Mỹ sẽ thất bại trước Nga trong “ván bài khí đốt”

ANTĐ - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng Washington đã sẵn sàng cung cấp cho EU đủ lượng khí để “Lục địa già” có thể thoát khỏi phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Moscow. Nhưng tuyên bố táo bạo này có liệu có tính khả thi?

“Chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp đủ lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu sử dụng hàng ngày” - Tổng thống Mỹ Barack Obama tự tin phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 26-3, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU diễn ra tại Brussels.

Nói về lệnh trừng phạt mới có thể được đưa ra để chống lại Nga trong sự kiện Ukraine, Tổng thống Obama nhấn mạnh EU và Mỹ nên tập trung vào năng lượng, mà trước hết, châu Âu cần phải xem xét làm thế nào có thể tiếp tục đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng của mình.

Sergei Vakhrameyev, một chuyên gia ngành công nghiệp tại công ty đầu tư Ankorinvest, cho rằng đây là một tuyên bố táo bạo, nhưng ít có tính khả thi. Theo đánh giá, ít nhất vài thập kỷ tới, người Mỹ sẽ không thể thay thế được Gazprom, nhà cung cấp khí đốt quan trọng của châu Âu chứ đừng nói là trong thời gian ngắn tới.

Để xuất khẩu khí sang nước khác, ngoài việc cần tự do hóa xuất khẩu khí đốt, Mỹ còn phải xây dựng đủ số lượng thiết bị đầu cuối LNG. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, Bộ Năng lượng Mỹ chỉ phê duyệt có 6 dự án xây dựng các thiết bị đầu cuối LNG xuất khẩu, dự án thứ 7 mới được thông qua vào cuối tháng 3 vừa qua.

Trong số những thiết bị đầu cuối được phê duyệt, mới có 2 thiết bị được triển khai, một thiết bị nằm ở Cheniere Energy Partners - bang Louisiana và một được lắp đặt tại Freeport, thuộc bang Texas. Ngoài ra, còn 25 dự án vẫn chưa được các cơ quan hữu trách nước này thông qua.

Tuy nhiên, các thiết bị đầu cuối LNG xuất khẩu đầu tiên đã được phê duyệt cũng phải đến cuối năm 2015 mới hoàn thành, có nghĩa là đơn giao hàng xuất khẩu khí đốt đầu tiên của Mỹ cũng không thể giao sớm hơn năm 2016. Các dự án xây dựng mới được thông qua sớm nhất là năm 2020 mới được hoàn thành.

Theo dự kiến, tổng công suất chuyển tải khí đốt qua các thiết bị đầu cuối trong giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 118 tỷ mét khối khí. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ cung cấp đủ 118 tỷ mét khối khí đốt sang châu Âu, các nước phương Tây sẽ vẫn không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Trong năm 2013, Moscow đã cung cấp tới hơn 135 tỷ mét khối khí đốt sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ). Vì thế, EU “không thể từ bỏ một lượng khí đốt lớn như vậy trong khi triển vọng lượng khí đốt mà Mỹ đưa vào cho Châu Âu vẫn còn khá xa vời”.

Mỹ khó chiến thắng được Nga trong "ván bài khí đốt"

Mặt khác, Mỹ sẽ không đủ khả năng cung cấp 118 tỷ m3 khí (theo lí thuyết), lượng sản xuất của họ không thể được xuất khẩu toàn bộ vì còn phải phục vụ nhu cầu của cả nước Mỹ. Trong khi đó, lượng dự trữ nhiên liệu của Mỹ cũng chẳng dư dả gì.

"Trước năm 2012, Mỹ đã trải qua tình trạng thiếu khí đốt kéo dài, mặc dù xu hướng này đã liên tục giảm dần. Đến năm 2013, tuy có dư nhưng khối lượng không lớn. Vì vậy, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có thể cung cấp bao nhiêu khí đốt cho thị trường châu Âu” - ông Rustam Tankayev, giám đốc điều hành của công ty thông tin TEK - Terminal, chuyên gia hàng đầu của Liên hiệp các nhà sản xuất dầu khí của Nga cho biết trên cổng thông tin Vesti.ru.

Ngay cả khi Mỹ có phép lạ nào đó có thể giải quyết tất cả những khó khăn trong nước với nguồn cung cấp LNG sang châu Âu, Mỹ cũng phải đối mặt với một vấn đề khác, đó là việc châu Âu cũng chưa sẵn sàng để nhận khí đốt của Mỹ vì thiếu cơ sở hạ tầng. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Đông Âu, khi các nước này hầu hết phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Điển hình như nguồn nhiên liệu của Lithuania 100% là do Nga cung cấp.

Ông Vakhrameyev giải thích: "Mỹ có thể cung cấp khí đốt cho các nước Tây Âu, ví dụ như các nước Tây Ban Nha, Anh, và Pháp, bởi vì các nước này đã có các thiết bị LNG. Tuy nhiên, việc cung cấp khí cho Đông Âu là không thể vì ở đây có những hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng".

Không có đường ống dẫn khí và thiết bị đầu cuối kiểu Mỹ, họ sẽ không có khả năng vận chuyển dòng khí đốt của Mỹ từ tây sang đông Âu. Từ trước đến nay, tất cả các dòng khí đều xuất phát từ Nga chảy theo hướng từ đông sang tây.

Một vấn đề quan trọng khác là việc Mỹ xuất khẩu lượng khí đốt sang thị trường châu Âu sẽ không thu được nhiều lợi nhuận như bán cho các nước châu Á. Các nhà kinh doanh có thể bán hàng sang bất cứ đâu nhưng giá khí đốt ở châu Á cao hơn rất nhiều so với trên thị trường châu Âu.

“Thương nhân trên thị trường vốn là những người vô cùng thực dụng, họ chẳng có lý do gì lại bán hàng của mình cho EU với giá thấp hơn, chính phủ Mỹ chẳng có cách gì ép họ bán cho các nước châu Âu, trừ phi Washington tự bỏ tiền túi ra bù lỗ cho các doanh nghiệp”, ông Sergei Vakhrameyev kết luận.

Hơn nữa, các nước châu Âu chủ yếu ký hợp đồng cung cấp khí đốt dài 20 năm với Gazprom. Vậy "họ sẽ làm gì với những hợp đồng đã ký? Phá vỡ hợp đồng và chịu đền bù trong khi chưa nhìn thấy khí đốt của Mỹ ở đâu ư? Khó lắm" - ông Vakhrameyev hỏi và tự trả lời: “Tất nhiên là sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng rất chậm”.