Lừa đảo qua tin nhắn ngày càng tinh vi

ANTĐ - Lừa đảo bằng tin nhắn điện thoại là một thủ đoạn không mới nhưng thời gian gần đây hoạt động này diễn biến ngày càng tinh vi hơn. Điều đáng nói là các đối tượng bị lừa đảo không chỉ ở thành phố mà còn lan đến cả những người dân ở vùng nông thôn với số tiền không phải là vài trăm nghìn mà đã lên tới hàng chục triệu đồng.
Lừa đảo qua tin nhắn ngày càng tinh vi ảnh 1

1001 các chiêu... lừa

Theo Thanh tra Bộ TT-TT, thời gian qua, lừa đảo qua mạng điện thoại di động có một số hình thức như lừa đảo người sử dụng dịch vụ di động nhắn tin nạp tiền vào các tài khoản game online, tài khoản thuê bao trả trước cho đối tượng lừa đảo… thông qua việc nhắn tin lừa đảo (ví dụ: nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để được tặng 200.000 đồng trong tài khoản). Một hình thức khác là không niêm yết đầy đủ, rõ ràng giá cước các dịch vụ, giá cước tham gia các trò chơi, tham gia bình chọn…; các hình thức tổ chức những chương trình nhắn tin trúng thưởng (ví dụ: nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để có cơ hội trúng điện thoại iPhone…). Thực tế không có bất kỳ ai được trúng thưởng. Trường hợp nếu trúng thưởng thật thì cũng không được thông báo hoặc trao thưởng như quảng cáo. Đây cũng là hình thức lừa đảo phổ biến. 

Một hình thức “lừa” khác nữa là nhắn tin cho người sử dụng dịch vụ nhắn tin để biết kết quả xổ số đặc biệt (chơi lô, đề), nhắn tin để  mời gọi người sử dụng dịch vụ xem thông tin kiểu như  người nào hợp tuổi kết hôn, hợp tuổi làm ăn (ví dụ: Hôm nay K6 dành tặng bạn MAY MẮN CỰC LỚN. Chỉ với 1 tin nhắn bạn nhận ngay CẶP_LÔ_VÀNG về GIẢI ĐẶC BIỆT KQXS. Để nhận KQXS soạn K6 gửi xxxx, chắc ăn 99%). Thực tế, số tiền mỗi thuê bao bị mất từ việc sử dụng dịch vụ tin nhắn không lớn, chỉ từ 15.000 đồng trở xuống nhưng có những người cho rằng mình nhắn chưa đúng lại nhắn lại thành ra số tiền bị mất có khi lên tới vài trăm nghìn đồng. Hơn nữa, với 15.000 đồng/tin nhắn, các cao thủ lừa đã thu một khoản tiền rất lớn từ hàng vạn người sử dụng dịch vụ.

Cao thủ hơn, có những chiêu lừa đảo đề nghị người sử dụng dịch vụ tham gia đấu giá một sản phẩm bất kỳ để có cơ hội nhận tặng phẩm có giá trị cao (ví dụ: Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để tham gia chương trình đấu giá điện thoại Nokia E72. Bạn có cơ hội trúng xe máy Nouvo nếu giá bạn đoán là thấp nhất và duy nhất). Tham gia nhiều người mới vỡ lẽ, tiền của mình đã gửi “lên trời” hoặc vào túi cá nhân nào đó chứ chẳng khi nào trúng được điện thoại hay xe máy. 

Ngoài ra, còn có nhiều tin nhắn quảng cáo với nội dung gây tò mò cho người sử dụng (ví dụ: Có một bạn gái tặng cho bạn bản nhạc chuông ABC, để nhận bản nhạc chuông và biết thông tin người gửi, soạn DGH gửi xxx)… Nhưng đầu đến của tin nhắn này lại là bình chọn cho thí sinh trong một cuộc thi nào đó. Hay bằng cách sử dụng dịch vụ trên các trang web ở nước ngoài, đối tượng đã gắn nhãn tin nhắn bằng các đầu số của doanh nghiệp di động hoặc tên người gửi là tên các mạng di động trong nước. Điều này dẫn đến việc người sử dụng dịch vụ nhầm tưởng đó là dịch vụ của doanh nghiệp di động nên bị lừa.

