Bắt tay an ninh Nhật - Ấn

ANTĐ - Chuyến công du Nhật Bản của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho thấy hai cường quốc hàng đầu châu Á đang bắt tay hợp tác chặt chẽ hơn về quốc phòng và an ninh trong bối cảnh cùng phải lo đối phó với “chủ nghĩa bành trướng” đang trỗi dậy.

Hai Thủ tướng Shinzo Abe (trái) và Narendra Modi bắt chặt tay hợp tác về quốc phòng an ninh

Chuyến thăm Nhật Bản từ 30-8 đến 4-9 của Thủ tướng Ấn Độ được dư luận hết sức quan tâm bởi đây không chỉ lần đầu tiên ông Narendra Modi công du đất nước Mặt trời mọc sau khi nhậm chức mà được cho là cơ hội để hai cường quốc này thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, đặc biệt trong 3 lĩnh vực chính là hợp tác quốc phòng, hạt nhân dân sự và kinh tế-thương mại. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là những thỏa thuận về hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước Ấn Độ - Nhật Bản.

Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng chủ nhà Shinzo Abe với người đồng cấp Narendra Modi cho biết, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp tham vấn an ninh, từ cấp thứ trưởng hiện nay lên cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, tổ chức thường niên cuộc gặp 2 + 2 (Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước). “Hai thủ tướng đã tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng Nhật Bản - Ấn Độ trong mối quan hệ đối tác chiến lược và quyết định nâng cấp, tăng cường mối quan hệ này” - tuyên bố nhấn mạnh.

Cụ thể, hai Thủ tướng Abe và Modi nhất trí tăng cường tổ chức các cuộc tập trận giữa lực lượng hải quân hai nước cũng như việc Nhật Bản tiếp tục tham gia một loạt các cuộc tập trận Malabar giữa Ấn Độ và Mỹ. Bên cạnh việc khẳng định “nâng cấp và đẩy mạnh” các mối quan hệ quốc phòng, hai Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng hai nước xúc tiến đàm phán về việc Ấn Độ mua thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản. 

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Abe, Thủ tướng Modi cho rằng, Ấn Độ và Nhật Bản cần thiết lập quan hệ đối tác chiến lược gần gũi hơn để thúc đẩy hòa bình, ổn định ở châu Á, đồng thời chống lại “chủ nghĩa bành trướng” ở châu Á.  Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh rằng “chủ nghĩa bành trướng” đang trở lại với việc xâm phạm lãnh thổ và vùng biển nước khác. 

Tờ Nhật báo phố Wall nhìn nhận, dù không nêu đích danh “chủ nghĩa bành trướng” nhưng ai cũng thấy ông Modi phát đi thông điệp đến Trung Quốc, nước đang có tranh chấp, đòi hỏi lãnh thổ với cả Ấn Độ và Nhật Bản. Trong khi Ấn Độ và Trung Quốc từng trải qua cuộc chiến tranh biên giới và hiện vẫn còn tranh chấp hàng trăm nghìn km2 ở biên giới thì Nhật Bản và Trung Quốc cũng thường va chạm, căng thẳng với tranh chấp tại quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc. Không chỉ tranh chấp với cả hai cường quốc Nhật Bản và Ấn Độ, Trung Quốc còn đang gia tăng các yêu sách đòi hỏi chủ quyền cũng như dùng sức mạnh của mình để hiện thực hóa các đòi hỏi bành trướng về đất đai, lãnh thổ.