Hành động ngay bảo vệ Trái đất

ANTĐ - Cả thế giới đang chờ Hội nghị Thượng đỉnh LHQ về chống biến đổi khí hậu diễn ra hôm nay (23-9) tại New York có cam kết dũng cảm bảo vệ hành tinh Xanh của nhân loại.

Hơn 300 nghìn người xuống đường ở New York ngày 21-9 để kêu gọi bảo vệ khí hậu Trái đất

Lời kêu gọi nỗ lực chống biến đổi khí hậu đã đồng loạt diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới ngày 21-9 khi có tới hơn 600.000 người xuống đường với thông điệp chung: Hãy hành động cụ thể chống biến đổi khí hậu. Sự kiện này diễn ra chỉ hai ngày trước Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu diễn ra tại trụ sở của tổ chức này tại New York (Mỹ) ngày 23-9 với sự tham dự của 120 nhà lãnh đạo các quốc gia khắp thế giới.

Cuộc tuần hành lớn nhất diễn ra tại New York, nơi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tiến hành họp thượng đỉnh nhằm đưa ra các cam kết chống biến đổi khí hậu, với sự tham gia của 310.000 người. Đội mũ thể thao và mặc áo mang dòng chữ “Tôi ủng hộ hành động vì khí hậu”, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cùng với cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius… hòa vào dòng người tuần hành ở New York, trong đó có nhiều người già chống nạng hoặc ngồi trên xe lăn và các cặp vợ chồng mang theo con nhỏ trên xe đẩy. 

Cùng ngày 21-9, khoảng 270.000 người đã tham gia 2.500 sự kiện diễn ra tại 166 quốc gia trên thế giới hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ Trái đất. Những người xuống đường tuần hành trên khắp thế giới, trong đó có nhiều chính khách và các nhân vật nổi tiếng, mang theo các biểu ngữ lớn ghi dòng chữ như “Khí hậu đang bị đe dọa”, “Lãnh đạo thế giới phải hành động” “Không có Kế hoạch B cho Trái Đất”, “Loài người thay đổi phong cách sống chứ không thay đổi khí hậu”…

Các cuộc xuống đường rầm rộ trên đã gây áp lực lớn lên Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy hành động ngay trước khi quá muộn. Các nghiên cứu cho thấy mỗi năm biến đổi khí hậu có thể làm kinh tế thế giới tổn thất 1,2 nghìn tỷ USD; khiến hơn 4,5 tỷ người, chiếm khoảng 64% dân số toàn cầu, phải sống tại các khu vực có nguy cơ cao chịu những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, mưa lớn, lũ lụt, bão, lốc xoáy... 

Để ngăn chặn biến đổi nhanh của của khí hậu Trái đất năm 2010, LHQ cùng các quốc gia đã đạt được thỏa thuận về mục tiêu giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng lên quá 2 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp. Biện pháp chủ yếu là thông qua việc giảm phát thải lượng khí dioxide carbon (CO2) gây hiệu ứng nhà kính do sử dụng các loại năng lượng có nguồn gốc hóa thạch và hoạt động giao thông vận tải tạo ra, đi đôi với đó là phát triển các phương tiện, mô hình tăng trưởng xanh…

Tuy nhiên, trong báo cáo “Dự án Carbon toàn cầu” công bố ngày 22-9 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh LHQ về chống biến đổi khí hậu, Nhóm các nhà khoa học quốc tế cảnh báo lượng khí thải CO2 đang tăng nhanh và thế giới có nguy cơ không thực hiện được mục tiêu đặt ra năm 2010. Theo đó, nếu mỗi giây bầu khí quyển lại nhận thêm 2,9 triệu kg CO2 như tốc độ hiện nay thì “hạn ngạch” còn được phép sử dụng trước khi Trái đất nóng thêm 2 độ C sẽ “cạn kiệt” chỉ sau khoảng 30 năm nữa.

Chính vì thế, thế giới đang chờ Hội nghị thượng đỉnh LHQ đưa ra những quyết định dũng cảm nhất, những sáng kiến tốt nhất cho một thỏa thuận toàn cầu để bảo vệ Trái đất.