Thực hiện công bằng trong giáo dục và phát triển kinh tế

ANTĐ - Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền và nghĩa vụ học tập (Điều 39) và tiếp tục khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề (Điều 61).

Chăm lo sự nghiệp giáo dục 

Theo luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đối với bất cứ quốc gia nào, giáo dục là nền tảng để phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mặt khác, tài năng và trí tuệ, năng lực và bản lĩnh trong lao động sáng tạo của con người không phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên, tự phát mà phải trải qua một quá trình đào tạo công phu, có hệ thống. Vì vậy, giáo dục được đánh giá là yếu tố cấu thành của nền sản xuất xã hội, nhân tố quyết định của lực lượng sản xuất. Do vậy, việc Nhà nước đưa ra những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực dạy nghề, không để người nghèo, đối tượng chính sách phải bỏ học vì không có tiền nộp học phí, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự chăm sóc, giáo dục của Nhà nước nhiều hơn là hướng tới những mục tiêu lâu dài nhằm chăm lo sự nghiệp giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, tương lai của dân tộc. Tuy vậy, với những quy định mới ưu tiên cho phát triển giáo dục thể hiện trong Hiến pháp 2013 thì công bằng xã hội trong giáo dục sẽ được cải thiện theo hướng hoàn thiện, đặc biệt đối với trẻ em thuộc dân tộc thiểu số, con em các gia đình nghèo, các đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội ngày càng nhận được sự quan tâm của Nhà nước nhiều hơn.

Hiến định mục tiêu phát triển bền vững

Về phát triển kinh tế, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định đường lối, nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế nước ta là nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vấn đề hội nhập kinh tế cũng đặt trong bối cảnh mới, đó là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng trên các lĩnh vực vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định mục tiêu phát triển bền vững, trong đó thể hiện rõ quan điểm là phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường (Điều 50). 

Cũng theo luật sư Võ Đình Hải, Hiến pháp năm 2013 đã xác định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước (Điều 51).

Khác với các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 thể hiện tư duy mới về các thành phần kinh tế, không đề cập từng thành phần mà để luật và các văn bản khác quy định cụ thể, phù hợp với tính chất của đạo luật cơ bản, bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp, đồng thời phù hợp với sự vận động, phát triển của nền kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước cùng hoạt động trong một hành lang pháp lý chung và theo cơ chế thị trường, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Bên cạnh đó, vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp được ghi nhận trong Hiến pháp mới. Đây là cơ sở để phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm và doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ chốt để phát triển nền kinh tế đất nước.