Thang máy có cũng như không

ANTĐ - 84 lá đơn đã được gửi tới các cơ quan chức năng, nhưng sự việc vẫn đâu đóng đấy. Gần 1 năm nay, cư dân của tòa nhà 4F Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội phải chấp nhận leo lên tầng thứ 17 trong tình trạng thang máy phập phù. 

Ở nhà cao tầng phải leo thang bộ

Tòa nhà 4F Trung Kính, Cầu Giấy

“Có lẽ chỉ có những ai đã từng sống trong chung cư cao tầng mới thấu hiểu hết bức xúc của cảnh phải leo cầu thang bộ. Càng bức xúc hơn khi hàng tháng tiền đóng cho khoản phí dịch vụ vẫn phải nộp đều, nhưng đến khi có sự cố thì phản ánh đến bã bọt mép vẫn không thấy có nhân viên bảo trì tới sửa” - ông Vũ Thắng, chủ căn hộ số 401 trần tình với phóng viên sự cố mà theo ông là đã kéo dài cả năm nay tại tòa nhà 4F.

Vốn là 2 đơn nguyên A và B, tòa nhà tái định cư 4F dành cho người dân bị thu hồi đất khi thành phố thực hiện triển khai một số dự án. Ông Thắng chuyển về đây và không nghĩ rằng sẽ có ngày phải đối mặt với những phiền toái này. Khi mới tới, tòa nhà dù không tiện nghi nhưng cũng đủ để người dân hài lòng.

Thế nhưng quãng thời gian ấy không dài. Ông Thắng cho biết: “Khoảng 1 năm trở lại đây thang máy chính của cả khu nhà bỗng dưng trở chứng. Đầu tiên là tầng 1 bị “tắc tịt”. Đơn vị quản lý tòa nhà đã dán thông báo đề nghị bà con bắt đầu sử dụng thang từ tầng 2. Ngờ đâu sự cố chưa dừng lại mà có chiều hướng “leo thang” tiếp”.

Chị Trần Thị Dung - chủ căn hộ số 402 ngán ngẩm: “Em sức đàn bà con gái, bảo leo 1 tầng thì còn chịu được, nhưng với cái đà này, dễ tới đây em sẽ phải leo bộ suốt lên tới tận nhà mình. Anh tính, đi làm về mệt bã người, một tay cắp đứa con nhỏ, một tay xách túi đồ đi chợ mà ngày nào cũng leo lên leo xuống tới 4 lần như thế thì ai mà chịu nổi”.

Sở dĩ, chị Dung “tiên lượng” được “triển vọng” của mình là vì cách đây 4 tháng, tổ quản lý tòa nhà tiếp tục thông báo một “tin buồn” thứ 2, đó là thang máy lại trục trặc, đề nghị bà con leo bộ lên tầng 2 để bắt đầu sử dụng thang. Chị Dung thở dài: “Mọi người lại bảo nhau, thôi thì cố, chắc vài ba hôm tổ quản lý sẽ sửa. Nhưng hy vọng ấy nhanh chóng tắt ngóm vì cách đây hơn 2 tuần, một thông báo miệng nữa được đưa ra: “Thang đang gặp sự cố, đề nghị bà con bắt đầu sử dụng thang từ tầng thứ 3”. Như vậy có nghĩa là, muốn lên được đến nhà của mình, người dân nhà 4F buộc phải leo thang bộ qua 3 tầng để bắt đầu được sử dụng những “tiện nghi” của một tòa nhà cao tầng mang lại.

Đánh võng trên thang máy

Bà Lê Bích Thủy, chủ căn hộ số 702 tố khổ: “Nào chỉ có việc người dân phải leo bộ qua 3 tầng nhà, chúng tôi những hộ ở trên cao còn bực mình hơn. Thang máy ở đây vô cùng “tậm tịt”. Từ đầu năm tới nay tổ chúng tôi đã gửi tổng cộng 84 lá đơn lên các cơ quan chức năng rồi. Thế nhưng mọi việc vẫn đâu đóng đấy. Thang hỏng vẫn hoàn hỏng mà chẳng thấy các vị ấy động tĩnh gì”. 

Sự bức xúc của bà Thủy cũng khá dễ hiểu bởi với bà đi thang máy hay thang bộ đều là một cực hình. Nhà bà Thủy ở tầng 7, vốn có tuổi lại bị đau chân, hàng ngày muốn xuống tầng 1 hoặc lên các tầng khác cao hơn bà Thủy buộc phải đi bộ lên tầng 8 rồi ấn nút các tầng cần đến. Khi đó thang máy mới hoạt động chứ đứng tại tầng của bà mà bấm có đợi đến tết cũng chả bao giờ cửa thang chịu mở. Giải pháp thứ 2 là bà Thủy đi bộ từ tầng 7 xuống tầng 5, từ đó vào thang máy đi tiếp xuống tầng 3. Sau đó là đi thang bộ xuống đất. Tóm lại là phải đi theo kiểu “Đông Tây y kết hợp”. Không chỉ có tầng nhà tôi là thế đâu, tòa nhà này có 17 tầng thì theo tôi biết có tới 5-6 tầng bị chung tình trạng thang bị “chập mạch” như vậy. Không biết đến bao giờ thì họ mới khắc phục cho bà con - bà Thủy buồn bã nói.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một cán bộ quản lý tòa nhà cho biết, việc thang hỏng như người dân phản ánh là có, nhưng một phần cũng là do ý thức sử dụng của người dân không bảo quản giữ gìn. Thang được thiết kế để chở người và có tải trọng quy định, nhưng rất nhiều lần cán bộ bảo vệ phải ngăn cản không cho người dân dùng thang để chở đồ nặng. Thậm chí đôi lúc chúng tôi vấp phải sự phản ứng khá căng thẳng của người dân - vị cán bộ này nói. Thêm một lý do khác là chi phí sửa chữa thang máy rất tốn kém, trong khi đó theo quy định quản lý nhà tái định cư thì đơn vị quản lý (ở đây là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị) chỉ được phép lập biên bản kiểm tra báo cáo tình trạng hư hại và gửi đề xuất lên Tổng công ty để báo cáo thành phố. Chỉ khi nào Sở Tài chính thẩm định hư hại và cấp kinh phí thì những hư hỏng ấy mới được khắc phục. Hàng tháng chúng tôi đều có báo cáo về tình trạng ở đây, còn khi nào được sửa thì cá nhân tôi không thể trả lời được.