Quảng Ngãi:

Ngư dân đuối nước nhiều, phao cứu nạn vẫn chưa đến tay

ANTĐ - Trước tình trạng tử vong hay mất tích do đuối nước trên biển ngày càng nhiều, đầu tháng 5-2013, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho anh Đỗ Cẩm Linh ở TP Quảng Ngãi về việc sáng chế chiếc phao cứu nạn trên biển. Tuy nhiên, hiện nay loại phao cứu nạn hữu ích trên biển này vẫn chưa được đến tận tay ngư dân.

Ông Võ Mới (51 tuổi) ở thôn Tân, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa nay là TP Quảng Ngãi từng là một kình ngư trên vùng biển Hoàng Sa, nhưng ông đã bỏ nghề gần 10 năm nay vì bất lực và ám ảnh khi tận mắt thấy 9 ngư dân ở cùng quê tử vong do đuối nước trong cơn bão Chan Chu xảy ra vào năm 2006. Vừa qua, được sự giúp đỡ của Nhà nước ông Mới đã đóng lại chiếc tàu để ra khơi.

Điều đầu tiên chuẩn bị cho chuyến ra khơi sau gần 10 năm này là ông đã tự trang bị cho mình một chiếc phao cứu nạn hữu ích. Ông Mới cho biết: nếu có chiếc phao này trong bão Chan Chu thì chắn chắc 9 ngư dân sẽ không chết thảm như vậy…Chính vậy, tôi đã mua chiếc phao cứu nạn này với giá 1.5 triệu đồng để bảo vệ tính mạng cho mình khi ra biển. Tuy nhiên với giá cao như thế tôi không thể trang bị hết cho tất cả lao động trên thuyền. 

Cũng như ông Mới, để đảm bảo tính mạng cho mình thuyền trưởng Trần Văn Triết ở xã Nghĩa An cũng đã mua cho mình một chiếc phao cứu nạn hữu ích. Trước những ngày ra khơi, nhiều lao động trên tàu cá của anh Triết rất muốn được trang bị cho mình chiếc phao cứu nạn này nhưng đó chỉ là điều mơ ước, bởi giá của chiếc phao này quá cao so với thu nhập của họ. 

Phao cứu nạn chỉ đến được tay các thuyền trưởng
Anh Võ Văn Đá - ngư dân lao động xã Tịnh Kỳ (Tp Quảng Ngãi) cho biết: tính năng của chiếc phao cứu nạn rất an toàn, nhưng với giá cao như vậy anh em lao động chúng tôi chỉ biết ước mơ. Mong sao Nhà nước có chính sách cho ngư dân lao động chúng tôi vay ưu đãi để mua chiếc phao này cứu nạn hữu ích này.

Vấn đề tại sao chiếc phao cứu nạn hữu ích lại có giá thành cao như thế trong khi đa phần ngư dân lao động lại đang có nhu cầu cấp thiết…Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi tìm đến anh Đỗ Cẩm Linh ở đường Võ Thị Sáu (TP Quảng Ngãi) – người được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam thuộc Bộ khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích về việc sáng chế chiếc phao cứu nạn trên biển này.

Anh Đỗ Cẩm Linh cho biết: vừa qua tôi đã sản xuất ra thị trường 600 chiếc, nếu bán giá thấp hơn 1.5 triệu đồng/chiếc, tôi phải chịu lỗ khoảng 100 triệu đồng. Nếu sản xuất từ 2.000-3.000 chiếc thì giá thành sẽ giảm xuống nhiều hơn. Dù chúng tôi cũng muốn đáp ứng nhu cầu của ngư dân lao động nhưng nguồn vốn để sản xuất thì tôi không có. Nếu nhà nước tạo điều kiện để chúng tôi được vay ưu đãi thì tôi mới sản xuất loại phao cứu nạn này rộng ra thị trường được.  

Trước tình trạng đuối nước của ngư dân đánh bắt hải sản trên biển ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp thì hơn lúc nào hết, họ đang rất cần sự giúp đỡ của nhà nước, trong việc tạo điều kiện cho họ trang bị loại phao cứu nạn hữu ích này.