Sập bẫy lừa

Điển hình nhất trong các nạn nhân của hành vi lừa đảo bằng tin nhắn điện thoại là trường hợp ông Hà Phi Học - Trưởng bản Huồi Muộng, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An. Ngày 15-2-2012, ông Học nhận được điện thoại từ số máy 01666.934.533 vào máy bàn không dây Viettel của gia đình ông, tự nhận là người của Tổng Công ty Viettel, thông báo ông Học đã trúng giải thưởng trị giá 180 triệu đồng trong chương trình quay số ngẫu nhiên. Người gọi cho biết cơ cấu giải thưởng bao gồm một xe máy SH trị giá 110 triệu đồng và 70 triệu đồng tiền mặt. Quá vui mừng, ông Học không hề hay biết là mình đã rơi vào bẫy của bọn lừa đảo. Chúng đã yêu cầu ông mua 15 thẻ điện thoại mệnh giá 100.000 đồng, cào rồi nạp vào số máy 01666.934.533 tiền lệ phí trước bạ đối với chiếc xe máy. Tiếp tục đối tượng này còn yêu cầu ông Học cào thêm 5 thẻ Viettel mệnh giá 100.000 đồng (tương đương 500.000 đồng) gọi là phí vận chuyển xe máy, 2 triệu đồng ủng hộ vào quỹ “Vì người nghèo”, 4 triệu đồng để mời phóng viên đài truyền hình tỉnh đi quay phim, đưa tin... tất cả đều bằng hình thức mua thẻ và nạp vào số điện thoại nêu trên. Ngày hôm sau, với nhiều chiêu bài khác nhau từ hoàn tất hồ sơ, tiền đi lại, tiền công quay phim, chụp ảnh, viết tin bài... đối tượng đã yêu cầu ông Học nạp tổng số tiền lên đến 25 triệu đồng vào tài khoản số 01666.934.533. 

Lừa hàng loạt

Tinh vi nhất hiện nay là các đối tượng sử dụng phần mềm SMS Touch để lừa đảo tới hàng loạt người sử dụng điện thoại. Đây là phần mềm gửi tin nhắn qua Wifi/3G, hiện tại nó được viết cho hệ điều hành iOS trên iPhone và bán trên Apple Store. Chỉ với giá 2,99 USD, các đối tượng lừa đảo có thể gửi được 10 tin nhắn để lừa đảo một lúc. Nếu bỏ ra khoảng 100USD mua phần mềm này thì có thể gửi đến 1.000 tin nhắn. Hiện nay phần mềm này được rao bán nhan nhản trên nhiều trang rao vặt ở Việt Nam với giá từ 250.000 đến 300.000 đồng, hoặc với 550.000 đồng thì có thể gửi được 2000 tin nhắn… Với phần mềm này, từ chiếc máy tính kết nối Internet, chúng có thể sử dụng bất kỳ đầu số nào của các nhà mạng, gửi tin nhắn đến người sử dụng. Chính hình thức này, các đối tượng lừa đảo đã áp dụng với anh Mạnh ở Đà Nẵng, khi giả số điện thoại tổng đài 18001090, nhắn tin thông báo anh Mạnh  trúng thưởng 1 chiếc xe SH. Sau đó, thông qua tin nhắn yêu cầu anh thực hiện các công đoạn nộp tiền để có thể lấy được chiếc xe trúng giải khiến anh Mạnh bị lừa số tiền lên tới 6,2 triệu đồng.

Bên cạnh các hình thức lừa đảo trên, từ đầu năm đến nay, nhiều hình thức lừa đảo nạp tiền qua điện thoại cũng đang nở rộ. Cụ thể, như chiêu lừa đảo nạp tiền qua website, người dùng nạp 200.000 đồng sẽ có 2 triệu đồng tài khoản, hay lừa đảo theo kiểu ăn cắp tài khoản yahoo của người dùng sau đó nhờ bạn bè trong list mua hộ card điện thoại. Ngoài ra, còn có hình thức kẻ lừa đảo giả đầu số tổng đài nạp tiền, sau đó thông báo cho nạn nhân là mình nạp nhầm, xin lại. Điển hình là vụ anh Vũ Đức Trung, ở Minh Khai, Hà Nội nhận được một tin nhắn từ đầu số 195 với nội dung "Quý khách được +30.000 đồng từ số điện thoại 0168505xxxx".

Đang thắc mắc không biết ai bắn tiền vào tài khoản cho mình thì anh Trung thấy tiếp một tin nhắn từ chính thuê bao 0168505xxxx là “Anh chị gì ơi, em chuyển tiền cho bạn em mà lại nhầm số anh chị. Anh chị cho em xin lại với”. Tin là nhầm lẫn, anh Trung soạn tin nhắn chuyển tiền lại cho thuê bao trên. Tuy nhiên, đến lúc kiểm tra tài khoản, anh mới thấy 100.000 đồng mình vừa nạp chỉ còn chưa đầy 70.000 đồng, mặc dù chưa hề thực hiện cuộc thoại nào. Hỏi một vào người bạn, anh Trung mới biết nhiều người đã từng bị lừa như vậy. Thực tế, anh không hề nhận được khoản tiền nào, đầu số 195 cũng là giả mạo. Hay các đối tượng lập ra các fanpage trên mạng xã hội Facebook kêu mọi người đăng ký, xong nạp tiền điện thoại sẽ được hưởng khuyến mãi lớn…

Ngăn chặn bằng cách nào?

