Chế tài đã có, chỉ cần phạt nghiêm

ANTĐ - Sau khi Báo An ninh Thủ đô đăng loạt bài “Vỉa hè trước cửa, cứ tưởng của mình” phản ánh về tình trạng vi phạm trật tự đô thị diễn ra khá phổ biến trên địa bàn Thủ đô, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi đáng chú ý của những người có liên quan.

Để tránh xe máy, bếp lò người đi bộ phải đi xuống lòng đường

Tạo điều kiện kinh doanh trong ngõ

Trên địa bàn phường Tràng Tiền có 12 tuyến phố văn minh đô thị không cho phép kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, trong đó một số tuyến như phố Tràng Tiền, Hàng Khay… nghiêm cấm các phương tiện dừng đỗ xe trên lòng đường, vỉa hè. Để đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn phường, UBND quận Hoàn Kiếm đã cho phép một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách ở ngõ Tràng Tiền được bán hàng ăn buổi trưa các ngày trong tuần (khoảng từ 9h-13h). Và trên thực tế, giải pháp này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tình trạng bán hàng ăn hầu như không xuất hiện trên các tuyến phố chính, cảnh quan đô thị tại khu vực được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, ở một vài điểm như phố Đinh Lễ, việc bày bán sách, bán hàng rong trên vỉa hè, dừng đỗ xe sai quy định vẫn xảy ra trong một vài thời điểm nhất định, ảnh hưởng đến việc đi lại của khách bộ hành. Để giải quyết triệt để vấn đề này, CAP đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát, giao lực lượng tự quản khu dân cư cử người chốt trực theo ca, nhắc nhở tuyên truyền các hộ kinh doanh, thông báo về CAP những trường hợp cố tình vi phạm để xử lý kịp thời. Theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP, CAP đã xử lý nhiều trường hợp có hành vi vi phạm đỗ xe sai quy định, bán hàng rong… với mức 150.000 đồng/hành vi vi phạm.

Trung tá Nguyễn Đăng Vinh(Trưởng CAP Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm)

Nhiều hành vi vi phạm bị phạt tiền

Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 30 triệu đồng, trong đó hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông.

Về chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố làm nơi trông giữ xe tùy theo diện tích chiếm dụng có thể bị phạt tới 30.000.000 đồng.

Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng, biển quảng cáo, thu dọn vật liệu, chất phế thải, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Trước tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường tràn lan trên địa bàn Hà Nội hiện nay, có thể nói, Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung với nhiều mức phạt được điều chỉnh và hướng dẫn cụ thể, đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm do thay đổi nhiều trong mức xử phạt cho từng hành vi, trường hợp, đối tượng vi phạm cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh và thu nhập…

Luật sư Hoàng Huy Được(Đoàn Luật sư Hà Nội)

Nghiêm cấm việc chiếm dụng diện tích sử dụng chung

Hiện nay, UBND phường được tạm giao quản lý 12/18 tòa nhà tại khu tái định cư Nam Trung Yên. Ngoài ra, việc quản lý trực tiếp khu tái định cư này còn thuộc Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị. Trước thông tin phản ánh tại một số khu nhà, người dân chiếm dụng diện tích công cộng để trồng rau, nuôi gà, bán hàng, UBND phường sẽ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm UBND phường sẽ nhắc nhở, lập biên bản đối với cá nhân vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định. 

Do đây là khu vực phường được tạm giao nên công tác quản lý còn nhiều khó khăn vướng mắc. Nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh như trục trặc về điện, nước, thang máy... thuộc trách nhiệm của Xí nghiệp quản lý dịch vụ, song không được đơn vị này khắc phục nhanh chóng và triệt để đã khiến nhiều người dân bức xúc. Bên cạnh đó, hầu hết người dân sống trong các khu nhà này là dân tái định cư, điều kiện sống gặp nhiều khó khăn, có hộ dân đã làm đơn gửi chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ cho phép họ sử dụng diện tích sử dụng chung để  kinh doanh song vấn đề này không thuộc thẩm quyền của UBND phường. Do đó, quan điểm của lãnh đạo phường là triệt để xử lý mọi vi phạm liên quan đến vấn đề trật tự đô thị trên địa bàn. 

Ông Nguyễn Hải Đăng (Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy)