An ninh thế giới sáu tháng đầu năm 2008

(ANTĐ) - Trong 6 tháng đầu năm 2008, bên cạnh những yếu tố hợp tác và phát triển, tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều sự kiện tác động xấu đến môi trường an ninh quốc tế.

An ninh thế giới sáu tháng đầu năm 2008

(ANTĐ) - Trong 6 tháng đầu năm 2008, bên cạnh những yếu tố hợp tác và phát triển, tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều sự kiện tác động xấu đến môi trường an ninh quốc tế.

Những cuộc nội chiến, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, bạo loạn, li khai, hoạt động can thiệp… có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn năm 2007. Suy thóai kinh tế, khủng hoảng năng lượng, lương thực trên phạm vi toàn cầu, thảm họa thiên tai… đang đặt ra cho cộng đồng quốc tế những nguy cơ, thách thức mới. Báo An ninh Thủ đô trân trọng đăng tải bài phân tích tổng hợp.

1. NATO hướng Đông, có thể dẫn đến cuộc đối đầu mới

Chính quyền Bush thực hiện âm mưu mở rộng NATO sang phía Đông, xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu có thể dẫn đến cuộc đối đầu mới giữa Nga và Mỹ, một sự tập hợp lực lượng lớn để chống Mỹ đang hình thành.

Sự kiện đáng chú ý nhất là ông Medvedev đã chính thức trở thành Tổng thổng mới của Nga và ông Putin trở lại ghế Thủ tướng. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Nga từ 23 đến 24.05.2008 đến Trung Quốc là một tín hiệu rõ ràng gửi tới chính quyền Mỹ rằng Nga sẽ tiếp tục đường lối của cựu Tổng thống, đương kim Thủ tứơng Nga Putin và rằng ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga là châu Á, chứ không phải Mỹ hay EU.

Sự hợp tác toàn diện song phương Nga - Trung kết hợp với Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và các nước khác khẳng định quan điểm của hai nứơc phản đối âm mưu của Mỹ thiết lập thế giới một cực dưới sự lãnh đạo của Mỹ, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí của lãnh đạo Nga - Trung trong việc chống lại sự phá hoại hai nước này của Mỹ và phương Tây, cũng như giải quyết nhiều vấn đề quốc tế nóng bỏng. Lãnh đạo Nga - Trung khẳng định tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Nga và Trung là đối tác chiến lược, quan hệ giữa hai nước là nhân tố chủ chốt trong các vấn đề an ninh quốc tế. Đó là một nhân tố mà không có nó thì không thể đưa ra các vấn đề quan trọng. Cả Nga và Trung Quốc kiên quyết phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu và trên phạm vi toàn cầu của Mỹ. Nga và Trung Quốc sẵn sàng chống khủng bố quốc tế trên cơ sở hợp tác song phương và đa phương. Lãnh đạo hai nước đặc biệt coi trọng Tổ chức hợp tác Thượng Hải gồm Nga, Trung Quốc và 4 nước Trung Á (Kazakstan, Uzbekistan, Kirgistan, Tagikistan giàu dầu khí), mà hai nước có vai trò nòng cốt.

Hai nhà lãnh đạo cũng tuyên bố cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng quốc tế hiện nay.

Tổng thống Nga tuyên bố: “Trong quá trình hội đàm hôm nay, một lần nữa được khẳng định điều cả hai nước đều mong muốn duy trì sự kế thừa trong quan hệ Nga - Trung và duy trì cơ chế, sự hiểu biết lẫn nhau đã có từ trước và đường lối tăng cường đối tác chiến lược” (Báo Quân giải phóng (PLA) 25/5/2008).

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng tuyên bố:“Chuyến thăm Trung Quốc của Ngài là rất quan trọng và sẽ cho phép chúng ta không chỉ duy trì mà còn tăng cường tất cả những quan hệ tốt đẹp đã có giữa hai nước. Chúng tôi chắc chắn rằng, nó sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển liên kết và hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga”(Báo đã dẫn 25/5/2008).

Các nhà ngoại giao và nghiên cứu chiến lược của Nga coi quan hệ Nga - Trung là quan hệ quốc tế kiểu mẫu trong thế kỉ 21.

2. EU đang có xu hướng tách khỏi Mỹ

EU sau khi Chính phủ mới của Thủ tướng Ba Lan Doanald Tusk thân Nga lên thay Chính phủ chống Nga của cựu Thủ tướng Yaroslav Kaczynski đã quyết định nối lại đàm phán về việc ký Hiệp định mới giữa Nga và EU do Chính phủ Ba Lan không chống đàm phán nữa.

