Đòn hiểm vào “huyết mạch kinh tế”

ANTĐ - Một số biện pháp trừng phạt mới mà các quốc gia phương Tây nhằm vào Nga để gây áp lực trong vấn đề Ukraine, trong đó có lĩnh vực ngân hàng được xem là đòn hiểm nhằm vào “huyết mạch kinh tế” của nước Nga.

Mỹ và phương Tây công bố các đòn trừng phạt mới nhằm vào 3 ngân hàng Nga

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 29-7 đã đồng loạt công bố các biện pháp trừng phạt tăng cường đối với Nga do vấn đề Ukraine. Đây là đòn trừng phạt được phương Tây gọi là “bổ sung” sau các biện pháp trừng phạt lần đầu để trả đũa việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và lần trừng phạt này sẽ tập trung vào lĩnh vực ngân hàng - “huyết mạch của nền kinh tế Nga”, bên cạnh các lĩnh vực đóng tàu, năng lượng, xuất khẩu vũ khí… 

Theo Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới của Washington nhằm vào 3 ngân hàng Nga có trụ sở ở Matxcơva gồm: Bank of Moscow; Russian Agricultural Bank và VTB Bank OAO. Với lệnh trừng phạt này, 3 ngân hàng này  của Nga sẽ không được phép nhận các khoản tài trợ trung hạn và dài hạn mới tại Mỹ. Tương tự đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương, EU cũng đã thông qua gói các biện pháp bổ sung trừng phạt Nga, bao gồm hạn chế các tổ chức tài chính nhà nước Nga tiếp cận thị trường tài chính của liên minh này.

Lên tiếng khi công bố các lệnh trừng phạt mới với Nga, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng các biện pháp trừng phạt không phải là một phần trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới mà chỉ là một bước đi mới của Mỹ nhằm gia tăng áp lực buộc Nga phải có những hành động cụ thể nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, ông Obama cảnh báo Nga sẽ bị cô lập hơn và có thể sẽ tiếp tục phải hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu không chịu hợp tác để giải quyết vấn đề Ukraine. 

Ngay sau khi Mỹ và phương Tây công bố các biện pháp trừng phạt mới với “đòn hiểm” nhất nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, đã xuất hiện những đánh giá khác nhau. Báo “Izvestia” (Tin tức) của Nga ngày 30-7 cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào các ngân hàng của Nga không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của những ngân hàng này vì chúng không phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài. 

Trước đó, không lâu sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ với đỉnh điểm là sự kiện Nga sáp nhập Crimea, các tập đoàn và công ty lớn của Nga đã lường trước đòn trừng phạt kinh tế để chuyển hàng tỷ USD từ các ngân hàng phương Tây về nước. Ví như Gazprombank, một trong những ngân hàng hàng đầu của Nga với tổng tài sản 110,5 tỷ USD, đã chuyển quỹ tiền gửi của khách hàng ở Bỉ và Luxembourg về Trung tâm Lưu ký trung ương Nga.

Tuy nhiên, có không ít nhận định khác như của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại cho rằng trừng phạt ngân hàng là đòn hiểm nhằm vào “huyết mạch kinh tế” Nga. Định chế tài chính hàng đầu thế giới này cảnh báo, lệnh trừng phạt của Mỹ và EU có thể khiến các doanh nghiệp Nga phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn thu và các nguồn tài chính, từ đó dẫn tới nguy cơ không thể trả nợ. 

Theo IMF, các ngân hàng đang gặp rủi ro tín dụng sẽ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ ngày càng cao do chất lượng tín dụng của Nga và Ukraine xấu đi. Hơn thế, IMF còn cho rằng đòn trừng phạt Nga còn có thể gây “hiệu ứng domino”, tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại khu vực châu Âu và Trung Á.