin và câu nói quyết định vận mệnh của Crimea

ANTĐ - Ngày 06-03, Quốc hội Crimea đã bỏ phiếu thông qua đề nghị được sát nhập vào Nga. Tuy nhiên, ngày 04-03 vừa qua, ông Putin đã từng tuyên bố “Nga không có chủ định sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước mình”. Điều này người ta phải hiểu như thế nào?

Crimea mong muốn sát nhập vào lãnh thổ Nga

Trong ngày 06-03, các nghị sĩ Crimea tổ chức một phiên họp để quyết định về tương lai của bán đảo. Kết quả bỏ phiếu cho thấy, phần lớn nghị sĩ ủng hộ việc gia nhập Nga và đề nghị này sẽ được đưa ra biểu quyết trong cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Crimea sẽ diễn ra vào ngày 16-3, để người dân quyết định bán đảo sẽ vẫn thuộc Ukraina hay gia nhập Liên bang Nga.

Như vậy, cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra sớm hơn hai tuần so với kế hoạch ban đầu của nghị viện Crimea. Người dân thành phố Sevastopol cũng sẽ tham dự cuộc trưng cầu mặc dù thành phố này hưởng quy chế đặc biệt. Quốc hội Crimea cũng gửi thư đến Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Chính phủ Nga xem xét tiến hành các thủ tục cần thiết để bán đảo trở thành một phần lãnh thổ Nga.

Hãng tin RIA Novosti cho biết, ngay sau khi biết kết quả bỏ phiếu thông qua đề nghị sát nhập vào lãnh thổ Nga của Quốc hội nước Cộng hòa tự trị Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngay lập tức triệu tập cuộc họp bất thường với Hội đồng An ninh quốc gia để thảo luận về đề nghị sáp nhập vào Nga của nhà chức trách tại Crimea.

Hội đồng An ninh Nga gồm Thủ tướng Dmitry Medvedev, giám đốc cơ quan an ninh FSB Nikolai Bortnikov, giám đốc cơ quan tình báo Nga Mikhail Fradkov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và chánh văn phòng Kremlin Sergei Ivanov đã nhóm họp. Kết quả của cuộc họp này đến giờ vẫn chưa được tiết lộ.

Hiện đề nghị của Quốc hội Crimea vẫn còn phải chờ cuộc trưng cầu dân ý rồi mới quyết định, nhưng từ bây giờ người ta đã dự đoán trước được kết quả. Ngay khi Quốc hội vừa thông qua quyết định sát nhập vào Nga, hàng chục nghìn người dân tập trung bên ngoài tòa nhà nghị viện Crimea, từ trước khi phiên họp diễn ra, đã hò reo ngất trời và hô vang khẩu hiệu: "Nước Nga, nước Nga!".

Tổng thống Nga Putin và câu nói quyết định vận mệnh của Crimea ảnh 1

Khủng hoảng ở Ukraine là cuộc chơi của những chính trị gia lão luyện chứ không phải là các nhà quân sự


Trước đây, Crimea nguyên thuộc lãnh thổ của Nga, được trao tặng cho Ukraine năm 1954 khi 2 nước cộng hòa này còn nằm chung trong một mái nhà Liên bang Xô viết. Đây cũng là vùng duy nhất tại Ukraine có đa số dân là người Nga. Moscow cũng có căn cứ hải quân lớn ở thành phố Sevastopol thuộc Crimea, nơi đặt Hạm đội Biển Đen. 

Không chỉ ở Crimea mà cả khu vực phía đông Ukraine, nơi tập trung đông đảo người Nga sinh sống, tình cảm với nước Nga và các mối quan hệ chính trị, kinh tế và xã hội đều gắn bó rất mật thiết với cố quốc. Những cuộc biểu tình ủng hộ Nga trong thời gian vừa qua, đã chứng tỏ tình cảm của người dân Crimea nói chung và phía đông Ukraine, dành cho nước Nga sâu nặng đến thế nào.

Thật dễ hiểu là ước nguyện của người dân Crimea cũng không hề dễ dàng thực hiện được. Ukraine, Mỹ, EU sẽ không đứng yên nhìn nước cộng hòa tự trị này quay về bên Nga. Họ sợ rằng sự kiện Crimea sẽ là một tiền lệ nguy hiểm, kích hoạt phong trào li khai ở các tỉnh phía đông Ukraine, nơi người Nga sinh sống nhiều nhất và có tư tưởng thân Nga.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và là yếu tố tiên quyết là Nga phải đồng ý đón nhận Crimea. Moscow thì chưa bao giờ công khai ước muốn này, thậm chí Tổng thống Nga đã từng khẳng định là nước này không hề có ý định lôi kéo Simferopol đoạn tuyệt với Kiev, quay trở về với Moscow. Vậy, đằng sau những tuyên bố đó là gì? Thật ra Nga có muốn thế không?