EU cũng ủng hộ Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và sau khi Nga trở thành thành viên chính thức của WTO, EU sẽ ký Hiệp định tự do thương mại với Nga. Thủ tướng Ba Lan Tusk tuyên bố rằng, nếu hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ làm cho Ba Lan mất an toàn hơn thì Ba Lan không cần hệ thống đó trên lãnh thổ của mình.

Theo Thủ tướng Ba Lan Tusk thì chính hệ thống này đe dọa an ninh của Nga và Nga sẽ làm mọi cách để bảo đảm an ninh cho mình, trong đó coi các vị trí bố trí tên lửa của Mỹ ở Ba Lan là mục tiêu của tên lửa Nga. Bởi vậy, nếu Ba Lan cho Mỹ bố trí hệ thống tên lửa thì Mỹ phải chịu trách nhiệm hiện đại hóa toàn bộ các lực lượng vũ trang của Ba Lan, nhất là hệ thống phòng không, trong đó Mỹ phải trang bị tên lửa phòng không “Patriot” cho quân đội Ba Lan với kinh phí 20 tỉ USD, trong khi Tổng thống Mỹ tuyên bố chỉ chi 20 triệu USD, bằng 1/100 số tiền mà chính phủ Ba Lan yêu cầu.

Mỹ sớm phát hiện được ý định của chính phủ Ba Lan lợi dụng việc Mỹ muốn bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan để trở thành một nước lớn, có khả năng lãnh đạo ở khu vực Đông Âu cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Bogdan Klikh tuyên bố: “Cuộc sống của nhân dân Ba Lan không kết thúc cùng sự kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Bush, vấn đề bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan không phụ thuộc vào việc Tổng thống Mỹ Bush ra đi vào cuối năm 2008 như ông Bush mong muốn, mà phụ thuộc vào việc an ninh của Ba Lan có được bảo đảm hay không”(Báo đã dẫn 13/5/2008).

 Ngày 13/05/2008, Thủ tướng Ba Lan Tuck tuyên bố mạnh mẽ rằng, Ba Lan không chấp nhận các đề nghị của Mỹ. Lập trường của chính phủ Ba Lan không thay đổi. Quân đội Ba Lan phải được hiện đại hóa toàn diện. Ba Lan không ép buộc, kể cả việc Mỹ đi tìm nơi khác để bố trí như đại diện chính phủ Mỹ đã tuyên bố cảnh báo.

Với Cộng hòa Séc, mặc dù chính phủ cánh hữu đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về việc cho Mỹ bố trí trạm rađa trên lãnh thổ nước mình, nhưng còn phải thông qua Quốc hội. Trong khi một nghịch lí đang đặt ra cho chính phủ nứơc này là đảng Dân chủ công dân của Thủ tướng Séc Topolanek chỉ chiếm thiểu số ở Quốc hội, đảng Xanh trong liên minh cầm quyền lại phản đối kế hoạch của Mỹ, tuyên bố sẽ rút khỏi liên minh nếu Thủ tướng quyết định kí với Mỹ hiệp định cho Mỹ bố trí trạm ra đa trên lãnh thổ Séc.

Ngày 07/06/2008, chính Thủ tướng Séc Mirek Totolanek đã cảnh báo liên minh cầm quyền nước này có thể sụp đổ vào mùa thu năm nay: “Chính phủ đang lung lay. Nếu không có một thay đổi để dẫn tới sự đồng thuận vào mùa hè này thì mùa thu có thể là thời điểm đánh dấu sự sụp đổ của Chính phủ”(Báo đã dẫn ngày 7/6/2008).

Trong khi đó, hàng ngày vẫn diễn ra các cuộc biểu tình lớn đòi chính phủ hủy bỏ ý định cho Mỹ bố trí rađa trên lãnh thổ nước mình.

3. Mỹ tiếp tục sử dụng sức mạnh để răn đe các quốc gia độc lập

- Mỹ đã tập trung mọi nỗ lực để buộc Iran phải ngừng chương trình làm giàu uranium, kể cả đe dọa chiến tranh, nhưng vẫn không khuất phục được lãnh đạo nước này.

