Ngành công nghiệp không khói mới

ANTĐ - Gắn bó khá mật thiết với du lịch, thể thao đang dần trở thành một ngành công nghiệp không khói mới quan trọng trên thế giới.

Sản xuất các sản phẩm thể thao đang trở thành một ngành công nghiệp quan trọng

Tại Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về tác động của thể thao và các ngành công nghiệp liên quan đến thể thao diễn ra tại Thủ đô Brussels của Bỉ ngày 19-6, các đại biểu khẳng định thể thao có vai trò như một ngành kinh tế quan trọng trong liên minh theo đúng nghĩa của nó. Thể thao được coi như một bộ phận trong nền kinh tế quốc gia, được so sánh với các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và sẽ có vai trò lớn hơn trong tương lai. 

Theo các số liệu đưa ra tại hội nghị, lĩnh vực thể thao của 27 quốc gia thành viên EU có tổng giá trị hơn 300 tỷ Euro, tức chiếm khoảng 2% GDP toàn Liên minh. Những hoạt động và công việc liên quan tới thể thao tạo ra hơn 7,3 triệu công ăn việc làm, tương đương với 3,5% tổng số việc làm của trên toàn khu vực EU.

Dù lĩnh vực thể thao đạt được những thành tựu ấn tượng và đang tiếp tục tăng trưởng nhanh tại EU song tác động kinh tế của các ngành công nghiệp liên quan đến thể thao hiện vẫn bị đánh giá thấp. Vì thế, các giới chức EU tham dự Hội nghị cấp cao về thể thao tại Brussels đã nhấn mạnh vai trò của thể thao như một đòn bẩy mạnh mẽ cho sự đổi mới, khả năng cạnh tranh công nghiệp và việc làm của EU.

Từ đó, nhằm củng cố vai trò của ngành công nghiệp liên quan đến thể thao như một động lực của nền kinh tế EU, đại diện các quốc gia thành viên tham dự hội nghị đã xây dựng một kế hoạch hành động. Đáng chú ý là gắn kết thể thao với các ngành công nghiệp liên quan mật thiết như dệt may, da giày, điện tử, hàng không…

Không chỉ EU, cả thế giới từ lâu đã nhìn nhận vai trò, tác động của thể thao không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, gắn kết con người mà còn là một động lực quan trọng, một “ngành công nghiệp không khói” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như ngành du lịch. Điều đó có thể thấy qua các kỳ Đại hội thể thao quốc tế lớn nhất như Olympic hay World Cup khi nhìn chung đều mang lại lợi ích nhiều mặt cho nước chủ nhà, từ thể thao tới du lịch, để qua đó thúc đẩy đáng kể tăng trưởng kinh tế.

Theo thống kê, Olympic Los Angeles (Mỹ) năm 1984 lãi hơn 200 triệu USD, Olympic Seoul (Hàn Quốc) năm 1988 lãi trên 500 triệu USD, Olympic Bắc Kinh năm 2008 dù nước chủ nhà Trung Quốc đã đầu tư số tiền tới vài chục tỷ USD song đã giúp GDP của Thủ đô nước này tăng trưởng thêm 2% và GDP cả nước tăng thêm khoảng 1%... Mới đây nhất, Olympic London năm 2012 được xem là “liều thuốc kích thích hữu hiệu”, giúp nền kinh tế đang chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng nợ công châu Âu khởi sắc trông thấy, tăng trưởng ngoạn mục trên 2%.

Hiện Chính phủ Brazil cũng đang kỳ vọng khá lớn vào “cú hích” World Cup đối với kinh tế nước này trong năm 2014 này cho tới năm 2016. Chính phủ nước này dự kiến riêng dịch vụ du lịch sẽ thu được gần 8,8 tỷ USD. Với giá thuê phòng khách sạn, nhà nghỉ tăng đột biến tới 500% cùng những dịch vụ mua sắm, đi lại… và bán hơn 3,3 triệu vé xem bóng đá với giá từ 90 USD-990 USD/vé,  Chính phủ Brazil hy vọng World Cup sẽ giúp kinh tế vốn đang bị suy giảm của nước này tăng trưởng thêm khoảng 0,5%.