Chỉ thị 04 của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son đã nêu rõ: Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động phải nhắn tin vào tất cả các thuê bao thuộc mạng của mình nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng về phòng chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo với nội dung “DN cảnh báo tin nhắn rác: Để tránh bị LỪA ĐẢO, MẤT TIỀN NGOÀI Ý MUỐN, khi sử dụng các dịch vụ qua tin nhắn SMS, đề nghị quý khách tìm hiểu kỹ về GIÁ CƯỚC và DỊCH VỤ”. Chỉ thị cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không nhắn tin phản hồi hoặc làm theo hướng dẫn đối với các tin nhắn không rõ nguồn gốc, có nội dung quảng cáo, mời chào hoặc mạo danh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, không nhắn tin đến các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn nếu bản thân người sử dụng chưa hiểu rõ ràng hoặc không nắm chắc thông tin về dịch vụ và giá cước dịch vụ. Để đối phó với tin nhắn rác, lừa đảo, Thanh tra Bộ TT-TT cho rằng cần thiết phải xây dựng nghị định, quy định quản lý các trò chơi dự đoán trúng thưởng, bình chọn kết quả, quy chế trao giải trúng thưởng, mức giải thưởng trên mạng di động, trên Internet… Xây dựng các quy định quản lý Nhà nước về hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung như việc quy hoạch và cấp đầu số, kiểm duyệt kịch bản nội dung, việc lưu trữ dữ liệu, chế độ báo cáo, các biện pháp chế tài… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thông tin di động phải sớm đưa ra những giải pháp kỹ thuật chống tin nhắn giả mạo được gửi đi từ Internet nhằm giúp người sử dụng phân biệt tin nhắn giả mạo, lừa đảo.

Theo bà Trần Thúy Hạnh, đại diện truyền thông của MobiFone, đối với các trường hợp bị lừa tin nhắn trúng thưởng xảy ra gần đây, phía nhà mạng đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Trong quý I-2012, phía MobiFone cũng đã triển khai hệ thống chặn cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo mới. Nếu như trước đây, các hình thức chặn chỉ áp dụng được với cuộc gọi thì với hệ thống mới này sẽ phát hiện và sàng lọc để chặn tin nhắn giả mạo. Đại diện truyền thông MobiFone cũng khuyến cáo người dùng, khi nhận được tin nhắn nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo nên báo cho nhà mạng để phối hợp làm rõ có phải tin nhắn lừa đảo không. Phía VinaPhone cũng triển khai hệ thống chặn các số liên lạc tương tự số tổng đài của VinaPhone như 18001091, 9191… Đại diện Viettel khẳng định, tất cả các chương trình khuyến mãi, quay số trúng thưởng đều không yêu cầu khách hàng phải cung cấp mã số thẻ cào, nạp tiền. Trong trường hợp nghi ngờ, thuê bao nên gọi trực tiếp lên số của tổng đài để kiểm tra, không nên vội vàng làm theo hướng dẫn qua SMS.

Đối với việc sử dụng phần mềm trên máy tính, trong khi chờ nhà mạng chặn tin rác, nhiều người đã sử dụng phần mềm chuyên chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn. Trong nước hiện đã có 2 phần mềm tiếng Việt có chức năng chặn tin nhắn rác khá hữu hiệu cho người dùng điện thoại di động. Phần mềm Bkav Mobile Security có hỗ trợ tính năng chặn tin nhắn theo nội dung, không phụ thuộc vào số điện thoại gửi. Để loại bỏ tin nhắn quảng cáo, người sử dụng chỉ cần nhập các từ khóa đặc trưng vào bộ lọc như “QC”, “bán sim”, “cá cược”, “lô đề”, “xem bói”… Theo đó, các tin nhắn gửi đến có nội dung chứa các từ khóa này sẽ bị chặn lại. Còn theo Công ty CMC InfoSec, tính năng lọc thư rác (SMS Filter) của phần mềm CMC Mobile Security cho phép chặn tin nhắn rác từ những số điện thoại không mong muốn chỉ với một thao tác đơn giản là đưa số điện thoại đó vào danh sách đen (Blacklist).