Mối đe dọa tương lai

ANTĐ - Tội phạm xuyên quốc gia vẫn đang là thách thức lớn, gây lo ngại với các nước ASEAN. Nếu không nỗ lực ngăn chặn, tội phạm này có thể đe dọa tới tương lai khu vực.

Những nạn nhân của đường dây mua bán phụ nữ và trẻ em ở Thái Lan

Trong các ngày từ 23 đến đến 26-6, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei đã diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) về chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (SOMTC 14). Thông cáo báo chí cho biết dù đã đạt được những tiến bộ nhưng các mối đe dọa của tội phạm xuyên quốc gia vẫn chưa được ngăn chặn. ASEAN cần thúc đẩy thực hiện kịp thời các chương trình và kế hoạch công tác trong cuộc đấu tranh chống loại tội phạm này. 

Công ước quốc tế của LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thông qua năm 2000 tại Palermo, Italia nêu rõ “Một tội phạm được coi là xuyên quốc gia nếu tội phạm đó diễn ra ở một quốc gia, nhưng phần chủ yếu của việc chuẩn bị, kế hoạch, chỉ đạo và điều khiển diễn ra ở một quốc gia khác, hoặc tội phạm diễn ra ở một quốc gia này nhưng có ảnh hưởng sâu rộng đến một quốc gia khác”.

Xu thế hội nhập toàn cầu diễn ra nhanh chóng cũng là lúc các loại tội phạm xuyên quốc gia hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Khu vực Đông Nam Á cũng không nằm ngoài xu thế đó, nổi lên là các loại tội phạm như khủng bố, buôn bán người, buôn lậu vũ khí, cướp biển, nhập cư trái phép, tội phạm kinh tế, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao.

Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC), hoạt động buôn bán người và đưa người di cư trái phép vì mục đích lao động ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong đang tăng mạnh. Mỗi năm, trên nửa triệu người đã bị đưa trái phép vào Thái Lan, phần lớn là từ Myanmar. Nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em để khai thác tình dục trong khu vực cũng đáng báo động. 

Gần đây, trong ASEAN còn nổi lên hai loại hình tội phạm nghiêm trọng tội phạm tin học và tội phạm kinh tế. Mức độ nguy hiểm của những đường dây tội phạm xuyên quốc gia ở chỗ chúng sử dụng tối đa tin học và công nghệ thông tin nhằm tránh bị phát hiện. Thêm nữa, chúng khai thác triệt để việc giảm bớt các quy định quốc tế, kiểm soát biên giới để mở rộng phạm vi hoạt động ở nhiều quốc gia.

Mặc dù các nước ASEAN đều cố gắng ngăn chặn nhưng do lợi nhuận thu được từ đường dây tội phạm xuyên quốc gia quá lớn nên các nhóm tội phạm trong lĩnh vực này vẫn hoạt động mạnh. Những đồng USD thu được từ các hoạt động phi pháp này nhanh chóng được dùng để mua bất động sản, thành lập các công ty và đưa hối lộ. 

Để hướng tới một cộng đồng ASEAN vững mạnh, ổn định, khu vực này phải khống chế được tội phạm xuyên quốc gia. Kế hoạch chi tiết Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN vào năm 2015 đã xác định rõ 8 lĩnh vực liên quan đến tội phạm xuyên quốc gia cần hợp tác. ASEAN cũng đã có nhiều bước đi như thành lập Nhóm công tác về tội phạm mạng, soạn thảo Công ước ASEAN về buôn bán người (ACTIP) và Kế hoạch hành động chống buôn bán người (RPA). Ngoài ra, ASEAN còn đẩy mạnh hợp tác tới Australia, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Mỹ trong cuộc chiến chống loại tội phạm này.