Quyết tâm “xoay trục”

ANTĐ - Tổng thống Mỹ B. Obama đang chuẩn bị công du đến châu Á trong động thái mà báo giới cho rằng thể hiện quyết tâm của Washington tiếp tục thực thi chiến lược xoay trục sang châu Á.

Lính Mỹ tại căn cứ quân sự Darwin ở Australia

Dự kiến, ông B. Obama sẽ lần lượt đi thăm các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines từ ngày 22-4. Các cố vấn của Tổng thống Mỹ cho biết trong chuyến công du châu Á lần này, ông B. Obama sẽ tái khẳng định sự yểm trợ vững chắc của Washington đối với các đồng minh, nhấn mạnh vai trò của Mỹ như một cường quốc Thái Bình Dương, đồng thời nỗ lực trấn an các nước trong khu vực rằng chính sách “xoay trục” sang châu Á của Nhà Trắng vẫn không thay đổi. 

Đây là chuyến công du châu Á thứ 5 của Tổng thống B. Obama, nhưng là chuyến công du đầu tiên của ông đến khu vực này kể từ khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển Hoa Đông hồi năm 2013 - hành động mà Washington cho là không có tính chính đáng. Nó lại diễn ra sau những biến động ở Ukraine, buộc Mỹ phải tập trung vào châu Âu, khiến nhiều người cho rằng nỗ lực xoay trục sang châu Á của Mỹ sẽ bị sao nhãng.

Chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á của Mỹ nhắm tới mục đích vừa củng cố quan hệ với các đối tác kinh tế mới nổi trong khu vực, vừa bảo đảm sự hiện diện của Mỹ với tư cách đối trọng với các đối thủ quyền lực, mà nổi bật nhất là Trung Quốc. Nó cũng cho thấy Washington “để mắt” tới hoạt động của Nga, đối thủ đang gia tăng hoạt động hải quân và không quân chiến lược, cũng như các hoạt động bán vũ khí khắp châu Á - Thái Bình Dương.

Với đặc thù của châu Á - Thái Bình Dương, sự dịch chuyển này đồng nghĩa hải quân và không quân phải gánh vác trọng trách lớn hơn. Một kế hoạch chung hợp nhất giữa lực lượng hải - không quân của Mỹ đã được cho ra mắt vào năm 2010 với mục tiêu cụ thể là ngăn chặn các quốc gia thù địch tiếp cận hải phận và không phận của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cho tới nay, một nửa số tàu của hải quân Mỹ đã được chuyển sang đồn trú ở khu vực này.

Tuy nhiên, các kế hoạch này rất tốn kém, chẳng hạn như việc mở rộng căn cứ quân sự Guam ước tính khoảng 8,6 tỷ USD (trong đó có 3 tỷ USD do Nhật Bản đóng góp). Tổng chi phí cho việc tái bố trí lực lượng lính thủy đánh bộ còn lớn hơn, có thể lên tới 12 tỷ USD. Theo đánh giá của Lầu Năm Góc, việc thực hiện các kế hoạch luân chuyển binh sĩ và vũ khí, trang thiết bị trên toàn cầu, sau đó tìm kiếm các địa điểm đồn trú và xây dựng hệ thống kho bãi bảo đảm các nguồn cung cấp hậu cần rất phức tạp. 

Chính vì thế mà sau quyết định ồn ào nhất là triển khai 250 lính thủy đánh bộ tới Darwin, Australia, và lời hứa có thể tăng lên 2.500 binh sỹ vào bất kỳ thời gian nào, Mỹ cũng chưa có nhiều động thái trong khu vực này. Điều này khiến một số nước cho rằng kế hoạch xoay trục của Mỹ mới chỉ là lời hứa. Trong khi đó, mâu thuẫn về chủ quyền xung quanh các đảo tranh chấp trên biển cùng việc nhiều nước trong khu vực tăng cường các hoạt động quân sự khiến châu Á - Thái Bình Dương đang nóng lên từng ngày. 

Thời gian lưu trú của ông B. Obama tại châu Á lần này không nhiều. Liệu ông có xóa đi được sự nghi ngờ của các đồng minh châu Á  hay không?