Thêm thức ăn, bớt lãng phí

ANTĐ - “Thêm thức ăn, bớt lãng phí” - Đó là tên của chiến dịch mà Chính phủ Tây Ban Nha đang triển khai thực hiện nhằm giảm thiểu sự lãng phí thực phẩm lớn tại nước này.

Hàng năm Tây Ban Nha lãng phí tới 8 triệu tấn thực phẩm các loại

Cho dù đang phải thực hiện chính sách tiết kiệm “thắt lưng buộc bụng” để chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ công song Tây Ban Nha cũng đang đứng trước nghịch lý khó giải quyết, đó là sự lãng phí thực phẩm rất lớn. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Tây Ban Nha, mỗi năm nước này vứt bỏ tới 8 triệu tấn thức ăn.

Thời gian qua, hình ảnh người dân Tây Ban Nha đứng đợi chen chúc bên ngoài các siêu thị vào giờ đóng cửa để lượm thức ăn bị vứt đi vì hết hạn bán trong ngày đã gây bất bình lớn. Song theo Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha, siêu thị chưa phải là “thủ phạm” chính trong các vụ lãng phí thức ăn. 

Theo điều tra, các siêu thị ở Tây Ban Nha không phải là nơi lãng phí thức ăn nhiều nhất vì lượng thức ăn thừa bỏ đi chỉ chiếm 5% trong tổng lượng lãng phí. Nơi gây ra sự lãng phí lớn nhất chính là ở các nhà hàng và hộ gia đình, với lượng thức ăn vứt đi chiếm lần lượt khoảng 20% và 30-35 % trong tổng lượng lãng phí.

Chính vì thế, Chính phủ Tây Ban Nha đã phát động chiến dịch “Thêm thức ăn, bớt lãng phí” cùng nhiều biện pháp đi kèm như hướng dẫn tiết kiệm thức ăn tại gia đình, nhà hàng, tiết kiệm thức ăn cho trẻ em… nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm thực phẩm. Mục đích của chiến dịch là góp phần từng bước thay đổi thói quen hoang phí của người dân thông qua việc nâng cao ý thức và trách nhiệm chống lãng phí trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Chiến dịch chống lãng phí thực phẩm của Tây Ban Nha nằm trong nỗ lực chung của Liên minh châu Âu (EU), khu vực mà theo số liệu công bố  cho thấy trung bình mỗi người dân lãng phí tới 179kg thực phẩm mỗi năm. Cùng với Tây Ban Nha, các quốc gia khác trong liên minh như Anh, Italia… cũng đã triển khai các chiến dịch chống lãng phí thực phẩm.

Lãng phí thực phẩm hiện là một nghịch lý lớn mà cả thế giới đang phải đối mặt. Theo Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), số lương thực và thực phẩm bị lãng phí và thất thoát trên toàn cầu lên tới 1,3 tỷ tấn với tổng trị giá lơn 1.000 tỷ USD mỗi năm. Số thực phẩm bị lãng phí này đủ để nuôi sống ước khoảng 830 triệu người đang bị đói trên toàn thế giới.

Cũng theo FAO, khoảng 1/3 tổng sản lượng lương thực trên toàn cầu đã bị lãng phí, trong đó sự lãng phí lương thực ở các nước đang phát triển là 310 tỷ USD/năm, còn ở các nước công nghiệp phát triển lên tới hơn gấp đôi là 680 tỷ USD/năm. Lãng phí lương thực bình quân theo đầu người khoảng 95-115 kg/năm ở châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi số liệu này ở các nước khu vực Tiểu sa mạc Sahara, châu Phi là 6-11 kg/năm.

Lãng phí, thất thoát thực phẩm tại các nước đang phát triển chủ yếu do cơ sở hạ tầng kém, công nghệ lạc hậu và đầu tư cho hệ thống sản xuất lương thực thấp. Còn lãng phí lương thực ở những nước công nghiệp phát triển chủ yếu do các nhà bán lẻ và người tiêu dùng gây ra khi họ vứt bỏ các loại lương thực còn tốt vào thùng rác.