Ngày 27/05/08, Tổng thống Iran Mahmod Ahmadinejad tuyên bố: “Iran sẵn sàng đàm phán bình đẳng, công bằng với tất cả các nước, tổ chức không vì một điều kiện tiên quyết nào trên cơ sở tôn trọng quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của mình. Không một quốc gia nào trên thế giới có quyền tước bỏ quyền sở hữu công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình của các nước khác. Mặc dù phải chịu sức ép từ bên ngoài, nhưng Iran vẫn tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân của mình để bảo đảm nhu cầu năng lượng cho đất nước. Năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình thuộc về tất cả các dân tộc trên thế giới”.

Trong khi đó, Mỹ và một số nước khác vẫn cho rằng Iran bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân, mặc dù chính Tình báo quốc gia Mỹ đã tuyên bố Iran bỏ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân từ năm 2003. Hiện tại, nghị quyết 1803 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua tháng 3/2008 đang có hiệu lực và Iran có 90 ngày để thực hiện nghị quyết này.

Giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường phát triển năng lượng của mình và sẽ không cho phép các thế lực đàn áp, phủ nhận quyền này của đất nước Iran”(báo đã dẫn 27/5/2008).

Mỹ tăng cường lôi kéo các quốc gia vùng Vịnh, thế giới Arập ủng hộ Mỹ cô lập Iran, xúi giục các lực lượng chống đối trong nước Iran biểu tình, phản đối chính sách của Tổng thống Iran, tăng cường hoạt động gián điệp để hỗ trợ cho các lực lượng đối lập lật đổ chính quyền Iran, nếu không lật đổ được thì giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2009 và Quốc hội vào tháng 03/2008 khi hết nhiệm kỳ, nhưng Bush đã thất bại.

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Iran với hơn 70% số ghế Quốc hội, gồm 290 ghế thuộc về các ứng cử viên của Tổng thống đã chứng tỏ nhân dân Iran ủng hộ đường lối của lãnh tụ tinh thần tối cao, Giáo chủ Ali Khamenei, Tổng thống Iran và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của mình trước nguy cơ xâm lược của Mỹ.

Ngày 1/6/2008, đại diện Chính phủ Iran tuyên bố: “Iran sẽ tiếp tục làm giàu uranium cho dù IAEA kêu gọi ngừng hoạt động này. Còn Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong báo cáo ngày 27.05.08 khẳng định rằng, mặc dù Iran không thực hiện cả 3 nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ, nhưng Iran có thái độ hợp tác với IAEA, các thanh sát viên của IAEA có thể đến bất kì nơi nào mà mình yêu cầu, chưa rõ bằng chứng Iran sản xuất vũ khí hạt nhân, chương trình hạt nhân của Iran vẫn nằm trong tầm kiểm sóat của IAEA.

- Với sự phản ứng của CHDCND Triều Tiên trước thái độ của Mỹ, cuối cùng chính quyền Bush cũng buộc phải dỡ bỏ một phần cấm vận, viện trợ 500.000 tấn lương thực cho nước này, yêu cầu đồng minh Hàn Quốc viện trợ kinh tế, trong đó có dầu, 1.000 tấn đồng cho Bắc Triều Tiên, để đổi lại việc Bắc Triều Tiên trao cho Mỹ 18.000 trang hồ sơ tài liệu về lò phản ứng hạt nhân Yongbyon và nhà máy tái chế biến, mở đường cho việc nối lại đàm phán 6 bên sắp tới, tuy nhiên điều này cũng không nói lên việc Bắc Triều Tiên tự từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

4. Mỹ tạo tiền đề khuyến khích phong trào ly khai tại nhiều nước

- Mỹ là một nước đã có âm mưu tách Kosovo khỏi Serbia ngay từ khi Nam Tư tan rã. Sau năm 1999 bằng chiến dịch không kích Nam Tư, buộc Nam Tư phải rút quân khỏi Kosovo, đặt Kosovo dưới sự quản lí của LHQ, Mỹ đã chỉ đạo đặc phái viên của Tổng thư kí LHQ soạn thảo kế hoạch độc lập cho Kosovo và khi bị Nga phản đối quyết liệt, đe dọa phủ quyết tại Hội đồng bảo an LHQ, thì Mỹ bỏ qua tổ chức quốc tế này và sử dụng EU làm con bài pháp lí thay LHQ để công nhận Kosovo độc lập, đồng thời lôi kéo, gây sức ép với nhiều nước trên thế giới công nhận Kosovo.