Tổng thống Nga Putin và câu nói quyết định vận mệnh của Crimea ảnh 2

Đằng sau tuyên bố của ông Putin là gì?


Câu nói quyết định của Tổng thống Nga Putin

Khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Moscow có xem xét phương án sát nhập Crimea vào Nga hay không, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố “Nga không xem xét khả năng sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước mình”. Ông nói: “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chỉ có những công dân đang sống trong vùng lãnh thổ này hay lãnh thổ khác…, mới có thể và có quyền xác định tương lai của họ”.

Với tuyên bố trên, Tổng thống Nga đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng là Moscow “không có chủ định” sát nhập Crimea vào Nga, mà họ sẽ giúp Simferopol ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội. Tương lai của Crimea sẽ do chính nhân dân của nước cộng hòa tự trị này quyết định. Một câu nói hoàn hảo của một chính trị gia.

Trong thời điểm hiện nay, việc đưa ra tuyên bố trên là cực kỳ khôn ngoan. Nga đã thể hiện cho công đồng quốc tế biết rằng, Nga can thiệp quân sự vào Ukraine  đúng là chỉ nhằm mục đích bảo vệ công dân Nga và những người nói tiếng Nga, chứ không hề có mưu đồ chính trị gì khác. Với câu nói trên, ông Putin không chỉ trấn an người hàng xóm, mà còn làm yên lòng Mỹ và EU.

Tuy nhiên, đằng sau câu nói của ông ẩn chứa rất nhiều hàm ý sâu xa. Bây giờ người ta chưa nghĩ đến nhưng một thời gian sau mới thấy những câu nói của ông là cực kỳ khôn ngoan. Giả sử sau này tình hình có những biến chuyển khác thì cũng không ai trách gì được Nga, theo kiểu “tôi có muốn thế đâu?”.

Trước đó, Thủ tướng Crimea Sergey Aksenov đã chuyển đến Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu hỗ trợ trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Crimea. Sau đó, ông Putin đã đề nghị Hội đồng Liên bang phê chuẩn việc sử dụng các lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Ukraine cho đến khi bình thường hóa tình hình chính trị, xã hội tại quốc gia này và Thượng viện Nga đã nhất trí thông qua.

Tổng thống Nga Putin và câu nói quyết định vận mệnh của Crimea ảnh 3

Các cuộc biểu tình ủng hộ Nga được tổ chức rầm rộ ở các tỉnh phía đông Ukraine


Tuy nhiên, vào ngày 04-03, Tổng thống Putin tuyên bố, dù đã có yêu cầu chính thức của Tổng thống hợp pháp hiện tại (Nga chỉ công nhận ông Viktor Yanukovich là Tổng thống hợp pháp của Ukraine), nhưng ông không thấy sự cần thiết phải đưa quân đội Nga vào lãnh thổ Ukraine trong thời điểm hiện tại. Nga chỉ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có, nếu các cuộc bạo loạn diễn ra tại Kiev và phía tây Ukraine sẽ lây lan về phía đông và vùng Crimea.

Tổng thống Putin nói, ông cho rằng những bước đi như vậy, mặc dù là biện pháp cực kỳ kiên quyết nhưng hoàn toàn hợp pháp. Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga đã, đang và sẽ luôn tin tưởng rằng Ukraine “không chỉ là nước láng giềng gần nhất, mà thực sự là nước cộng hòa anh em của chúng tôi, một người hàng xóm tốt” và Nga không định chiến đấu với nhân dân Ukraine.

Tuyên bố “Nga không có ý định sát nhập Crimea vào lãnh thổ của mình” của ông Putin đầy hàm ý. Tại sao khi đó ông lại nói “Nga-không-có-ý-định-sát-nhập” chứ không phải là “Nga-không-sát-nhập”? Phải chăng ông đã tính đến tình huống nước cộng hòa tự trị Crimea đề nghị được trở thành một phần lãnh thổ của Nga và Moscow sẽ “buộc phải” chấp nhận “nguyện vọng tha thiết của nhân dân Crimea”?

Vị Tổng thống Nga có ý định như thế hay không thì chỉ mình ông biết. Tuy nhiên, rõ ràng là nếu sau này Nga chấp thuận cho nước cộng hòa tự trị từng là lãnh thổ của mình, được “trao tặng” cho Ukraine cách đây 60 năm, quay về dưới mái nhà nước Nga thì Mỹ và EU cũng không thể nói được gì vì thực tế là “Nga đâu có muốn thế”?