Thế kẹt của Nhà Trắng

ANTĐ - Sự kiện nhà báo Mỹ James Foley bị giết vì không được chuộc cùng việc Nhà Trắng “bật đèn xanh” cho vụ trao đổi tù nhân với phiến quân Taliban tại Afghanistan đang làm dấy lên tranh cãi xung quanh tính pháp lý của các cuộc thương thảo với bọn khủng bố.

Vụ trao đổi tù binh Bowe Bergdahl khiến Nhà Trắng bị chỉ trích

Hôm 22-8, các nhà điều tra của Quốc hội Mỹ khẳng định Lầu Năm góc đã vi phạm pháp luật khi quyết định đổi 5 phiến quân Taliban lấy Trung sĩ Lục quân B.Bergdahl, người bị bắt làm tù nhân ở Afghanistan trong 5 năm qua. Theo Văn phòng Giải trình của chính phủ Mỹ (GAO), việc Lầu Năm góc sử dụng khoản tiền 988.400 USD để thực hiện vụ trao đổi này đã vi phạm đạo luật cấm các cơ quan chính phủ chi tiền vượt quá giới hạn mà Quốc hội Mỹ quy định.

Vụ việc càng nóng thêm khi xuất hiện thông tin 4 nhà báo Pháp và 2 nhà báo Tây Ban Nha bị tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) giam giữ cùng với James Foley đã được thả trong năm nay, sau khi chính phủ Pháp và Tây Ban Nha trả tiền chuộc thông qua bên trung gian. Điều đó làm dấy lên câu hỏi liệu con tin Mỹ và Anh có cơ hội được trao trả tự do giống như công dân nước khác hay không, khi hai nước này đều từ chối nhượng bộ các nhóm khủng bố.

Bắt giữ con tin để tống tiền là một trong những cách thức kiếm tiền của các tổ chức khủng bố. Một cuộc điều tra của tờ Thời báo New York (Mỹ) cho biết năm ngoái, tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã kiếm được 66 triệu USD từ tiền chuộc con tin, chủ yếu đến từ các nước châu Âu.

Từ trước đến nay, Mỹ và Anh luôn tuyên bố không điều đình hoặc trả tiền chuộc cho kẻ bắt cóc. Họ tin rằng giao dịch như vậy chỉ càng dung túng và kéo dài vấn nạn này. Luật pháp Mỹ cũng cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào chuyển tiền cho các nhóm khủng bố, vì vậy, trả tiền chuộc được coi là  hành vi vi phạm pháp luật. Tại Hội nghị G8 năm ngoái, Mỹ cũng ép đưa vào tuyên bố chung cam kết các nước G8 sẽ không trả tiền chuộc cho bọn khủng bố.

Liên quan đến vụ trao đổi tù binh với Taliban, các nhà lập pháp của cả hai đảng đều cho rằng điều đó thể hiện sự nhượng bộ trước các phần tử khủng bố cũng như vi phạm luật pháp Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện B. McKeon tuyên bố thẳng rằng vụ việc như vậy có thể khiến các phần tử khủng bố, trong đó có mạng lưới khủng bố quốc tế Al- Qaeda, tăng cường bắt cóc các binh lính Mỹ làm con tin để trao đổi.

Trong khi đó, liên quan đến vụ nhà báo James Foley bị giết hại, Nhà Trắng cũng bị chỉ trích. Có ý kiến cho rằng đây là “bằng chứng rõ ràng về sự khác nhau trong kết quả của chính sách Mỹ và châu Âu. Công dân châu Âu có thể được cứu nhưng con tin Mỹ thì không”. Ông Phil Balboni, người đồng sáng lập của hãng truyền thông GlobalPost, nơi James Foley làm việc, lập luận: “Mục đích của chính sách rất rõ ràng, nhưng sau khi chuyện khủng khiếp xảy đến với James, tôi nghĩ rằng đã đến lúc Mỹ xem xét lại lập trường của mình. Đó là một vấn đề rất phức tạp nhưng tôi tin rằng đây là lúc để chính phủ cân nhắc”.

Cuộc chiến với thế lực khủng bố vẫn tiếp tục là thách thức với nước Mỹ, không chỉ từ mối đe dọa của nó, mà còn từ sự chia rẽ mà nó gây ra với dư luận nước Mỹ.