Dân thường giữa hai làn đạn

ANTĐ - 298 người thiệt mạng trong vụ máy bay hành khách Malaysia bị bắn rơi khi bay ngang vùng xung đột ở miền Đông Ukraine. 80% trong số 168 người thiệt mạng bởi các cuộc oanh kích của Israel ở dải Gaza là thường dân vô tội. Những con số trên đang làm dư luận thế giới lo ngại bởi thảm họa mà chiến tranh và xung đột gây ra cho con người. 

Nỗi đau tột cùng của thân nhân các hành khách trên chuyến bay MH 17 của Hàng không Malaysia

Mặc dù loài người đã ngăn chặn được khả năng bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ ba trong giai đoạn chạy đua vũ trang, nhưng việc dùng vũ khí để giải quyết các tình huống xung đột vẫn là một nét đặc trưng của thời đại ngày nay.

Chỉ tính riêng trong 50 năm cuối của thế kỷ XX, đã xảy ra 260 cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang. Thực trạng đó không hề giảm trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Vẫn còn đó bạo lực ở Trung Đông, Bắc Phi và gần đây nhất là ở Syria, nơi người ta sẵn sàng dùng vũ khí hóa học với cả dân thường. Vẫn còn đó mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên, trong khi Biển Hoa Đông và Biển Đông thì vẫn chưa lặng sóng vì những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ....

 Một nghịch lý bi thảm của thế giới hiện đại là trong khi các dân tộc và các quốc gia nhận thức rõ ràng họ đang sống trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, nhưng vẫn không thể loại trừ được xung đột, chiến tranh như là những phương tiện giải quyết các mâu thuẫn. Gánh chịu hậu quả lớn nhất của vũ lực là người dân vô tội, trong đó có phụ nữ và trẻ em.  

Theo báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), số người tị nạn trên toàn thế giới hiện đã lên tới hơn 50 triệu người, con số cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai mà nguyên nhân chính là do các cuộc xung đột. Bộ mặt tàn bạo và nghiệt ngã của xung đột và chiến tranh còn thể hiện rõ qua tác động với trẻ em. Trong thập kỷ vừa qua, hơn 2 triệu trẻ em tử vong, 6 triệu em khác bị thương trong các cuộc xung đột nội bộ, 28,5 triệu em bị thất học. 

Nhiều trẻ em trong những nước xảy ra nội chiến lớn lên không hề biết hoà bình là gì. Chúng sống trong một thế giới mà trường học bị huỷ hoại và người ta nói chuyện bằng họng súng. Thậm chí ngày càng có nhiều trẻ em được huấn luyện thành lính chiến. Chúng chỉ biết làm mọi thứ theo mệnh lệnh, kể cả giết người và cướp bóc.

Xung đột, chiến tranh phải được ngăn chặn và loại trừ khỏi thế giới văn minh. Cựu Tổng thống Phần Lan M. Ahtisaari, người được tặng giải Nobel hòa bình năm 2008, khẳng định: “Mọi xung đột trên thế giới đều có thể được dẹp bỏ”. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra khi những hành động trái với Hiến chương Liên hợp quốc, trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền... được ngăn chặn. Hòa bình chỉ có thể được gìn giữ khi các quốc gia tôn trọng độc lập chủ quyền và truyền thống văn hóa của nhau, không áp đặt tiêu chuẩn chính trị, đạo đức lên nhau.

Thêm vào đó, một điều hết sức quan trọng là tăng cường nỗ lực chống đói nghèo, một trong những nguyên nhân dẫn tới lạc hậu, mâu thuẫn và xung đột. Chúng ta không quên rằng 40% tài sản toàn cầu nằm trong tay chỉ gần 1% dân số thế giới, trong khi khoảng cách giàu nghèo vẫn tiếp tục gia tăng. Hơn 800 triệu người, trong đó có rất nhiều trẻ em bị thiếu đói, bệnh không có thuốc uống, tới tuổi đi học không được đến trường... Chỉ có xóa bỏ những nghịch lý trên thì người dân thường mới thoát khỏi cảnh bị kẹt giữa hai làn đạn trong các cuộc xung đột.