BRICS tìm cách thoát phương Tây

ANTĐ - Khối các cường quốc đang trỗi dậy BRICS ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của mình trong một trật tự thế giới bằng việc thành lập một ngân hàng và quỹ dự trữ ngoại tệ riêng.

Các nhà lãnh đạo 5 nước thành viên BRICS cùng bắt tay thành lập một ngân hàng riêng

Chỉ đúng hai ngày sau khi World Cup 2014 kết thúc, Brazil lại trở thành nước chủ nhà một sự kiện chính trị quan trọng bằng việc đứng ra “đăng cai” Hội nghị thượng đỉnh Khối BRICS lần thứ 6. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-7 này là lãnh đạo các quốc gia thành viên BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ ký kết thỏa thuận quan trọng về việc thành lập một ngân hàng phát triển và quỹ dự trữ ngoại tệ riêng.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov cho biết, trong giai đoạn đầu mỗi nước thành viên của khối sẽ góp 10 tỷ USD tiền mặt trong vòng 7 năm và cung cấp bảo lãnh giá trị 40 tỷ USD; tổng số vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt 100 tỷ USD. Ngân hàng này sẽ bắt đầu cho vay từ năm 2016 và để ngỏ cho các quốc gia thành viên LHQ tham gia, song tỷ lệ vốn của BRICS luôn trên 55%.

Ngân hàng BRICS, có thể đóng trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc) hoặc New Delhi (Ấn Độ) là ngân hàng chuyên về công trình hạ tầng cơ sở. Giới chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng việc thành lập Ngân hàng phát triển BRICS sẽ cho phép các nước thành viên có nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và công cụ tín dụng để đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính. 

Cùng với ngân hàng, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ xem xét, quyết định thành lập một quỹ ngoại hối với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc góp phần lớn nhất là 41 tỷ USD; Brazil, Ấn Độ và Nga mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD, Nam Phi góp 5 tỷ USD. Quỹ phòng ngừa rủi ro và hoạt động như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể đóng trụ sở tại Durban (Nam Phi) nhằm ngăn chặn đầu cơ, giúp các nước thành viên cân đối được cán cân thanh toán mà không cần phá giá đồng nội tệ. 

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp, châu Âu tiếp tục bất ổn với khủng hoảng nợ công…  việc ra đời ngân hàng và quỹ ngoại hối riêng của Khối BRICS được cho là đối trọng với các định chế tài chính phương Tây chế ngự suốt nhiều thập kỷ qua như Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF. Giới chuyên gia cho rằng việc thiết lập ngân hàng và quỹ ngoại hối BRICS là một bước đi cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập một trật tự toàn cầu mới, trước hết trong lĩnh vực tài chính, kinh tế.

Theo thống kê, hiện dân số các nước BRICS chiếm 42% tổng dân số thế giới, 25%  tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu và có tổng dự trữ ngoại tệ lên tới 4.400 tỷ USD. Với sự hội tụ của sức mạnh kinh tế to lớn như vậy cùng sức ảnh hưởng chính trị và tiềm năng phát triển to lớn, BRICS đang trên con đường tiến tới một tầm nhìn chung với những bước đi mạnh mẽ nhằm khẳng định vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị trên bàn cờ quốc tế.

Trong bối cảnh đó, sự ra đời của ngân hàng phát triển và quỹ dự trữ chung của BRICS không chỉ là bước tiến mang tính đột phá trên thị trường tài chính toàn cầu, mà còn nhằm khẳng định vị thế, vai trò của khối này trong nền kinh tế-chính trị toàn cầu, hướng tới một trật tự thế giới mới.