Trắng đêm lo nhà sập

ANTĐ - Sau khi một hộ gia đình ở thôn Sơn Trung (xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) thuê thợ đến khoan giếng để lấy nước sinh hoạt, bỗng xảy ra hiện tượng rung lắc khiến hàng loạt ngôi nhà của các hộ dân liền kề bị gãy nứt, nhiều tường rào đổ sập…

Tường đổ sập

Mắc màn ngủ ngoài vườn

Sự việc xảy ra vào lúc 11h trưa 6-4, sau khi thợ khoan giếng khoan đến độ sâu hơn 50m vừa rút ống khoan để lắp đường nước vào sử dụng thì đã xảy ra hiện tượng lún, nứt. Theo bà Nguyễn Thị Vị - hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lúc xảy ra sự việc bà đang bế cháu nội đứng xem khoan giếng. Tuy nhiên, khi họ vừa rút mũi khoan ra bà Vị bỗng thấy cổng nhà mình tự nhiên bị nứt một mảng lớn. Khoảng 40 phút sau, vết nứt ngày càng to dần và lan ra khắp mặt sân trước khiến gia đình bà Vị vô cùng hoảng hốt. Ngay lúc đó, nhiều hộ gia đình sống gần công trình cũng xảy ra tình trạng tương tự. Bà Vị kể lại: “Do nghi ngại lý do dẫn đến hiện tượng lún, nứt bất thường là do nhà hàng xóm khoan giếng nên ngay lúc đó các hộ dân đã yêu cầu họ phải dừng lại. Tuy nhiên đến nay, tình trạng lún, nứt mỗi ngày một tồi tệ hơn khiến người dân rất lo lắng”. 

Dẫn chúng tôi ra phía sân sau nhà, bà Vị cho hay gia đình bà có 9 nhân khẩu, các cháu nhỏ hiện phải tá túc ở nhà họ hàng vì sợ tình trạng sụt, lún có thể gây đổ nhà. Còn bà Vị và các con thì vẫn phải túc trực tại đây vì còn đàn lợn giống và đàn gà lên tới hàng trăm con không biết chuyển đi đâu. Từ hôm xảy ra sự việc tối nào bà Vị cũng phải mắc màn ngủ ngoài vườn.

Tìm đến công trình đang xây dựng dở dang tại thôn Sơn Trung sáng 11-4, chúng thấy nhiều bức tường rào của các hộ dân liền kề đã bị đổ sập. Ngay ở khu vực ngoài, UBND xã Yên Sơn đã cử cán bộ chốt trực và khoanh vùng khu vực nguy hiểm, cấm không cho người dân lui tới. Trong khoảng diện tích gần 700m2, nhiều công trình đã bị hư hỏng nặng, bên trong nhiều khối nhà hiện tượng lún, nứt xuất hiện khắp nơi. Ngay cả trên lối đi  bê tông cũng bị nứt từng mảng, chỗ lồi, chỗ lõm khiến chúng tôi cảm thấy bất an khi bước vào. Mặc dù, cho đến thời điểm này vết nứt không ngừng lan rộng song người dân vẫn bám trụ tại đây, phần vì chưa tìm được chỗ ở, phần vì còn chờ sự hỗ trợ từ phía chính quyền.

Khu dân cư đã thành “khu vực cấm”

Đi cũng dở, ở không xong

Chị Phạm Thị Huyền - chủ ngôi nhà đang xây móng cho biết, thông thường, những người dân trong khu vực phải khoan giếng tới độ sâu 70-80m mới có nước nên khi gia đình chị khoan trên 50m đã thấy nước lên, mọi người trong khu vực đều rất mừng. Móng nhà đang xây dở dang của nhà chị Huyền hiện đã nứt gãy làm 3 đoạn, việc thi công đình chỉ hoàn toàn. 

