Thói quen đường làng mang sang quốc lộ: Cần những “liều thuốc” đặc trị

ANTĐ - Trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, TNGT trên cả nước đặc biệt là ở những vùng nông thôn, ngoại thành tăng vọt. Trước thực trạng này, đòi hỏi cần phải có “liều thuốc” đặc trị đủ mạnh mới mong kiềm chế và đẩy lùi TNGT.

CSGT được tăng cường hỗ trợ cho CAH tham gia xử lý vi phạm chở cồng kềnh tại thị xã Sơn Tây

85% TNGT xảy ra ở ngoại thành

Theo thống kê của UBATGT Quốc gia, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ, cả nước đã xảy ra 373 vụ TNGT, làm chết 314 người khiến 387 người bị thương. Mặc dù so với Tết Nhâm Thìn 2012, số vụ TNGT có giảm 10 vụ nhưng lại tăng tới 34 số người chết và bị thương. Đại diện UBATGT Quốc gia phân tích, có tới 85% số vụ TNGT xảy ra trên các tuyến đường liên thôn, xã, huyện. 100% vụ TNGT là giữa xe máy với xe máy và 70% là do điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia. Đại tá Đào Vịnh Thắng Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội cho biết, riêng trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 7 vụ TNGT làm 8 người chết và 5 người bị thương. Có tới 7/8 vụ xảy ra ở các huyện ngoại thành gồm thị xã Sơn Tây,  huyện Ba Vì, Chương Mỹ và Thường Tín. 

Con số 85,7% vụ TNGT xảy ra ở các huyện ngoại thành Hà Nội không khiến ai bất ngờ. Trung tá Nguyễn Văn Tài - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm và điều tra, xử lý TNGT, Phòng CSGT khẳng định: “Hệ thống đường giao thông tại các huyện hiện nay khá tốt. Ngay cả các đường liên thôn, liên xã nhiều nơi cũng được mở rộng, bê tông hóa. Câu trả lời không gì khác ngoài ý thức người tham gia giao thông ở những nơi này là quá yếu kém”.

Đồng tình với nhận xét của Trung tá Nguyễn Văn Tài, Trung tá Văn Huy Vũ - Đội trưởng Đội CSGT CAH Thường Tín bổ sung, Tết Quý Tỵ 2013 vừa qua là một thử thách lớn đối với CSGT CAH Thường Tín bởi năm 2012 là năm đầu tiên mô tô, xe máy được dồn từ Pháp Vân - Cầu Giẽ sang Quốc lộ 1A. Với chiều dài hơn 17km đi qua địa bàn huyện, mặt đường nhỏ hẹp; vi phạm về lấn chiếm hành lang ATGT và không có thiết bị chiếu sáng về ban đêm… đã khiến TNGT trên địa bàn gia tăng. Riêng trong ngày 29 Tết, Thường Tín xảy ra tới 3 vụ làm 4 người chết, lỗi chủ yếu do không chú ý khi điều khiển phương tiện. Còn địa bàn huyện Phú Xuyên từ ngày 16-1 đến 16-2 cũng xảy ra 6 vụ khiến 8 người chết và bị thương, trong đó có tới 3 vụ tại đường liên xã, chiếm 2/3 số người chết, bị thương.

Tăng trách nhiệm, san sẻ khó khăn

Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng - Đội trưởng Đội CSGT CAH Đan Phượng phân tích, lực lượng CSGT huyện hiện nay mỏng, không đủ sức để vươn tới xử lý thường xuyên tại các tuyến đường liên xã, liên huyện cũng là nguyên nhân dẫn tới việc “nhờn” luật và gia tăng tình trạng vi phạm. Chưa kể công tác phối hợp giữa CSGT và các lực lượng khác như CAX, TTGT ở nhiều huyện còn yếu kém. Đại tá Đào Vịnh Thắng cho hay, nhìn ra hạn chế này, từ năm 2012, Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo Phòng CSGT tổ chức ký cam kết đảm bảo ATGT với hàng loạt CAH ngoại thành. Cụ thể, các đội CSGT thuộc phòng sẽ phối hợp, hỗ trợ CSGT CAH trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Không chỉ trên các tuyến quốc lộ, những tổ công tác phối hợp này còn tổ chức tuyên truyền, xử lý tại đường liên huyện, liên xã. Đặc biệt, ngay sau Tết, trước tình trạng “nóng” lên về TNGT, yêu cầu này tiếp tục được người đứng đầu CATP chỉ đạo lực lượng CSGT thực hiện nghiêm túc, coi đây là một trong những giải pháp đem lại hiệu quả tích cực, lâu dài. 

