Quan hệ Nga-Mỹ có “dị dạng” sau chính biến Ukraine?

ANTĐ - Các chính trị gia phương Tây giờ đây đã hiểu rằng ngay từ đầu Nga đã quyết định làm theo những gì nước này cho là thích hợp và không để ngỏ cánh cửa cho sự thỏa hiệp. Tuy nhiên mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ thay đổi thế nào khi tình hình lắng xuống?

Đến thời điểm hiện tại, việc thay đổi thái độ của Nga đối với vấn đề Ukraine và Crimea là điều khó xảy ra bởi bán đảo này có vị trí địa chính trị rất quan trọng đối với Nga. Thay vì “uốn theo” các mong muốn của phương Tây, Nga lại trả lời bằng cách nhắc lại cho các nước - trong trường hợp họ quên - rằng có những mối đe dọa nào đang chờ họ.

Nga có khả năng biến Mỹ thành “bụi phóng xạ” theo như tuyên bố gần đây của người dẫn chương trình của kênh truyền hình “Rossiya-1” Dmitry Kiselyov. Lời tranh luận này làm cho bầu không khí trở nên căng thẳng, nhưng dù sao nó cũng là cuộc khẩu chiến, còn đỡ hơn là một cuộc chiến tranh thực sự.

Nga-Mỹ và EU đang tăng quân 2 bên đường biên giới nước Nga và Ukraine, nhưng chắc chắn sẽ không có cuộc chiến nào xảy ra. Khi mọi chuyện sẽ lắng xuống, hai bên sẽ ngồi làm việc lại với nhau. Vậy hiện Nga và Mỹ mong đợi gì trong quan hệ với phía bên kia? Và cả 2 bên cần phải làm gì?

Trong thời Xô Viết, Nhà Trắng là đối thủ chủ yếu của điện Kremlin, xuất phát từ sự đối đầu về ý thức hệ Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Tư bản. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, đánh dấu bằng sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và sự ra đời của nước Nga không còn định hướng chính trị cũ, người ta tin rằng cuộc đối đầu đã qua, và sẽ được thay thế bằng mối quan hệ đối tác chiến lược.

Nhưng trong thực tế, cuộc đối đầu tâm lý vẫn tồn tại và việc bất cân xứng về lực lượng và khả năng; sự thiếu cân bằng chỉ làm cho sự dồn nén và không hài lòng lẫn nhau trở nên sâu sắc hơn. Vì vậy, thật dễ hiểu khi tình hình thế giới hiện đang thổi bùng lên ngọn lửa đối đầu lưỡng cực giữa 2 đối thủ “truyền kiếp”.

Trong thời gian khá dài, Nga theo đuổi mối quan hệ bình thường với Mỹ, có lợi cho cả hai bên. Nhưng trong mọi trường hợp, Mỹ vẫn chưa sẵn sàng bắt tay Nga một cách bình đẳng và Moscow rõ ràng là không bao giờ mong muốn thừa nhận uy quyền của Washington.

Với những diễn biến hiên tại, mối quan hệ đối tác chiến lược chắc chắn không tồn tại. Nhưng liệu hai nước có tiến tới một mối quan hệ đối đầu? Câu trả lời ở đây gần như là không, không nên, không thể và không được.

Nước Nga ngày nay không phải là Liên Xô, cũng không đòi hỏi thống trị thế giới về chính trị quân sự hay kinh tế như Mỹ. Tuy thực lực không bằng Mỹ và NATO nhưng Moscow đang vẽ ra những giới hạn mà Washington và Brusseles không thể vượt qua, trong đó có cả cuộc chính biến ở Kiev và sự kiện sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình.

Đây không chỉ là cách Nga phản ứng với Mỹ và EU mà còn là lời cảnh cáo của điện Kremlin, nhắc nhở về giới hạn chịu đựng của Nga, trước những hành động “ngày càng quá quắt” của họ. Dù vậy, trong mọi trường hợp Nga sẽ không đối đầu với Mỹ.

Dường như điện Kremlin không có kế hoạch từ bỏ hợp tác với Nhà Trắng trong lĩnh vực mà lợi ích của hai nước không mâu thuẫn không thể điều hòa. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra trong những lĩnh vực hai nước có lợi ích bất đồng.

Đối với các với các hoạt động quốc tế, việc giải trừ vũ khí tại Syria vẫn diễn ra đúng tiến độ và điện Kremlin không thay đổi vị trí của mình trong việc giải quyết tình hình chính trị tại đây, cũng như trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.

Mô hình này là khá tự nhiên và mang tính tất yếu trong mối quan hệ giữa hai cường quốc không phải là đồng minh, đặc biệt là trong thế giới đa cực như hiện nay, lợi ích mỗi quốc gia, dân tộc không có chỗ cho những phản đối vô căn cứ hay những hành động phụ thuộc vào cảm tính.

Ở những khu vực mà hai nước có điểm chung như Bắc Cực, lợi ích của Nga và Mỹ không phải là quá xa nhau. Trong vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, Moscow và Washington vẫn là những nhân vật chính và phải thực hiện trách nhiệm của mình trước cộng đồng quốc tế. Hay trong vấn đề tiêu diệt khủng bố, xét một cách khách quan hai nước vẫn có những mối quan tâm chung.

Mặt khác, hiện nay quan hệ Nga-Mỹ còn bị chi phối bởi nhiều mối quan hệ phức tạp giữa các cường quốc và các vấn đề địa-chính trị phức tạp. Moscow và Washington cũng không thể cứ nhìn thế giới qua lăng kính châu Âu trong khi sân khấu chính đã chuyển sang châu Á.

Trung Quốc đã cho thấy vị trí của mình trên thế giới và khả năng hình thành một tam giác siêu cường Nga-Mỹ-Trung Quốc. Sức mạnh mỗi đỉnh của tam giác phụ thuộc vào mối quan hệ với hai đỉnh khác giống như thế chân vạc thời Tam Quốc. Mỗi khi Thục và Ngô liên kết với nhau thì Tào Tháo không làm gì được nhưng khi Lưu Bị và Tôn Quyền đấu đá lẫn nhau thì Ngụy dễ dàng tiêu diệt dần 2 nước.

Trong mối quan hệ vừa hợp tác, vừa đấu tranh này, Moscow vẫn cần giữ mối quan hệ với Washington như là một cách để duy trì trạng thái cân bằng với Bắc Kinh nhằm bảo đảm và tăng cường lợi ích của Nga. Còn Washington cũng không phải là ngoại lệ.

Nhưng một điều quan trọng là với các sự kiện gần đây khiến Nga, Mỹ đối đầu căng thẳng thì việc Moscow sẽ chuyển chiến lược từ phương Tây sang phương Đông nhanh hơn dự kiến là chuyện có thể xảy ra.