Chặn tay ác quỷ

ANTĐ - Tuyên bố của Pháp và Bỉ sẽ tham gia các chiến dịch không kích tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” - IS ở Iraq trong liên minh do Mỹ đứng đầu cho thấy thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn nguy cơ mà IS gây ra. 

Cảnh IS hành quyết những người chống đối ở Iraq

Phát biểu với các phóng viên ngày 18-9, Tổng thống Pháp F. Hollande nhắc lại cam kết Paris sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Iraq đối phó với IS theo đề xuất của Baghdad. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh: “Một khi xác định được mục tiêu, chúng tôi sẽ hành động... chớp nhoáng”. Tổng thống Mỹ B. Obama đã lập tức hoan nghênh quyết định này của người đồng cấp Pháp. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Pieter De Crem cũng cho biết Bỉ sẽ điều 6 máy bay chiến đấu F-16 cùng tổ lái và khoảng 120 nhân viên phục vụ dưới mặt đất tới Iraq với thời hạn không xác định. Mục đích của phái bộ này nhằm vô hiệu hóa các mục tiêu dưới mặt đất và thu thập thông tin. Ngoài ra, Bỉ cũng có kế hoạch điều thêm 2 máy bay C-130 tham gia liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu và cử 3 đơn vị đặc biệt gồm 35 binh sĩ tham gia đào tạo, hỗ trợ lực lượng Iraq và người Kurd.

Đây là kết quả cụ thể đầu tiên sau Hội nghị quốc tế về hòa bình và an ninh cho Iraq diễn ra ngày 15-9 tại Paris, nơi đại biểu của 30 quốc gia châu Âu và Arập cùng đại diện của Liên minh châu Âu (EU) và LHQ nhất trí lập một liên minh quốc tế can thiệp bằng không quân chống lại IS. Thế giới đã không thể làm ngơ trước thực tế IS đã kiểm soát vùng lãnh thổ tương đương nước Anh giữa lòng Trung Đông, có tiềm lực tài chính, quân sự hùng mạnh và triết lý hành xử cực đoan tàn bạo như thời Trung cổ.

Để loại bỏ hoàn toàn tổ chức IS không dễ dàng. Cho đến nay, không một ai biết chính xác về quy mô của Nhà nước Hồi giáo IS. Theo ước tính của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), lực lượng của IS có thể từ 20.000 – 31.500 quân trên khắp Iraq và Syria. Người ta cũng chưa hiểu rõ làm thế nào mà IS có thể tuyển mộ được các chiến binh đến từ hơn 80 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Canada…  

Nguồn tài chính của IS cũng không hề nhỏ. Hiện IS sở hữu một mạng lưới các nhà máy dầu ở bắc Iraq và Syria có tổng giá trị lên đến hơn 2 tỷ USD. Ước tính riêng tại Iraq, nhờ khai thác dầu mỏ, mỗi ngày IS kiếm được khoảng 2 triệu USD. Ở Syria, con số này có thể lớn gấp đôi hoặc gấp ba. IS cũng nhận tiền tài trợ từ các cá nhân ở các quốc gia vùng Vịnh, những người có tư tưởng ghét phương Tây.

Thành phố Raqqa ở miền bắc Iraq đã trở thành căn cứ địa của IS, nơi Nhà nước Hồi giáo bắt đầu áp đặt ách cai trị tàn bạo: hành hình, tra tấn bất cứ ai mà chúng cho là xúc phạm tới thánh Allah, đánh đập những người phụ nữ không choàng khăn kín người. Những cảnh tàn bạo ấy giờ đây không chỉ ở Iraq mà vượt qua cả biên giới của Syria khiến thế giới choáng váng. Đó là sự cảnh báo cho thấy nếu không có sự chung tay của thế giới, thảm kịch này có thể tái hiện ở nhiều nơi khác thuộc Trung Đông.