Thoát nỗi ám ảnh

ANTĐ - Cho dù tình trạng thất nghiệp và nỗi lo “cơm áo gạo tiền” vẫn đè nặng lên hàng trăm triệu người trên thế giới song đầu tư vào con người luôn là giải pháp hữu hiệu để thoát khỏi nỗi ám ảnh này.

Tỷ lệ thất nghiệp không cao song việc làm và thu nhập
của người dân các nước đang phát triển rất bấp bênh

Trong báo cáo về tình hình lao động năm 2013 công bố ngày 27-5, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra đánh giá tổng quát thực trạng lực lượng lao động các nước đang phát triển. Theo đó, các quyền của người lao động và điều kiện làm việc được cải thiện và ngày càng nhiều lao động trẻ có trình độ di cư đến các nước đang phát triển tìm kiếm cơ hội việc làm… song thất nghiệp vẫn là một mối đe dọa lớn tại các quốc gia đang phát triển mà phần lớn trong số đó là nước nghèo.

Báo cáo của ILO cho biết, khủng hoảng kinh tế thế giới đã đẩy thêm 30,6 triệu người gia nhập đội quân thất nghiệp, nâng tổng số người thất nghiệp toàn cầu lên tới 199,8 triệu tính tới hết năm 2013 và dự đoán sẽ tăng lên 213 triệu vào năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình trên thế giới hiện ở mức 6% và dự kiến sẽ duy trì con số này đến năm 2017. 

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ thất nghiệp thế giới ở mức cao và còn tiếp tục gia tăng là do tỷ lệ thất nghiệp quá cao tại các nước phát triển nhất thế giới, đặc biệt là ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Đầu tháng 5 này, Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone dù đã giảm song còn ở mức rất cao là 11,8%.

Trong khi đó, tuy tỷ lệ thất nghiệp không cao như các nước phát triển nhưng hiện có tới khoảng 1,5 tỷ lao động, chiếm hơn một nửa lực lượng lao động tại những quốc gia đang phát triển, vẫn trong tình trạng bấp bênh về việc làm và không được bảo đảm các quyền lợi xã hội và 839 triệu trong số này, chiếm khoảng 1/3 tổng số lao động, vẫn thu nhập dưới 2 USD/ngày. Dù sao, theo ILO, tỷ lệ này đã giảm mạnh so với mức hơn 1/2 tổng số lao động những năm 2000.

Báo cáo của ILO đánh giá cao việc các quốc gia đang phát triển đã giải quyết tình trạng thất nghiệp, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn các quốc gia phát triển, nhất là từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007. Ông Moazam Mahmood, tác giả chính của bản báo cáo ILO, nhấn mạnh: “Nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là ở Mỹ Latin và châu Á đang nỗ lực để giải quyết sự bất bình đẳng và nâng cao chất lượng công việc cũng như an sinh xã hội”.

Một trong những điểm sáng của tình hình lao động các quốc gia đang phát triển được ILO dẫn ra là trong giai đoạn 1980-2011, thu nhập bình quân đầu người tại các nước đang phát triển như Việt Nam, Senegal và Tunisia tăng trung bình 3,3%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng tương ứng 1,8% ở các nước phát triển. Hiện nay, cứ 10 lao động ở các nước đang phát triển thì có 4 người thuộc tầng lớp “trung lưu mới” với thu nhập trên 4USD/ngày, tăng đáng kể so với tỉ lệ 2/10 của 2 thập kỷ trước. 

Báo cáo của ILO kết luận rằng các quốc gia chú trọng đầu tư vào con người và tạo ra việc làm chất lượng đã ra khỏi những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn so với những nước không làm việc này. Giám đốc ILO Guy Ryder nêu rõ: “Việc đầu tư tốt cho con người là yếu tố xuyên suốt để tăng trưởng”.