Bị tố cáo, "quan xã" cuống cuồng mang tiền trả người dân (2)

ANTĐ - Nắm bắt được thông tin người dân đâm đơn tố cáo, cán bộ xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã lập tức mang tiền xuống trả người dân, tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa khép lại...
Quan xã cuống cuồng cầm tiền trả dân
Ngày 1-7-2014 ông Vui, trưởng thôn 9 đích danh đứng đơn, gửi tới các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng và huyện Vĩnh Bảo. Thông tin nhanh chóng được “báo” về lãnh đạo xã Việt Tiến. Ông Lê Minh Châu - Chủ tịch UBND xã và ông Trịnh Văn Yêu - Phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp đã cuống cuồng mang tiền xuống các thôn trả dân… nhưng chưa xong.

Cũng theo ông Vui, sau khi có đơn đại diện chính quyền xã Việt Tiến không ít lần gặp ông thương thảo nhưng ông Vui không đồng ý. Đến nay, 23 hộ dân thôn 9 trồng ớt vụ Đông 2013 với tổng diện tích 35 sào tương ứng với gần 16 triệu đồng tiền hỗ trợ đã được cán bộ xã cầm xuống trả đủ; ngoài số tiền buộc phải trả thôn 9, cán bộ xã cũng đã trả đủ tiền hỗ trợ cho 21 hộ ở thôn 10 với số tiền trên 7 triệu đồng. Riêng người dân thôn 7, cán bộ xã mới trả được trên 13 triệu đồng, nhưng không phải ở mức giá thành phố quy định 500.000 đồng/sào như 2 thôn 9 và 10 mà chỉ trả có 200.000 đồng/sào. Hiện các hộ trồng ớt ở thôn 5, 6, 8 đang chờ câu trả lời của lãnh đạo xã Việt Tiến về khoản tiền thành phố hỗ trợ con giống.

Bị tố cáo, "quan xã" cuống cuồng mang tiền trả người dân (2) ảnh 1
Bà Trần Thị Điệu ngạc nhiên khi được biết tin bà nằm trong danh sách các hộ trồng ớt với diện tích lên tới gần 1.000m2


Ông Phạm Văn Khới - Bí thư chi bộ thôn 7 cho biết: "Sở dĩ đến thời điểm này chính quyền chỉ trả dân được 13 triệu vì ông Lê Minh Châu – Chủ tịch UBND xã Việt Tiến và một số cán bộ cùng công ty giống cây trồng X xuống xin dân chỉ trả 200.000đ/sào, thay vì 500.000đ theo quyết định. Sau khi biết chuyện, người dân thôn 7 không chấp nhận, đang kiến nghị đòi nốt 300.000 đồng còn lại".

Ông Nguyễn Văn Liểu (65 tuổi, trú tại thôn 7) khẳng định, gia đình ông trồng 3 sào ớt nhưng mới được lãnh đạo xã trả 200.000 đồng/sào và bản thân ông Liểu nhận nhưng không biết đây là tiền gì vì cán bộ xã không giải thích. “Các anh về hỏi thì tôi mới biết đó là tiền thành phố hỗ trợ cây con giống. Chuyện này không xong, chúng tôi sẽ kiến nghị đòi số tiền còn lại vì đây là chính sách của Đảng, Nhà nước. Không thể để cán bộ xã xà xẻo tiền hỗ trợ dân bỏ túi”, ông Liểu nói.

Bà Trịnh Thị Chăng (46 tuổi) cùng thôn với ông Liểu là hộ có diện tích trồng ớt lớn nhất trong xã ngỡ ngàng cho hay: “Gia đình tôi trồng gần 10 sào ớt nhưng cũng chỉ được xã trả có 200.000 đồng/sào”.

Choáng với diện tích lập khống!

Theo ông Vui, Trưởng thôn 9, con số chính thức về diện tích lập khống để rút tiền hỗ trợ của nhà nước mà cán bộ xã Việt Tiến và các bên liên quan lập là rất lớn, phải lên đến 100 sào, tương ứng với số tiền ăn chặn trên dưới 100 triệu đồng, bao gồm tiền cây giống và tiền phân đạm. Thôn có diện tích lập khống lớn nhất là thôn 7 bởi có sự tiếp tay của vị trưởng thôn.

Ông Phạm Văn Khới – Bí thư chi bộ thôn 7 cho biết, diện tích thực trồng của thôn ông là gần 110 sào, trong đó có 67 sào trồng trước thời điểm ông Chủ nhiệm HTX công bố thông tin. Trong khi đó báo cáo của UBND xã Việt Tiến lập và công bố thôn 7 có trên 180 sào trồng ớt. Như vậy, tại thôn ông Khởi, diện tích trồng ớt đã bị UBND xã Việt Tiến khai khống trên 70 sào.