Ngày 17/2/2008, đúng một ngày sau khi Tổng thống Serbia Tadich tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai, Quốc hội Kosovo đã thông qua tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia. Vụ việc này đã tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong quan hệ quốc tế.

Ngay sau đó, một số khu vực ở Ban căng và châu Âu cũng tuyên bố độc lập và gây ra tình hình căng thẳng hỗn loạn trong nước như ở Tây Tạng Trung Quốc, xứ Bas thuộc Tây Ban Nha, một số khu vực li khai ở các nước thuộc Liên Xô cũ... cũng tuyên bố độc lập và đề nghị Nga, các nước, các tổ chức quốc tế công nhận.

- Cũng mang hình thức như các cuộc cách mạng màu trước đây ở Gruzia, Kirgizia, Ukraina, cuộc cách mạng màu hoa mơ ở Armenia xảy ra sau khi Uỷ ban bầu cử trung ương công bố kết quả với chiến thắng thuộc về ứng cử viên do Tổng thống thân Nga hậu thuẫn, phe đối lập được Mỹ, phương Tây ủng hộ tuyên bố kết quả bầu cử là gian lận, đòi hủy bỏ kết quả bầu cử, tổ chức phát động quần chúng xuống đường biểu tình phản đối, gây rối trật tự công cộng hòng ép buộc chính quyền tổ chức bầu cử vòng hai để giành quyền lãnh đạo.

Nhưng kết cục của cách mạng màu quả mơ lại không được như phương Tây mong muốn, ngược lại, chính quyền thân Nga đã đập tan cuộc bạo loạn, giữ vững quyền lãnh đạo đất nước theo Hiến pháp và pháp luật do đã áp dụng nhiều biện pháp kiên quyết.

Như vậy, ngày 19/2/2008, tại Armenia đã diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống và ngày 24/2/2008, kết quả bầu cử đã được công bố với thắng lợi thuộc về đương kim Thủ tướng Serj Sarkisyan, được Tổng thống Robert Kotraryan sắp mãn nhiệm hai nhiệm kỳ ủng hộ, chiếm 52,82% số phiếu. Bất chấp phản đối của phe đối lập, theo đánh gía của các quan sát viên Cộng đồng các quốc gia độc lập và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu thì cơ bản cuộc bầu cử đã diễn ra công khai, dân chủ, tự do, đáp ứng các yêu cầu trong nước và quốc tế, tuy nhiên có một vài sai sót nhỏ trong qúa trình vận động bầu cử, nhưng không ảnh hưởng đến kết qủa bầu cử.

Trước tình hình đó, ngày 1/3/2008, cảnh sát đã được lệnh trấn áp bằng các trang bị nghiệp vụ chuyên dụng giải tán lực lượng biểu tình, bạo loạn khỏi quảng trường tự do, bắt một số người, đưa Ter-Petrosyan về nhà riêng của mình, tuy nhiên phe đối lập đã kéo về cố thủ trước Đại sứ quán Pháp và tòa thị chính thành phố Erevan, sau đó đoàn người biểu tình có trang bị gậy gộc, sắt thép, chai lọ chèn thuốc cháy, chất nổ từ nhiều hướng lại kéo về đây để tăng cường và phong tỏa toàn bộ khu vực này, đòi thả Ter-Petrosyan khỏi nhà và đưa ông này đến phát biểu trước đoàn người biểu tình.

Ngày 1/3/2008, Tổng thống Armenia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 20 ngày. Sau khi công bố lệnh tình trạng khẩn cấp, thành phố đã trở lại bình thường. Tổng thống mới đắc cử đã chính thức tuyên thệ nhậm chức và thực hiện chức trách của người đứng đầu Nhà nước của mình, đồng thời tuyên bố đường lối đối ngoại ưu tiên trứơc hết là giữ quan hệ đối tác chiến lược với Nga.

5. Mỹ cố gắng ổn định tình hình Irắc, Afganistan, nhưng vẫn phải hứng chịu nhiều thất bại

Mỹ đã nhiều lần đề ra chiến lược, sách lược giành thắng lợi, điều chỉnh chiến thuật ở Irắc, Afganistan, chi phí quốc phòng năm 2008 lên đến hơn 459 tỉ USD, còn năm 2009 tăng lên 602 tỉ USD. Như vậy tổng chi phí của Nhà Trắng cho cuộc chiến chống khủng bố kể từ vụ 11/9/2001 lên đến gần 900 tỉ USD.

