45 ki-ốt “mọc” trên đất mở đường

ANTĐ - Thời gian gần đây, vỉa hè giáp quốc lộ 70 thuộc khu đô thị mới Đại Thanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bỗng dưng “mọc” lên 45 ki-ốt. Người dân nơi đây hết sức bức xúc bởi dãy ki ốt này được xây dựng trên đất quy hoạch mở đường giao thông.

Dãy ki-ốt hiện diện ngay mặt tiền khu đô thị mới Đại Thanh

Tiện thì có tiện, nhưng…

Có mặt tại khu vực trên sáng 19-8 chúng tôi có thể dễ dàng tìm thấy dãy ki ốt nằm sát cổng Khu đô thị Đại Thanh, chắn ngang mặt tiền của các tòa nhà CT10A, CT10B, CT10C. Hiện có 45 ki ốt đang được Ban quản lý dự án khu đô thị (BQLDAKĐT) Đại Thanh cho thuê để bán thực phẩm, quần áo, hàng gia dụng, cửa hàng làm tóc…

Ông L.V.T sống tại khu vực này cho biết, từ khi có dãy ki ốt, người dân trong khu đô thị thuận tiện hơn trong việc mua bán thực phẩm hàng ngày, không mất thời gian đi xa như trước. Tuy vậy, các hộ dân băn khoăn về tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự có nguy cơ phát sinh từ dãy     ki-ốt này. Bên cạnh đó, từ khi dãy ki ốt được xây dựng, toàn bộ phần vỉa hè thuộc mặt tiền của khu chung cư đã biến mất. Người dân đi bộ qua khu vực này thường xuyên phải đi xuống lòng đường. Diện tích sử dụng chung trong khu đô thị dành cho người dân dạo chơi, tập thể dục vốn đã hẹp nay lại càng bị thu hẹp. Hơn nữa, “chợ tạm” nằm ngay trước khu đô thị cũng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan khu vực này.

Được biết, giá thuê mỗi ki ốt là 2,5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước, tiền bảo vệ và phí vệ sinh. Diện tích trung bình của mỗi ki ốt từ 12-13 m2. Như vậy, trung bình mỗi tháng, riêng tiền thuê ki ốt, Ban QLDA KĐT Đại Thanh đã thu về hàng trăm triệu đồng. 

Theo một số tiểu thương đang kinh doanh tại đây, điều khiến họ lo lắng nhất là thời gian được phép tồn tại của các ki ốt. Bởi theo quy hoạch, dãy ki ốt thuộc phần diện tích cần giải phóng mặt bằng để mở đường 70 nên có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. 

“Nhường” chỗ cho ki-ốt, người dân phải đi xuống dưới lòng đường

Ki ốt chỉ tồn tại tạm thời

Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Ngọc Hanh – Giám đốc BQLDAKĐT Đại Thanh. Trả lời câu hỏi: “Vì sao tồn tại một chợ tạm trên diện tích vỉa hè thuộc khu đô thị”, ông Phạm Ngọc Hanh phủ nhận: “Đây không phải là chợ tạm mà chỉ là những gian bán hàng với quy mô nhỏ, được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của trên 4000 hộ dân đang sinh sống tại khu đô thị. Trước đây khi chưa có dãy ki ốt này, nhiều người bán hàng rong thường xuyên ra, vào khu đô thị bày bán thực phẩm, tạo ra hình ảnh nhếch nhác và lộn xộn”. Cũng theo ông Phạm Ngọc Hanh, mặc dù phần diện tích đất dùng để xây dựng ki ốt thuộc đất quy hoạch đường giao thông song trong thời gian chờ dự án trển khai, Ban QLDA – được phép sử dụng diện tích này. “Trước khi cho thuê ki ốt chúng tôi đã nói rõ, sự tồn tại các ki ốt này chỉ là tạm thời. Khi Nhà nước thu hồi đất để làm đường, việc thuê ki ốt cũng chấm dứt. Do đó tiền thuê chỉ được thu theo tháng”-ông Phạm Ngọc Hạnh nói.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại khu vực, Ban QLDA  đã làm việc với Công ty môi trường đô thị huyện Thanh Trì, chính quyền địa phương và một số cơ quan liên quan để phối hợp và giải quyết kịp thời các sự cố phát sinh. Mặc dù từ khi các ki ốt mở cửa, tại khu vực này chưa xảy ra vấn đề gì phức tạp liên quan đến ANTT, song để đảm bảo mỹ quan trong khu đô thị, sắp tới, Ban QLDA sẽ xem xét, chấn chỉnh, siết chặt lại hoạt động của các ki ốt, đặc biệt là không cho người lưu lại qua đêm.

Về giấy phép xây dựng dãy ki ốt này, ông Phạm Ngọc Hanh cho biết, đây không phải là khu chợ nên khi xây dựng, Ban QLDA chỉ báo cáo với đơn vị chủ quản. Số tiền thu được từ việc cho thuê ki ốt Ban QLDA dùng để chi trả phí vệ sinh, tiền điện nước và tiền nhân công quản lý…

Xây dựng chợ trong các khu đô thị nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu về thực phẩm của người dân là cần thiết. Song vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và thể hiện trên quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, việc 45 ki ốt được xây dựng trên đất dành để mở đường tại khu đô thị Đại Thanh là điều khó chấp nhận.