Bà Trịnh Thị Chăng cho biết số phân bón còn thừa sau khi ông Tuyến phát cho các hộ trồng ớt đã được ông này chuyển về nhà bà Chăng gửi nhờ

Ngày 27-7, tại cuộc họp đột xuất của chi bộ thôn 7 để làm rõ vấn đề này, nhiều đảng viên bức xúc truy vấn vị trưởng thôn Nguyễn Văn Tuyến. Ông Tuyến đã thừa nhận việc khai tăng có gần 20.000m2 (tương đương khoảng 55 sào). Riêng số phân bón đi kèm số diện tích trồng ớt khai khống ông Tuyến cho biết để ở nhà văn hóa, sau đó chuyển đến nhà bà Trịnh Thị Chăng.

Theo quyết định hỗ trợ phân bón của thành phố, mỗi một sào trồng ớt được hỗ trợ 22,6kg phân bón (bao gồm: 12,6kg phân vi sinh, 3,3 kg đạm u rê, 3,3 kg phân lân và 3,4 kg kali) tương đương 214.000 đồng. Như vậy, riêng thôn 7 với số diện tích khống theo lời thú nhận của ông Tuyến thì số tiền cây giống, phân bón lên tới hàng chục triệu đồng được rút ra, ai là người thừa hưởng?

Chiều 30-7, bà Trịnh Thị Chăng (44 tuổi, trú tại thôn 7) thừa nhận, số phân bón thừa, ông Nguyễn Văn Tuyến - trưởng thôn 7 có đề nghị được chuyển về nhà bà gửi nhờ. Bà Chăng cho biết, khoảng tháng 10-2013, ông Tuyến nhận số phân bón về tập kết tại nhà văn hóa thôn cấp phát cho người dân trồng ớt. Sau khi phát xong, còn lại 38 bao vi sinh (20kg/bao), 3 bao đạm u- rê (50kg/bao), 3 bao lân Lâm Thao (50kg/bao) và 3 bao kli (50kg/bao) ông Tuyến bảo bà Chăng chuyển về nhà. Nếu người dân có nhu cầu thì nhờ bà Chăng phát cho dân.

Để hợp thức hóa số diện tích khai khống, lập khống cán bộ xã Việt Tiến tự ý đưa các hộ dân không trồng và không có nhân lực, điều kiện trồng vào danh sách hưởng trợ cấp, sau đó tự ký. Chúng tôi tìm đến hộ ông Nguyễn Minh Đước (78 tuổi, thôn 7) người có tên trong danh sách các hộ trồng ớt với số diện tích xã lập 987m2. Vợ chồng ông Đước khẳng định, gia đình được nhà nước giao cho 2,14 sào ruộng để trồng cấy nhưng ở vị trí trũng, hễ mưa là ngập, do đó, 3 năm nay gia đình đã bỏ nghề trồng ớt. “Vụ ớt Đông 2013 vợ chồng tôi không trồng ớt .Việc ai lập khống, khai khống và giả mạo chữ ký của gia đình tôi thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Đước nói.

Tiếp đến là hộ bà Trần Thị Điệu cũng ở thôn 7. Bà Điệu bị mù, nhà chưa một lần trồng ớt cũng được xã tự ý đưa vào danh sách với số diện tích gần 1.000m2. “Tôi bị mù đi lại hoàn toàn phải nhờ con, nhờ cháu thì trồng sao được”- bà Điệu chua chát nói.   

Chính quyền xã bao biện (!?)

Bị tố cáo, "quan xã" cuống cuồng mang tiền trả người dân (2) ảnh 3
Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến, ông Phạm Văn Nền trả lời báo chí về vụ việc người dân làm đơn tố cáo cán bộ xã


Sáng 30-7, ông Trịnh Văn Yêu – Phó Chủ tịch UBND xã Việt Tiến phụ trách nông nghiệp xác nhận, có vụ việc nêu trên nhưng phía xã đang chờ đoàn thanh tra của UBND huyện Vĩnh Bảo. “Cụ thể thế nào tôi không dám trả lời trừ phi được ông Châu cho phép. Các anh muốn biết rõ thì liên hệ với chủ tịch Châu”, ông Yêu nói.

Chiều cùng ngày, chúng tôi quay lại trụ sở xã, Bí thư Đảng Ủy xã ông Phạm Văn Nền trả lời: “Chủ trương bên Đảng nắm được rồi. Một số khiếm khuyết có rồi. Thôn có nhiều, thôn có ít. Đảng ủy đang đợi báo cáo giải trình từ phía UBND và HTX nhưng chưa thấy trả lời. Đến thời điểm này chưa thể khẳng định cán bộ “ăn chặn” và “lập hồ sơ khống”. Quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy xã là đề nghị chính quyền cùng với doanh nghiệp xuống đàm phán với dân”...