Cũng trong tình trạng tương tự, gia đình ông Nguyễn Phú Ngọ với 7 nhân khẩu, ở vị trí đối diện với mảnh đất của chị Huyền mấy ngày nay như ngồi trên đống lửa. Phần lớn diện tích sân, vườn, công trình phụ, hàng rào, cổng…được xây dựng khá kiên cố bỗng dưng nứt toác, sụt lún dần. Từ hôm xảy ra sự cố, cả gia đình ông Ngọ phải đến ở nhờ nhà người thân, toàn bộ số gia cầm đang chăn nuôi không biết gửi ai nên người nhà ông hàng ngày phải thay nhau trông nom. 

Trắng đêm lo nhà sập ảnh 3
Nơi khoan giếng

Trao đổi với chúng tôi trưa 11-4, ông Nguyễn Tiến Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai cho biết, khởi nguồn sự việc là một gia đình trong khu vực đào móng, xây nhà. Để có nước sử dụng, gia đình này đã thuê người khoan giếng. Tuy vậy, đến ngày 6-4, khi ống khoan vừa được rút lên thì xảy ra hiện tượng sụt lún khiến móng nhà đang thi công bị nứt toác, kéo theo 6 hộ gia đình ở khu vực lân cận cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, xã đã tiến hành họp báo cáo UBND huyện Quốc Oai xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời thành lập tiểu ban vận động, hỗ trợ các gia đình đi sơ tán, bảo vệ tài sản cho họ. Bên cạnh đó, xã còn lập hàng rào bảo vệ, thành lập tổ công tác, bố trí người chốt trực ở khu vực xảy ra sự cố nhằm ngăn chặn phương tiện và người dân ra vào khu vực này. Ngoài ra, UBND xã còn đặt máy thủy bình để đo độ lún sụt. Đến thời điểm hiện tại, điểm lún sâu nhất là 75cm. So với ngày đầu tiên, mức độ lún có giảm song phạm vi có chiều hướng lan rộng.

Đối với hộ bị thiệt hại nặng nhất là hộ ông Nguyễn Phú Trường và bà Nguyễn Thị Vị, xã đã thống nhất chủ trương thuê cho họ một căn nhà ở tạm đồng thời hỗ trợ kinh phí, lực lượng để họ sửa căn nhà cũ, ổn định chỗ ở. Các hộ khác bị ảnh hưởng cũng sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí. Tuy vậy, điều khó khăn nhất hiện nay là do một số gia đình trong khu vực đang chăn nuôi lợn, gà, vịt khá nhiều. Số gia súc, gia cầm này không thể dể dàng di chuyển được nên hàng ngày họ vẫn phải quay về chăm sóc.

Hộ gia đình khoan giếng cũng bị thiệt hại nặng nề

Ngày 10-4, trong buổi làm việc với đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND xã đã đề nghị Sở nhanh chóng bố trí cán bộ chuyên môn về khảo sát địa chính tại khu vực này xem người dân có thể tiếp tục sinh sống được nữa hay không, nếu được thì cần nêu rõ biện pháp khắc phục và trong trường hợp ngược lại, Sở sẽ báo cáo với UBND Thành phố xem xét bố trí tái định cư cho các hộ dân. Liên quan đến sự việc này, UBND xã cũng đã tịch thu phương tiện khoan giếng, kiểm tra giấy phép hành nghề của họ đồng thời thông báo tới các hộ dân tạm thời không nên sử dụng nước giếng khoan tại khu vực này. “Lý do dẫn tới hiện tượng sụt, lún có thể do khu vực này liền kề sông Đáy, bị rỗng ở phía dưới do cát non cộng với mạch nước ngầm khá lớn. Trong khi chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng thì trách nhiệm của UBND xã là đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân” - ông Thịnh khẳng định.

Sự cố khiến việc học hành của trẻ nhỏ cũng bị đảo lộn

Sau khi nhận được thông tin về tình trạng sụt lún bất thường tại xã Yên Sơn, chiều 6-4, UBND huyện Quốc Oai đã có công văn gửi UBND xã Yên Sơn  yêu cầu nhanh chóng sơ tán dân và có biện pháp bố trí nơi ở an toàn cho họ. Chiều 10-4, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cũng đã cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra, làm việc với lãnh đạo UBND xã Yên Sơn nắm bắt sơ bộ sự việc.