Thay đổi nhận thức về quyền con người

ANTĐ - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013) được Quốc hội khóa XIII thông qua chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014,. Để khẩn trương đưa Hiến pháp vào cuộc sống nhằm góp phần làm cho đất nước ta đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trong thời kỳ đổi mới, để các nội dung sửa đổi trong Hiến pháp đến được với mọi tầng lớp nhân dân, Báo ANTĐ mở chuyên mục mới “Đưa Hiến pháp vào cuộc sống”.

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1992 sửa đổi đã có nhiều điểm mới tiến bộ về nội dung và kĩ thuật lập hiến. Đây là những bước tiến mới và khẳng định về việc thực hiện cam kết của Việt Nam trong vấn đề công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người.

Nhận định về việc triển khai Hiến pháp vào cuộc sống, Luật sư Nguyễn Tiến Hoà- Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Việc thay đổi vị trí “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”  từ Chương V trong Hiến pháp năm 1992 về Chương II trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 không đơn thuần là một sự dịch chuyển cơ học, một sự hoán vị về bố cục mà đó là sự thay đổi về nhận thức”. Với quan niệm đề cao quyền làm chủ của nhân dân trong Hiến pháp, coi quyền lập hiến cao hơn quyền lập pháp, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lập hiến, thông qua quyền lập hiến của mình, nhân dân giao quyền cho lập pháp, hành pháp, tư pháp và các thiết chế độc lập khác, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định ở vị trí trang trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Việc thay đổi này là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới, thể hiện quan điểm đề cao nhân tố con người của Đảng và Nhà nước ta.

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã có sự phân biệt giữa “quyền con người” và“quyền công dân”. Theo đó, quyền con người được quan niệm là quyền tự nhiên vốn có của con người từ lúc sinh ra; còn quyền công dân, trước hết cũng là quyền con người, nhưng việc thực hiện nó gắn với quốc tịch, tức là gắn với vị trí pháp lý của công dân trong quan hệ với Nhà nước, được Nhà nước đảm bảo đối với công dân của nước mình. Chỉ có những người có quốc tịch mới được hưởng quyền công dân của quốc gia đó như quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý Nhà nước.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hoà, việc ghi nhận quyền con người trong Hiến pháp sửa đổi đánh dấu một bước phát triển trong lịch sử lập hiến Việt Nam, tạo tiền đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Đồng thời, quyền con người, quyền công dân có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó. Vì vậy, Hiến pháp không tách bạch thành các mục riêng về quyền con người và quyền công dân mà quy định theo kết cấu của các Công ước quốc tế về quyền con người. 

Bên cạnh nguyên tắc như: “Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” tại Điều 14), ở hầu hết các điều đều quy định trách nhiệm và đảm bảo của Nhà nước như Điều 17: “Nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”; Điều 28: “Nhà nước tạo mọi điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”… 

Theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, có thể hạn chế một số quyền, nhưng chỉ trong một số trường hợp vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội, tôn trọng quyền và tự do của người khác…Như vậy, tùy vào từng quyền mà việc hạn chế quyền được phép hạn chế như thế nào cho phù hợp. Theo đó, Hiến pháp quy định: “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2, Điều 14).