Lấy dẫn chứng ngay tại đơn vị mình, Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2012, trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng phóng nhanh, lạng lách. TNGT chỉ xảy ra 13 vụ, giảm cả 3 tiêu chí. Dù thời điểm áp Tết, số người dân đi làm ăn xa ở các nơi về quê ăn Tết nhiều, hoạt động mua bán, đi lại gia tăng nhưng TTATGT tiếp tục được giữ vững, không để xảy ra TNGT. Có được thành tích này là nhờ vào công tác phối hợp giữa CSGT thuộc CAH và Đội CSGT số 9 Phòng CSGT. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền tới tất cả người dân nhất là học sinh, thanh thiếu niên, sự liên kết giữa các lực lượng đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đẩy lùi TNGT. 

Còn Trung tá Phùng Văn Tiến - Đội phó Đội CSGT CAH Ba Vì nhận xét: “Không những lực lượng mỏng, CSGT ở CAH nhiều khi còn gặp những cái “vướng” khác như mối quan hệ họ hàng làng xã. Việc huy động lực lượng CAX hỗ trợ cũng ít và chưa đạt được kết quả như mong muốn một phần cũng bởi nguyên nhân trên. Có sự hỗ trợ của Phòng CSGT đã giúp san sẻ, giải quyết những khó khăn cho lực lượng ở cơ sở”. Trung tá Đỗ Thành Đức - Đội trưởng CSGT Công an thị xã Sơn Tây cũng thông tin, giống như CAH Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Công an thị xã Sơn Tây vừa ký kết Kế hoạch số 16 với Đội CSGT số 9 về tăng cường công tác phối hợp, tuần tra đảm bảo ATGT. Chọn 2 ngày cuối tuần là thời điểm lưu lượng người tham gia giao thông gia tăng, Đội CSGT số 9 sẽ đưa CBCS vào hỗ trợ CSGT của thị xã xử lý vi phạm. Chưa hết, việc kết hợp giữa 3 lực lượng CSGT, CSCĐ, CSHS như mô hình các tổ 141 cũng được đơn vị triển khai, đem lại hiệu quả tích cực. Từ ngày 1-1 vừa qua, thay vì 2 buổi/tuần, các tổ xử lý phối hợp này sẽ được nâng lên thành 3 buổi. Trung tá Đỗ Mạnh Ninh - Đội trưởng Đội CSGT số 8 cho biết, ngay sau Tết, đứng trước sự gia tăng số vụ TNGT ở các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, đơn vị đã ký lại cam kết hỗ trợ đảm bảo ATGT với CSGT của 2 huyện này. Một tuần có 3 buổi tuần tra xử lý chung cả quốc lộ và đường liên huyện, tỉnh lộ. Tùy theo tuyến đường và thời điểm lực lượng phối hợp này sẽ triển khai đến 22h đêm. “Tình trạng vi phạm giảm hẳn từ khi có quân của Phòng CSGT xuống hỗ trợ” - Trung tá Văn Huy Vũ - Đội trưởng Đội CSGT CAH Thường Tín thông báo.

Trung tá Bùi Văn Tiến - Đội trưởng Đội CSGT số 10 bày tỏ, CAH phải chủ động, chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo ATGT trên địa bàn mình phụ trách. Hiện Đội CSGT số 10 đã tổ chức ký cam kết phối hợp hỗ trợ các CAH, CAX nằm trên dọc trục Quốc lộ 21B trong việc tuần tra xử lý vi phạm. Ngoài ra, đơn vị còn tham mưu cho CAH tổ chức ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông cho tất cả gia đình có số thanh thiếu niên biểu hiện chậm tiến hoặc vi phạm tại địa phương. Điều này sẽ “trói” được trách nhiệm của gia đình và chính quyền địa phương trong việc quản lý, giáo dục con em khi tham gia giao thông, đồng thời cũng nâng cao tính chủ động, hiệu quả lâu dài cho lực lượng CSGT cơ sở. “Một khi cả hai mặt công tác tuyên truyền và xử lý được đẩy mạnh, thì chắc chắn ý thức người tham gia giao thông sẽ tốt lên; việc phòng ngừa, làm giảm TNGT sẽ đạt kết quả cao” - Trung tá Tiến khẳng định.