TP.HCM: Đường trên cao 10 năm chờ đợi

ANTĐ - Để giải quyết nạn ùn tắc, quá tải phương tiện và giảm 10% số vụ TNGT, TP.HCM từ đầu năm đã dành vốn cho rất nhiều công trình giao thông trọng điểm. Tuy nhiên các tuyến đường trên cao - một giải pháp cấp thiết có thể giải bài toán áp lực giao thông được lập quy hoạch và tái khởi động đến lần thứ ba vẫn chưa tìm được lối ra.
Dự án vẫn trên... giấy
Ý tưởng đường trên cao được TP.HCM xây dựng từ năm 2002 nhưng mãi đến 2007 mới chính thức được quy hoạch, định hình 4 tuyến đường trên cao liên thông nhằm giải quyết triệt để ùn tắc ở các trục có lưu lượng phương tiện lớn. Tuyến số 1 dài 8,5km bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tuyến 2 dài 10km nối tuyến số 1 tại đường Tô Hiến Thành nối dài, đến Lữ Gia - Bình Thới - Lạc Long Quân - đường vành đai 2. Tuyến 3 dài 7,2km cũng nối tuyến 2 tại đường Tô Hiến Thành theo đường Lê Hồng Phong nối dài, đi Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Lê Văn Lương - Nguyễn Văn Linh. Tuyến số 4 dài 7,7km từ nút giao thông Bình Phước theo Quốc lộ 13 vượt sông Sài Gòn - đường Vườn Lài - Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh - Điện Biên Phủ nối vào tuyến số 1. 
2 trong 4 tuyến đường được cho là “ngon ăn” nhất sau khi triển khai đều bị bỏ ngang vì nhiều lý do. Với mục tiêu giảm áp lực quá tải cho đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu, Điện Biên Phủ... làm nhiệm vụ kết nối giao thông từ sân bay Tân Sơn Nhất, khu Tây Bắc với trung tâm hiện hữu và khu đô thị mới Thủ Thiêm, tuyến số 1 đã nhanh chóng thu hút đầu tư, song chỉ thời gian ngắn dù không gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Công ty GS E&C (Hàn Quốc) vẫn xin rút vì khó khăn về vốn. Các năm tiếp theo, các đối tác Nhật Bản, Hồng Kông cũng rút lui vì phương án đầu tư được đánh giá kém hiệu quả, thiếu khả thi. 
Tương tự, dự án tuyến số 2 được Tập đoàn Wijaya Baru Global Berhah (Malaysia) lập báo cáo nghiên cứu khả thi và ký thỏa thuận với UBND TP.HCM đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên đường trên cao số 2 vẫn “tắc” do vướng nhiều khu dân cư, đặc biệt là quy hoạch ga Hòa Hưng và tuyến đường sắt quốc gia khiến chi phí giải phóng mặt bằng cao gấp 4 lần so với đầu tư, lên đến hàng tỷ USD nên nhà đầu tư bỏ cuộc.

TP.HCM: Đường trên cao 10 năm chờ đợi ảnh 1
Dự án đường trên cao giải quyết nạn ùn tắc vẫn chưa được thực hiện
Thúc đẩy các giải pháp
Trong khi tình hình giao thông TP.HCM ngày càng phức tạp, tình trạng ùn tắc liên tục tại 165 điểm đen và đang phát sinh nhiều điểm mới, thì việc xây dựng các tuyến đường trên cao là vô cùng cần thiết. Ông Nguyễn Hữu Chánh, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Sở GTVT TP.HCM cho biết: Chi phí đầu tư đường trên cao quá lớn, gần 50.000 tỷ đồng, nay chi phí tiếp tục phát sinh từ khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, nhiều dự án như 1, 4 đã tăng gấp 3 lần so với dự toán duyệt lại năm 2009, trong khi vốn ngân sách thành phố hạn hẹp. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án đường trên cao đến nay vẫn chưa khởi động. 
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, TP.HCM đã yêu cầu các nhà tư vấn điều chỉnh lại quy hoạch các tuyến đường trên cao, để những phương án mới sẽ giúp tận dụng được lộ giới của đường hiện có, giảm chi phí đền bù, tuyến đường cũng ngắn hơn… Theo ông Vũ Xuân Hòa, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Bách Khoa, muốn kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT hay PPP thì TP.HCM phải có quỹ đất dồi dào và có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư hoàn vốn trong 20 năm, người dân cũng phải chấp nhận chi trả cho dịch vụ cầu đường với mức phí khá cao. 
Song song đó, TP.HCM nên học tập Hà Nội đẩy nhanh xây dựng một số đoạn đường trên cao hay cầu vượt bằng vật liệu nhẹ để giảm áp lực lưu thông tại các nút giao thông trọng điểm như Điện Biên Phủ từ vòng xoay Hàng Xanh đến quận Thủ Đức, từ bùng binh Lăng Cha Cả đi Hóc Môn, đường Hùng Vương về miền Tây… Có vậy, các dự án đường trên cao sẽ sớm thành hiện thực.