Những “cái bẫy” trên đường Trần Khát Chân

ANTĐ - Dự án đã được phê duyệt từ lâu nhưng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn dang dở. Những ngôi nhà nham nhở do mới phá dỡ nửa chừng trên đường Trần Khát Chân (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không chỉ ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị mà còn gây mất an toàn.

Những ngôi nhà không nóc, chỉ còn vài bức tường đe dọa tính mạng người đi đường

Những bức tường chờ… sập

Sau nhiều năm triển khai, tiến độ thi công đoạn Ô Đống Mác-Nguyễn Khoái với chiều dài trên 500 m, thuộc dự án đường vành đai 1 diễn ra rất chậm chạp. Đoạn đường này có điểm đầu là ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân, điểm cuối giao với đê Nguyễn Khoái. Để đẩy nhanh tiến độ, mới đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, kịp thời đề xuất giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện GPMB, trình thành phố xem xét, quyết định. Tuy vậy, hiện nay công tác GPMB tại đây vẫn chưa hoàn tất, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong  khu vực.

Ông Nguyễn Văn Trung ở đường Trần Khát Chân cho biết, nhiều ngôi nhà nằm trong diện GPMB nằm sát mặt đường đã bị tháo dỡ mái chỉ còn trơ lại mấy bức tường chênh vênh, nứt nẻ. Những ngôi nhà này đã có tuổi đời hàng chục năm với kết cấu đơn giản, khả năng chịu lực rất kém nên nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong những ngày mưa bão. Do lưu lượng người qua lại khu vực này rất đông, nhất là trong giờ cao điểm, lòng đường lại chật hẹp nên nếu xảy ra sự cố, hậu quả sẽ khôn lường. Không chỉ có vậy, một số người dân trong khu vực còn tận dụng mặt bằng trong những ngôi nhà không nóc này để làm nơi kinh doanh buôn bán, bất chấp nguy hiểm. “Để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực này, chúng tôi đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ GPMB sớm ngày nào hay ngày đấy” - ông Trung lo ngại.

Do mật độ giao thông đông đúc nên hiện tại, đường đê Trần Khát Chân đã xuống cấp. Hầu như toàn bộ kết cấu mặt đường đã bị phá vỡ, xuất hiện vô số “ổ gà”, “ổ trâu” khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tại những khu vực đã được phá dỡ xuất hiện những bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Thu - người dân sống tại khu vực thông tin thêm, ngày nắng đường bụi mù, ngày mưa thì rác thải theo nước chảy vào nhà. Bà Thu lo ngại: “Do là đường đê nên ở nhiều đoạn mặt đường cao ngang sàn tầng 2 nhà dân. Vì vậy, việc những ngôi nhà cốt nền thấp khi bị đập dở dang không có hàng rào bảo vệ chẳng khác nào những cái bẫy đối với người đi đường, đặc biệt là vào buổi tối”.

Ngôi nhà có cốt nền thấp đã bị phá dỡ nằm sát đường không rào chắn 
chẳng khác nào những “cái bẫy”

Yêu cầu nhà thầu làm rào chắn

Có mặt tại khu vực trên sáng 18-9, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng khá lộn xộn. Do mặt đường chật chội nên các phương tiện chen chúc nhau nhích từng chút một. Đây cũng là đường đến trường của hàng nghìn học sinh trường THCS Hai Bà Trưng nên tình trạng ùn tắc diễn ra khá thường xuyên. Đó cũng chính là nguyên nhân xảy ra không ít các vụ va chạm giữa các phương tiện giao thông. Hai bên đường là vô số ngôi nhà bị đập bỏ dở dang, trơ lại những bức tường cao 2 đến 3 mét. Một số hộ dân đã tận dụng khoảng không trong các căn nhà này làm nơi phơi quần áo, để xe ô tô, xe máy… Điều đáng nói là dưới những “bức tường tử thần” này là lối đi chính của hàng nghìn người dân song tại đây không có tường rào bảo vệ hay những biển cảnh báo nguy hiểm.

Về vấn đề trên, theo ông Hoàng Ngọc Thịnh - Phó Trưởng phòng GPMB - BQLDA hạ tầng Tả Ngạn - đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, do Luật Đất đai sửa đổi mới có hiệu lực thi hành, theo đó các quy định về chính sách, trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng có sự thay đổi nên tiến độ dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái) bị chậm lại để điều chỉnh một số vấn đề liên quan. Trong dự án này, gói thầu số 12 là phá dỡ, thu dọn vận chuyển phế thải xây dựng. 

Cũng theo ông Thịnh, hiện nay tại đây vẫn còn một số hộ chưa bàn giao. Các hộ này nằm xen kẽ nhau theo kiểu “xôi đỗ”, nhà xây chủ yếu là nhà tạm, thậm chí chung tường nên việc phá dỡ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, có hộ gia đình lân cận lại không đồng ý việc phá dỡ nhà hàng xóm do lo ngại nhà mình bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do lòng đường rất chật chội lại chênh cốt so với nhà dân nên việc điều xe tải vào bốc dỡ phế thải xây dựng cũng không thể thực hiện được. Trước tình hình này, đơn vị chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu bằng mọi cách phải thu dọn sạch sẽ rác, phế thải tại khu vực đã GPMB xong, hạ toàn bộ những bức tường ở những ngôi nhà đang phá dỡ dở dang dù phải dỡ bỏ từng viên gạch. Trước mắt, Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn sẽ yêu cầu nhà thầu thi công làm ngay rào chắn tại những khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, dự kiến cuối năm nay, công tác GPMB tại dự án sẽ được hoàn tất. Tới khi đó, vấn đề an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại khu vực mới được giải quyết triệt để.