Nga - Mỹ, EU đấu đá, Trung Quốc “ngư ông thủ lợi”?

ANTĐ - Đáp lại những biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu, ngày 6-8, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh cấm vận trả đũa với EU. Lệnh trừng phạt của hai phía sẽ mang lại hậu quả gì cho cả hai bên, ai là người được hưởng lợi từ những lệnh trừng phạt này?

Theo đó, Nga đã quyết định cấm nhập khẩu trong vòng 1 năm các sản phẩm nông nghiệp từ những nước áp lệnh trừng phạt Nga, bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Lệnh cấm vận này sẽ khiến EU khốn khổ nhưng không ít thì nhiều cũng sẽ có ảnh hưởng xấu đối với Nga - như Thủ tướng Nga Dmitry Mevedev đã phải thừa nhận tại cuộc giao ban của Chính phủ.

Theo Le Monde, nhưng nạn nhân đầu tiên của biện pháp trả đũa này chính là người Nga, các sản phẩm sữa, thịt, cá cao cấp có xuất xứ từ Tây Âu chắc chắn sẽ thiếu hụt trầm trọng và thậm chí sẽ không có mặt trên các kệ hàng tại thị trường Nga.

Một chủ nhà hàng của Nga nhận xét: “Tôi có thể khẳng định chắc chắn là giá cả các mặt hàng thực phẩm sẽ tăng. Người dân có thể sẽ phải mua các sản phẩm thực phẩm với giá cao hơn, và giá bán của các đồ ăn của chúng tôi cũng sẽ cao hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tồn tại”.

Tuy nhiên, theo thông báo của chính phủ Nga, các khu vực sản xuất có khả năng thay thế và đáp ứng nhu cầu của thị trường Nga đã được hoạch định và đang triển khai. Các mặt hàng thiết yếu và bình dân thiếu hụt sẽ không đáng kể vì hiện đang có nhiều nhà cung cấp nước ngoài sẵn sàng thay thế EU để cung cấp nguồn hàng cho Nga.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ thiệt hại khoảng 40- 50 tỷ euro trong 2 năm 2014-2015, do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga, cũng như lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng.

Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 336 tỷ euro. Chính các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đã gây lo ngại cho các nước có nền kinh tế gặp khó khăn của EU chứ không phải là những đòn trả đũa của người Nga.

Nga - Mỹ, EU đấu đá, Trung Quốc “ngư ông thủ lợi”? ảnh 1

Trong cuộc chiến kinh tế giữa Nga với Mỹ và EU, Trung Quốc có thể hưởng lợi nhiều nhất


Nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã cho biết, kinh tế của họ sẽ gặp phải sự tấn công nghiêm trọng từ các đòn đáp trả của Nga. Trong đó, Đức và Ba Lan sẽ mất phần lớn kim ngạch mậu dịch với Nga, còn các nước Baltic như Estonia, Latvia và Litva có thể sẽ bị tổn thất GDP ở mức độ lớn hơn nữa vì toàn bộ các sản phẩm chế biến từ sữa của họ là xuất sang Nga.

Ban đầu khi đưa ra các biện pháp trừng phạt, Mỹ và châu Âu muốn ép Nga phải xuống thang căng thẳng và nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt qua lại này đang biến thành một cuộc chiến tranh kinh tế, tác động nghiêm trọng tới quan hệ kinh tế, thương mại song phương.

Kirill Entin, nhà phân tích kinh tế thuộc trường Trường Đại học Kinh tế của Nga nhận xét: “Những biện pháp trừng phạt tài chính và những rào cản về thuế đang làm hai bên tổn thất nặng nề. Các biện pháp trừng phạt này đang gây ảnh hưởng tới nền kinh tế của hai bên, gây ảnh hưởng đến thương mại và làm xấu đi môi trường đầu tư”.

Trong khi Nga, Mỹ và các nước thành viên EU đang chịu tác động tiêu cực từ những đòn tấn công trả đũa lẫn nhau của mình đưa ra, thì Trung Quốc - kẻ đang hy vọng đứng đằng sau hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại đó đang có những bước đi mạnh bạo nhằm chiếm lĩnh thị trường rau quả đầy béo bở tại Nga.

Theo thông tin của trang mạng “Tin tức Trung Quốc” (Chinanews) ngày 13-08 cho biết, nước này đã bắt đầu trực tiếp bán rau quả vào thị trường Nga và công ty thương mại Baorong dự định lập một trung tâm giao dịch đặc biệt ở Đông Ninh, giáp với Viễn Đông của Nga để thúc đẩy hoạt động này.

Nga - Mỹ, EU đấu đá, Trung Quốc “ngư ông thủ lợi”? ảnh 2

EU sẽ nghĩ gì khi mang lại cơ hội cho kẻ khác?


Hãng tin Itar-tass dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội kinh tế ứng dụng tỉnh Hắc Long Giang, bà Trương Xuân Kiều cho biết, một siêu thị bán buôn rộng 70.000 m2 và nhà kho 30.000 m2 được trang bị máy làm lạnh và các thiết bị khác sẽ được lập ra tại khu vực cửa khẩu.

Bà Trương cho biết thêm: “Xuất khẩu trực tiếp rau quả sang thị trường Nga được tập kết tại trung tâm này sau đó sẽ được chuyển vào Nga”. Thời gian thông quan và kiểm tra lô hàng cũng sẽ được giảm thiểu do đã có hệ thống giám sát bằng video tại kho. Kinh phí xây dựng trung tâm này ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 9,7 triệu USD.

Được biết, cuối năm 2014, công ty Dili của Trung Quốc cũng sẽ xây dựng một khu vực mậu dịch xuyên biên giới giống như vậy.

Những kế hoạch này của phía Bắc Kinh được đưa ra ngay sau khi Nga chính thức ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau quả đến từ các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Canada, nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.

Từ thực tế cho thấy, các biện pháp giải quyết bất đồng trong vấn đề Ukraine, thông qua việc cấm vận, trả đũa lẫn nhau đã không đem lại kết quả và lợi ích gì, mà chỉ làm tổn thương thêm nền kinh tế của mỗi bên vốn dĩ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua.

Cấm vận đối với nước này sẽ là cơ hội đối với nước khác. Mỹ Latin và châu Á sẽ là những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ và EU, trong đó, Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất về cả kinh tế lẫn chính trị.