Lò gạch gây ô nhiễm tại xã Hồng Hà (Đan Phượng): Hứa mà không làm

ANTĐ - Báo An ninh Thủ đô có bài “Hàng trăm hecta hoa màu bị đầu độc” phản ánh tình trạng một số đầu nậu tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) ngang nhiên xây dựng nhiều lò gạch trái phép ở khu vực bãi nổi sông Hồng gây ô nhiễm môi trường, tàn phá nặng nề hoa màu của cư dân các xã Thạch Đà, Văn Khê, Chu Phan, Hoàng Kim (huyện Mê Linh). Mặc dù UBND xã Hồng Hà đã cam kết sẽ giải quyết dứt điểm các lò gạch này vào cuối tháng 7, nhưng thực tế đến nay mọi sự vẫn y nguyên.

Các lò gạch vẫn tồn tại ở bãi nổi xã Hồng Hà (Đan Phượng)

Tắc trách hay cố tình làm ngơ?

Trong khi những người nông dân ở xã Thạch Đà (Mê Linh) đang khốn khổ nhìn hàng chục hecta chuối của mình từng ngày, từng giờ lụi tàn vì khói lò gạch thì dường như với cán bộ xã Hồng Hà (Đan Phượng), việc này lại nằm ngoài mối quan tâm của họ. Bằng chứng là dù đã tồn tại kể từ đầu năm 2014, những lò này vẫn liên tiếp cho ra nhiều mẻ gạch mà không hề có cơ quan chức năng nào “hỏi thăm”. Trong lần trao đổi với phóng viên ngày 24-7, ông Nguyễn Đình Đà - Chủ tịch xã Hồng Hà nói như đinh đóng cột: “Từ nay đến cuối tháng 7, chúng tôi đảm bảo sẽ dẹp hết các lò gạch trái phép tại khu vực bãi nổi sông Hồng”. Tuy vậy khi phóng viên quay lại nắm tình hình vào ngày 30-7 thì mọi việc vẫn y nguyên. Công nhân vẫn tấp nập vận chuyển gạch, máy móc sản xuất vẫn ầm ì hoạt động suốt ngày đêm và hoa màu của nông dân xã Thạch Đà còn “thảm hại” hơn trước. 

Anh Phạm Văn Dũng trú tại thôn 2 xã Thạch Đà đau xót: “Tuần trước khi các anh về, những cây chuối này còn tươi dù trước đó chúng bị hun khói, nhưng may sau đó có vài trận mưa cứu nguy, cứ ngỡ cả vườn chuối sẽ hồi phục. Ai dè khi các anh về thì hôm sau họ lại nổi lửa. Bây giờ thì mấy mẫu chuối này chết hết cả rồi”. Trong tổng số 7 mẫu đất đấu thầu, hiện nay anh Dũng đã bị mất trắng 2 mẫu đất trồng chuối. Nếu tính chi li từ tiền cây giống, phân bón, tiền thuê nhân công chăm sóc, tiền san lấp mặt bằng và công sức lao động của cả gia đình từ tháng 8 năm ngoái tới giờ, tất cả đã tan theo khói lò gạch. Anh Dũng hạch toán: “Quy ra tiền thì thiệt hại của tôi hiện vào khoảng 170 triệu đồng. Đây là chỉ nói đến những diện tích nằm đúng hướng gió của lò gạch thổi tới. Những diện tích khác chưa bị chẳng qua là do gió chưa đổi chiều. Nếu họ “nổi lửa” thêm 1-2 lần nữa thì gia đình tôi trắng tay”.

Thiệt hại hơn anh Dũng là trường hợp ông Nguyễn Khắc Thủy ở đội 11. Ông Thủy có 14 mẫu chuối cao sản thì 8 mẫu nằm đúng hướng “gió độc”. Trúng cơn gió này chỉ trong vòng vài ngày, vườn chuối của ông Thủy lụi sạch với tổng thiệt hại lên tới gần 600 triệu đồng. Hay như anh em ông Phùng Viết Hào, Phùng Viết Thanh, Nguyễn Hữu Mận ở đội 19 chung nhau diện tích lên tới gần 50 mẫu thì nay cũng coi như mất trắng 50%. Ông Phùng Viết Sáu -  Đội trưởng đội bảo vệ nông nghiệp xã Thạch Đà nói như khóc: “Tất cả những hộ nào của xã Thạch Đà ra đây đấu thầu thuê đất làm nông nghiệp không ít thì nhiều đều bị ảnh hưởng bởi khói lò gạch. Người thiệt hại ít nhất vào khoảng 100-200 triệu đồng. Người nhiều thì 500-700 triệu đồng”. 

Những vườn chuối đã lụi tàn của người dân xã Thạch Đà (Mê Linh)

Trâu bò cũng gặp họa?!

Không tin vào lời hứa của cán bộ xã Hồng Hà, lần này chúng tôi tìm gặp trực tiếp ông Nguyễn Đức Nam – Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Đan Phượng để chất vấn về thực trạng này. Tuy nhiên ông Nam lại ủy quyền cho nhân viên của mình là ông Nguyễn Minh Tuấn – cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường làm việc với phóng viên. Ông Tuấn cho biết, ngay sau khi phóng viên đặt vấn đề về sự tồn tại của những lò gạch tại xã Hồng Hà thì buổi chiều cùng ngày, cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường sẽ xuống tận nơi thị sát và làm việc với UBND xã nhằm giải quyết dứt điểm. Cũng theo ông Tuấn, ngay từ đầu tháng 7, Thanh tra xây dựng huyện đã rà soát và báo cáo UBND huyện Đan Phượng về các lò gạch thủ công tại khu vực bãi nổi và UBND huyện cũng đã có công văn yêu cầu lãnh đạo các xã Liên Hà, Liên Hồng, Hồng Hà xử lý nghiêm các lò gạch này và phải kiểm điểm trách nhiệm vì để xảy ra tái phạm đun đốt gạch trái phép. Tuy nhiên chỉ có 2 xã Liên Hà và Liên Hồng là xử lý dứt điểm còn lại xã Hồng Hà vẫn để dây dưa đến giờ.

Cũng theo ông Tuấn thì trong buổi làm việc với Phòng TN&MT huyện Đan Phượng, ông Nguyễn Đình Đà - Chủ tịch xã Hồng Hà đã ký cam kết sẽ giải tỏa và tháo dỡ hết các lò gạch này trước ngày 7-8. Và trong khi ông Đà tiếp tục cam kết thì chúng tôi nhận được điện thoại của ông Nguyễn Văn Toàn ở đội 18 thay mặt cho các hộ nông dân chăn nuôi xã Thạch Đà cho biết: “Hiện đàn gia súc gồm hơn 300 con bò của xã nhiều khả năng sẽ phải tan đàn vì toàn bộ nguồn thức ăn ở khu vực bãi nổi đã bị khói lò gạch triệt hạ. Nếu họ vẫn để lò gạch hoạt động thì không chỉ hoa màu chết mà ngay cả trâu bò của dân cũng chẳng còn gì để mà ăn”.