Chính sự chi phí tốn kém này đã là một nguyên nhân làm kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, rồi đến khủng hoảng như hiện nay. Mỹ đang bị sa lầy ở Irắc và Đảng cộng hòa của Bush mất uy tín lớn trước các cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2006, mà Đảng Dân chủ đã chiếm lại quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfel, người đóng vai trò lớn trong việc phát động và tiến hành chiến tranh mất chức và hiện nay các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ đang có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11.2008 với chính sách rút ngay quân khỏi Irắc, trong khi Bush vẫn cứ giữ lập luận cũ rích là rút quân đồng nghĩa với thất bại và tiếp tay cho khủng bố, còn ứng cử viên Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Giôn Mac Cain tuyên bố mềm mỏng hơn Bush rằng sẽ rút quân vào năm 2013, chỉ để lại Irắc một số lượng quân cần thiết.

Việc Bush gây sức ép với Thủ tướng Irắc Nuri al-Maliki cho Mỹ bố trí quân lâu dài ở nước này sau năm 2008 đã gây phản ứng và lo ngại trong khu vực, nhất là Iran. Bởi vậy, chính Nuri al-Maliki ngày 08.06.2008 đã đích thân đến Teheran để trấn an các nhà lãnh đạo Iran: “Badda sẽ không cho phép Irắc trở thành một bàn đạp để làm tổn hại đến an ninh của Iran và các nứơc láng giềng khác. An ninh và sự ổn định ở Irắc có thể ảnh hưởng lớn trong khu vực. Chúng tôi nhận thấy cần duy trì hòa bình và an ninh cả ở Irắc và Iran”.

Sau thời gian 5 năm gây chiến tại Irắc, chính quyền Mỹ buộc phải công bố số liệu thương vong, mà theo giới phân tích thì đây là con số ít hơn so với thực tế. Hơn 4.000 sỹ quan và binh lính Mỹ đã thiệt mạng, gần 30.000 lính Mỹ bị thương, trong đó có 13.138 bị thương nặng phải rời quân ngũ.

Còn ở Afganistan, Mỹ luôn đề nghị NATO tăng quân, nhưng không nhận được sự đồng tình của nhiều nước, nhất là các nứơc lớn ở châu Âu.

Chính sự quy tội của Mỹ cho các nước châu Âu là kém về huấn luyện đào tạo và hiệu quả chiến đấu thấp ở Afganistan đã làm mâu thuẫn thêm giữa Mỹ với các nứơc chủ chốt của NATO.

Hiện tại, ở Afganistan có 43.000 quân dưới sự chỉ huy của NATO, nhưng quân của nhiều nước NATO chỉ đóng ở những khu vực không nguy hiểm. Mỹ yêu cầu các nứơc tăng quân đến Afganistan, đặc biệt là đưa quân vào các khu vực mà quân Taliban đang nổi dậy mạnh mẽ.

Trong số 43.000 quân thuộc lực lượng ổn định ở Afganistan (ISAF) thì Mỹ có đến 14.000 quân. Ngoài ra, Mỹ còn có 13.000 quân nữa chuyên truy lùng các phần tử khủng bố và huấn luyện cho lực lượng quân sự và an ninh Afganistan và đến tháng 04.08 buộc phải đưa thêm 3.000 lính hải quân đánh bộ đến Afganistan. Bởi vậy, Mỹ yêu cầu các nước thành viên NATO gửi quân đến các tỉnh miền Nam Afganistan, nơi diễn ra chống đối mạnh mẽ của Taliban.

Sau thời gian trao quyền chỉ huy cho NATO để tập trung đối phó với tình hình ở Irắc, nhưng quân Mỹ và liên quân lại bị Taliban tấn công mạnh hơn, ngày 3/6/2008, Mỹ buộc phải lấy lại vai trò chỉ huy của mình và đại tướng Mac Kirman đã nắm quyền chỉ huy 50.000 quân NATO tại Afganistan.

Trong khi đó, phong trào Taliban ngày 27/5/2008 thề “sẽ chiến đấu tới khi tên lính xâm lược nứơc ngoài cuối cùng rời khỏi đất nứơc”.

6. Thế giới đứng trước nguy cơ mất ổn định hơn

- Chính Bộ Ngoại giao Mỹ trong báo cáo tháng 04.2008 phải công nhận rằng mạng lưới al-Qaida đã hồi phục lại một phần khả năng hoạt động tại các khu vực hẻo lánh ở Pakistan như trứơc khi xảy ra các cuộc tấn công năm 2001.

