Cần một chiến lược cải cách kinh tế dài hạn

ANTĐ - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại lợi ích lớn cho các quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam, song chúng ta cần phải đẩy mạnh cải cách để tận dụng tốt nhất cơ hội, đồng thời vượt qua thách thức luôn đi kèm với hiệp định này.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi về đàm phán TPP với Giáo sư Jeffrey Schott

Trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ ngày 15-9, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có các cuộc gặp Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker, Giáo sư Jeffrey Schott - chuyên gia hàng đầu về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… để trao đổi về việc đàm phán gia nhập TPP. Là thành viên cấp cao của Viện Kinh tế quốc tế Peterrson, Giáo sư Schott đã đánh giá về các khó khăn, thách thức và triển vọng đàm phán TPP mà theo đó có thể ký kết vào nửa đầu năm 2015. 

TPP được khởi động đàm phán từ năm 2005 và đến nay có sự tham gia của 12 nước, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Khi được các thành viên tham gia ký kết, hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Sau Hiệp định thương mại tự do theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhất là thất bại của Vòng đám phán Doha về một hiệp định thương mại tự do toàn cầu mới, TPP được trông đợi sẽ mở ra một khu vực mậu dịch tự do mang lại rất nhiều lợi ích. Hơn thế, TPP có phạm vi rộng hơn nhiều so với WTO bởi nếu như WTO chỉ đàm phán về thị trường hàng hóa, dịch vụ, một số vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ… thì TPP, ngoài các lĩnh vực này, còn đề cập cả vấn đề mua sắm của Chính phủ, vấn đề lao động, môi trường, doanh nghiệp Nhà nước...

Đi kèm những cơ hội và lợi ích, TPP cũng mang lại không ít thách thức cho các nước tham gia. Tuy vậy, Giáo sư Schott cho rằng, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP vì nó mang lại cơ hội lớn cho tăng trưởng GDP cũng như xuất khẩu tới các quốc gia đối tác của TPP. Theo các nghiên cứu định lượng của chuyên gia nước ngoài, trong khi các thành viên khác có thể hưởng lợi thêm 1-2% từ TPP thì tỷ lệ này của Việt Nam là khoảng 5%. 

Tuy nhiên, theo Giáo sư Schott, Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức lớn, đòi hỏi phải thực hiện các cải cách quan trọng về chính sách để đạt tới sự cân bằng giữa mức độ tự do hóa mà Việt Nam cam kết thực hiện với tốc độ thực hiện các cam kết tự do hóa này. Bởi thế, Giáo sư Schott cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam cần có một chiến lược cải cách kinh tế dài hạn trong giai đoạn 10-15 năm tới, trong đó có lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ để đảm bảo việc tham gia TPP mang lại lợi ích và hiệu quả lớn nhất. Giáo sư Schott tin rằng, với một chiến lược như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mở rộng và gia tăng hơn nữa đầu tư vào Việt Nam.