Cây trồng biến đổi gen:

Chìa khóa an ninh lương thực cho châu Phi

ANTĐ - Các nhà khoa học nông nghiệp trên thế giới đều cho rằng, để giải quyết tình trạng thiếu lương thực, nạn đói ở khu vực châu Phi, cần thiết phải đưa công nghệ sinh học vào lĩnh vực này, giúp nâng cao sản lượng và chất lượng cây trồng.
Tại diễn đàn “Cập nhật tình hình thương mại cây trồng biến đổi gen (BĐG) trên toàn cầu” diễn ra tại Accra, Ghana vào ngày 3-8 vừa qua, giám đốc điều hành quỹ Africa Harvest Biotech Foundation International (Quỹ quốc tế Công nghệ sinh học Africa Harvest), tiến sĩ Florence Wambugu, cho rằng công nghệ sinh học sẽ không chỉ giúp giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, mà còn giúp tăng sản lượng lương thực, thúc đẩy an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng.

Theo bà Florence, dân số châu Phi đã tăng khoảng 50%, vì vậy việc tăng sản lượng lương thực để đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng trở nên cấp thiết. Trong khi đó, khu vực này hiện còn thiếu kiến thức về áp dụng công nghệ sinh học nhằm giúp gia tăng sản lượng lương thực. Vì vậy, cần phải có các quyết sách chính trị ở mức độ cao hơn nữa để giúp công nghệ này được ứng dụng một cách hiệu quả tại châu Phi.

Ông Jim Gaffney thuộc công ty Công nghệ sinh học nông nghiệp DuPont thừa nhận tầm quan trọng của công nghệ sinh học.

Ông Gaffney cho biết, 27 quốc gia trên thế giới đang ứng dụng công nghệ này trên toàn thế giới và nhấn mạnh điều cần làm là khiến cho công nghệ này phải là mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ, các cơ quan quản lý.

Theo ông, nạn đói nghèo lan rộng khắp châu Phi vì châu lục này đang bị tụt hậu về nông nghiệp, điều đáng lo ngại là việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp khiến cho nông dân châu Phi ngày càng nghèo đi. Các nước châu Phi muốn thoát nghèo, cần thúc đẩy nông nghiệp bằng cách sử dụng công nghệ sinh học để làm cho nông nghiệp thay da đổi thịt.

Cũng theo ông Gaffney, càng ứng dụng công nghệ sinh học sớm, sẽ càng tốt hơn cho việc cứu loài người khỏi nạn đói, và đảm bảo an ninh lương thực cho sự phát triển của lục địa đen. Do đó, ông khẩn thiết yêu cầu các nhà lãnh đạo châu Phi đừng tước đi cơ hội được ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng của trẻ em châu Phi.

Nông nghiệp ở châu Phi còn kém phát triển trong khi dân số gia tăng mạnh

Theo đánh giá mới đây nhất về tình hình an ninh lương thực tại châu Phi, nhiều chuyên gia lo ngại về diễn biến này đang có xu hướng xấu đi.

Số người bị mất an ninh lương thực được dự báo sẽ tăng lên mức 868 triệu người, nhanh hơn tốc độ gia tăng dân số được dự báo là 16%. Mức thiếu hụt lương thực phân phối dự báo sẽ tăng 28% vào năm 2023.

Tình hình an ninh lương thực xấu đi xảy ra chủ yếu ở khu vực Cận Xahara châu Phi, là khu vực duy nhất được dự báo sẽ có mức tăng số người mất an ninh lương thực cao hơn mức tăng dân số trong 10 năm tới.

Số người bị mất an ninh lương thực ở khu vực Cận Xahara châu Phi được dự báo sẽ tăng từ mức khoảng 254 triệu người trong năm 2013 lên mức 373 triệu người vào năm 2023, và tỷ lệ dân số bị mất an ninh lương thực dự báo sẽ tăng từ mức 30% lên mức gần 34% trong cùng thời kỳ trên.

Không chỉ châu Phi, mà theo công bố mới đây nhất của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, hiện trên thế giới có khoảng 842 triệu người bị thiếu dinh dưỡng và 2/3 trong số đó sống tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là nơi 20% trẻ em bị thiếu ăn.

Trước tình trạng đó, FAO kêu gọi các nước châu Á cần tăng diện tích trồng trọt hoặc nâng cao sản lượng nông nghiệp.