Nga-Mỹ đấu đá, Trung Quốc ung dung hưởng lợi?

ANTĐ - Trang mạng “Bình luận Á-Âu” Tây Ban Nha cho biết, trong thời gian tới, mặc kệ Nga và phương Tây đấu đá kịch liệt ở Ukraine, Trung Quốc có thể duy trì thái độ trung lập, chờ quan hệ Mỹ-Nga ngày một xấu đi để “trục lợi”. 

Bài báo cho biết, Trung Quốc giữ thái độ im lặng đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, dựa trên các yếu tố chính trị như là “Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”; Moscow và Bắc Kinh là đồng minh của nhau; đầu tư của Trung Quốc tại Ukraine và chủ nghĩa ly khai dân tộc ở phía tây Trung Quốc.

Đến thời điểm thích hợp, Trung Quốc sẽ lên tiếng về cuộc khủng hoảng tại Crimea, thông qua giải đáp ba vấn đề địa - chính trị.

Thứ nhất là Trung Quốc duy trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền là căn cứ vào quan điểm hay là dựa trên cơ sở lợi ích chiến lược, hoặc do cả hai nguyên nhân trên?

Thứ hai, theo đà lớn mạnh của tiềm lực quốc gia, Trung Quốc có nên hạ thấp sự tôn trọng chủ quyền của các quốc gia yếu hơn hay không?

Thứ 3, sau khi kết thúc xung đột, trong khi các nước đấu đá lẫn nhau, biện pháp đối phó của Trung Quốc là “tọa sơn quan hổ đấu” liệu có mang lại hiệu quả cho nước này hay không? Đáp án cho vấn đề này có vai trò vô cùng quan trọng trong quan hệ quốc tế của Bắc Kinh trong tương lai.

Đối với cuộc nội chiến ở Syria, Nga -Trung đồng tâm nhất trí, lấy lí do chủ quyền của Syria đang bị phương Tây uy hiếp để phủ quyết Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Trong rất nhiều sự vụ liên quan đến một số quốc gia “hiếu chiến” và khủng hoảng quốc tế, Bắc Kinh và Moscow đều kiên trì với nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước có chủ quyền.

Do vậy, khi Nga bị cáo buộc can thiệp vào tình hình trên bán đảo Crimea là xâm phạm chủ quyền Ukraine, đã khiến cho Trung Quốc rơi vào tình thế khó xử.

Nga-Mỹ đấu đá, Trung Quốc ung dung hưởng lợi? ảnh 1

Mối quan hệ tốt với Nga khiến Trung Quốc khó xử trong sự kiện Ukraine?


Vì sợ bị lên án là “đạo đức giả”, Bắc Kinh không muốn được xem như là công khai ủng hộ Moscow, nhưng xét thấy Nga là một đối tác quan trọng nằm trong chính sách ngoại giao tổng thể của mình, Trung Quốc không thể liên minh với các nước phương Tây để chống lại Điện Kremlin.

Liên minh Trung-Nga mới trỗi dậy với mục đích chính là để đối kháng với Mỹ, đồng thời phục vụ lợi ích thương mại, năng lượng và quân sự. Một ví dụ điển hình là kim ngạch mậu dịch song phương giữa hai nước đã tăng lên 7 lần kể từ năm 2002 đến nay.

Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào Nga - nước xuất khẩu năng lượng số một thế giới - để đáp ứng “cơn khát” dường như không bao giờ hết về dầu mỏ và khí đốt của mình. Bắc Kinh là bên được lợi nhiều nhất trên tuyến đường ống dẫn dầu ở đông Siberia/Thái Bình Dương. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhập khẩu rất nhiều trang bị, vũ khí của Nga.

Thực tế cho thấy, sau hành động quân sự thu hồi bán đảo Crimea của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và một số quốc gia châu Á khác không lên án và cũng không ủng hộ Điện Kremlin.

Phản ứng của Bắc Kinh về vấn đề này là khá mơ hồ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tần Cương nói: “Từ trước đến nay Trung Quốc luôn duy trì nguyên tắc không can thiệp nội bộ của nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” nhưng Bắc Kinh sau đó đã làm rõ lập trường của mình, tuyên bố Trung Quốc đang nghĩ đến “tính phức tạp của lịch sử và hiện thực của cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Xem ra, Trung Quốc mong muốn để lại lối thoát cho vấn đề này, bởi vì chính họ phát hiện ra mình đang rơi vào cảnh khó khăn giống như vậy. Bất kể biên giới trên bộ, từ Aksai Chin ở Tân Cương qua Bhutan, tiếp đến Trường Bạch Sơn, rồi lại vấn đề biển Đông.

Nga-Mỹ đấu đá, Trung Quốc ung dung hưởng lợi? ảnh 2

Trung Quốc không ủng hộ Nga cũng không ngả theo Mỹ


Khi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu lên án Moscow hậu thuẫn cho cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, bất kể là Nga hay phương Tây cũng đều không nhận được những thứ họ muốn từ lá phiếu trắng của Trung Quốc, mặc dù Tổng thống Putin và Obama đều đã từng điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, yêu cầu ông Tập cân nhắc ý kiến của Putin hoặc Obama mà bỏ phiếu.