Tổ chức này là mối đe dọa khủng bố lớn nhất đối với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ trong năm 2007 và đầu năm 2008.

Trong năm 2007 có 22.000 người bị giết chết trong các vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới, trong đó ở Irắc chiếm 60%. Chính quyền Mỹ vẫn quy kết cho các nước Cuba, Iran, Bắc Triều Tiên, Sudan, Syri bảo trợ cho khủng bố, Iran theo Hồi giáo Siai tiếp tục giúp đỡ phe nổi dậy Taliban theo Hồi giao Sunni tại Afganistan để gây sức ép với Mỹ và liên quân, Iran phải chịu trách nhiệm về những cuộc tấn công các lực lượng liên quân do Mỹ lãnh đạo tại Irắc.

Tại Nam Á, tổ chức Jemaah Islamiyah vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các lợi ích của Mỹ, đặc biệt là tại Indonesia và Philippines, Malaysia. Ấn Độ là nứơc bị tác động nặng nề nhất bởi chủ nghĩa khủng bố, với hơn 2.000 người chết trong các cuộc tấn công khủng bố, đặc biệt là ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm sóat.

Phản ứng lại ý định của chính quyền Mỹ sẽ mở các cuộc tấn công vào mạng lứơi al-Qaida trên lãnh thổ Pakistan, Tổng thống nước này Pervez Musharav tuyên bố cứng rắn: “Nếu quân Mỹ đến mà không được sự chấp thuận của chúng tôi, thì đó là hành động chống lại chính quyền Pakistan… Họ sẽ phải hối tiếc”.

- Ngày 11/5/2008, Sudan đã cắt đứt quan hệ với nứơc láng giềng Chad vì cho rằng nước này đã ủng hộ phiến quân Dafur tấn công thủ đô Khartum của Sudan . Tổng thống Sudan Omar al-Bashir tuyên bố rằng, chính phủ Chad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công và ông không có sự lựa chọn nào khác là cắt đứt quan hệ ngoại giao.

- Trung Đông luôn là điểm nóng do Mỹ chỉ ủng hộ đồng minh của mình là Ixraen, bỏ qua lợi ích chính đáng của các nước Arập, mà trứơc hết là Palextin, nên Bush có tỏ ra nỗ lực đến mấy để cuối năm 2008 kí được hiệp định hòa bình về Trung Đông cũng chỉ lả ảo tưởng.

Chuyến đi Trung Đông mới đây nhất của Tổng thống Mỹ Bush từ 13 đến 18/5/2008 không đạt được mục đích như Bush mong muốn là đem lại hòa bình cho Trung Đông, ngược lại, hình ảnh cá nhân của Bush khi quyền và lực của mình đã chuẩn bị chấm dứt càng tối tăm hơn.

- Trong nửa đầu tháng 5/2008, tình hình Li băng trở nên đặc biệt căng thẳng khi xảy ra các cuộc xung đột giữa lực lượng Hezbollah thân Iran và lực lượng chính phủ thân phương Tây do Chính phủ ra nghị quyết coi mạng điện thoại của Hezbollah là bất hợp pháp và cách chức giám đốc an ninh sân bay quốc tế Beirút là người thân Hezbollah. Lực lượng Hezbollah đã tấn công và chiếm khu Tây thủ đô Beirút. Chính phủ quy cho phong trào này là đảo chính, còn thủ lĩnh phong trào là Nasralla lại bác bỏ và tuyên bố là chỉ yêu cầu chính phủ rút các quyết đinh sai lầm.

Cuối cùng, Chính phủ phải hủy bỏ tất cả các quyết định này và chấp nhận đàm phán với Hezbollah tại thủ đô Kata để giải quyết khủng hoảng chính trị tại nước này, mà trứơc hết là bầu Tư lệnh quân đội Libăng được Hezbola ủng hộ làm Tổng thống, khi chức vụ này đã bỏ trống từ tháng 11/2007 và các phe phái không đạt được thỏa thuận, lập chính phủ hòa hợp dân tộc, thông qua bộ luật bầu cử mới.

Với việc bầu Tư lệnh quân đội Michel Suleiman làm Tổng thống Libăng và những kết quả đã đạt được này, Thủ lĩnh Nasralla tuyên bố rằng, đó là thắng lợi của tất cả người dân Libăng. Điều này lại mở ra cho nhân dân Libăng hy vọng đất nước sẽ bước vào kỉ nguyên mới.

Nguyễn Nhâm-Lê Thành