Trong khi lảng tránh các ý kiến trực tiếp trong nghị trường, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông kêu gọi các bên “bình tĩnh, kiềm chế, tránh cục diện leo thang, làm tình hình ngày càng xấu đi” và “giải pháp chính trị, đối thoại là lối thoát duy nhất”. Nói đơn giản là khi sáp nhập đã trở thành “việc đã rồi”, Tập Cận Bình đứng về phía Putin.

Khoản đầu tư lớn vào Ukraine cũng là một nguyên nhân mà Bắc Kinh phản ứng dè dặt. Tháng 12-2012, Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych đã ký hiệp nghị thương mại có tổng kim ngạch đạt hơn 10 tỷ với Chủ tịch Tập Cận Bình, đưa Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Ukraine, với đầu tư trên nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp, hàng không, năng lượng, tài chính và xây dựng hạ tầng cơ sở.

Hiệp nghị còn bao gồm một điều khoản có liên quan đến hạt nhân, quy định nếu Ukraine bị tấn công hoặc là bị uy hiếp hạt nhân, Bắc Kinh sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev. Trung Quốc muốn khẳng định một điều, dù cho nền chính trị ở Kiev thay đổi, họ vẫn có trách nhiệm với Kiev.

Thực ra, điều khoản này chỉ là biện pháp “dỗ ngọt” mà thôi, bởi vì Bắc Kinh biết rằng không bao giờ xảy ra chuyện các nước phương Tây phát động cuộc tấn công hạt nhân hoặc khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Ukraine gần như là bằng không.

Tuy sự ra đi của ông Viktor Yanukovych khiến cho Trung Quốc mất đi một đồng minh, nhưng chính phủ Kiev mới vẫn có thể làm sâu sắc hơn quan hệ hữu hảo với Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế và quân sự. Xuất phát từ lợi ích bản thân, Kiev vẫn để một khoảng trống cho Bắc Kinh về vấn đề này để tránh những tổn thất về lợi ích kinh tế và quân sự của đất nước.

Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc sẽ cẩn thận hành sự, tránh để mối quan hệ quá mật thiết với Nga phá hỏng cầu nối hữu hảo với chính phủ mới ở Kiev.

Nga-Mỹ đấu đá, Trung Quốc ung dung hưởng lợi? ảnh 3

Trung Quốc sẽ lợi dụng căng thẳng Nga-Mỹ để trục lợi?


Đối với Trung Quốc, tương lai của Crimea sẽ đem lại cả cơ hội và rủi ro. Kể từ khi các hành động quân sự của Nga ở Crimea, các biện pháp trừng phạt giữa các quốc gia phương Tây và Nga, cũng như hành động loại Nga ra khỏi nhóm G8 khiến mối thâm giao giữa Nga Mỹ cũng giảm đi đáng kể.

Do các nước phương Tây đang cố gắng cô lập và trừng phạt Nga, Moscow sẽ có nhiều lý do để “gần gũi” với Bắc Kinh, xuất sang nhiều năng lượng hơn, tìm kiếm đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nga và tạo thành một liên minh quân sự chống lại phương Tây.

Chắc chắn là trong cuộc xung đột Đông - Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau “Chiến tranh lạnh”, Trung Quốc hiểu được giá trị chiến lược của mình đối với điện Kremlin và Nhà Trắng. Từ đó, Bắc Kinh đã đưa ra một số vấn đề cơ bản trong chính sách “không can thiệp” làm nền tảng trụ cột cho chính sách ngoại giao.

Mặc dù về lâu dài, duy trì quan hệ hợp tác, và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga có thể phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, nhưng đối với vấn đề Crimea, Trung Quốc luôn tỏ ra vô cùng tế nhị trong việc ủng hộ Nga, mà điều này thì Moscow hiểu rất rõ. Còn các nhà phân tích sẽ không có lý do để buộc tội Bắc Kinh can thiệp vào công việc của nước khác, khi họ giữ lập trường trung lập về vấn đề Ukraine.

Khi các “nhân vật chính” xung độ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, Trung Quốc có thể tiếp tục ngồi ngoài hưởng lợi. Những điều trước đây họ đã làm, đến nay mới thấy là những chiến lược “xuất sắc”. Điều này có thể thấy qua cuộc chiến tranh Iraq, Trung Quốc không tham gia cuộc chiến này, nhưng đã giành đa số hợp đồng dầu tại quốc gia này.

Dựa trên những kinh nghiệm gần đây, thì hầu như không có lý do gì để tin rằng Bắc Kinh sẽ thay đổi cách làm của mình. Chính phủ Trung Quốc tin rằng duy trì quan điểm trung lập và mềm mỏng thì chẳng mất đi cái gì, mà lại còn thu được nhiều lợi ích.

Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì thái độ trung lập trong vấn đề tương lai Ukraine, chờ đợi quan hệ Mỹ-Nga ngày càng xấu đi và lợi dụng lợi thế tình thế căng thẳng để làm “ngư ông đắc lợi”.