Mạnh tay với 40.000 xe “vua”

ANTĐ - Cả nước hiện có 40.000 xe ô tô tải, xe tải  tự đổ thay đổi kích thước thùng hàng để chở quá tải. Đáng nói, số xe này gây hư hỏng kết cấu đường bộ rất lớn nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn vì tại nhiều địa phương, đây được xem là “xe vua”. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất một số biện pháp “rắn” để siết quản lý loại xe này.

Nhiều địa phương còn e dè khi xử lý “xe vua”

Vô cảm khi đường sá bị phá hoại

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 40.000/62.000 xe ô tô tải, xe tải tự đổ đã thay đổi kích thước thùng chở hàng với mục đích chở quá tải trọng. Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ, nhiều xe ô tô tải tự đổ ở địa phương được ví như “xe vua”, lực lượng chức năng địa phương rất khó xử lý vì động chạm lợi ích nhóm. Cũng bởi vậy, đến nay loại xe này vẫn hoạt động khá rầm rộ trên nhiều tuyến quốc lộ. Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng xe ô tô tải thùng tự đổ và xe xi téc tự ý thay, cơi nới kích thước thùng trong 2 kỳ đăng kiểm  diễn ra phổ biến tại các địa phương, làm hư hỏng hệ thống cầu, đường, gây mất ATGT, TNGT và sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải, gây bức xúc xã hội. Trong khi đó, các cơ quan đăng kiểm chưa kiểm soát được những xe này giữa 2 kỳ đăng kiểm. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ không khỏi băn khoăn: “Chúng ta đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử phạt, có đủ điều kiện để thực hiện siết xe quá tải trọng, xe cơi nới, đến lực lượng thực thi cũng có một đội ngũ đông đảo lên tới 3.000 thanh tra, nhưng tình trạng xe quá tải trọng, xe cơi nới rầm rập  chạy trên đường vẫn tồn tại. Chúng ta chỉ biết kêu và đổ lỗi cho doanh nghiệp, cho địa phương mà không tự hỏi mình đã làm gì để ngăn chặn? Dường như chúng ta vẫn còn vô cảm với việc kết cấu đường sá bị phá hoại”. 

Về mặt chế tài xử phạt, theo NĐ 171 năm 2013 có mức phạt khá cao, chủ xe là cá nhân vi phạm phạt từ 4-6 triệu đồng; chủ xe là doanh nghiệp vi phạm xử phạt từ 12-18 triệu đồng. Ông Lê Đình Thọ cho rằng, nếu thực hiện xử phạt nghiêm, quản lý chặt thì không ai dám chở quá tải.

Một cuộc điện thoại xe quá tải “thoát”

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, một số đơn vị quản lý đường BOT quốc lộ phản ánh, không hiếm tình trạng hàng đoàn xe lên tới 40 chiếc rầm rập chạy, trong đó có xe tải trọng tới 130 tấn, không đường nào có thể chịu được. “Tôi vừa đi kiểm tra đột xuất tại một số trạm cân cho thấy, không ít trạm cân còn làm ăn rất hình thức. Nếu trạm nào như vậy thì có văn bản kiến nghị xin dừng cân xe, còn đã làm thì phải làm chặt”, ông Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Không ít địa phương phản ánh, có tình trạng xe tải tự đổ chở nguyên vật liệu rầm rập chạy trên đường nhưng lực lượng chức năng địa phương khó xử lý vì trong số đó đa phần là “xe vua”. Đại diện Sở GTVT Hà Giang cho biết: “Xe cơi nới thùng, chở quá tải ở địa phương đều có lợi ích nhóm. Nhiều chủ xe, doanh nghiệp chở quá tải không sợ Sở GTVT tỉnh, có xe khi bị chúng tôi dừng lại kiểm tra còn công khai phản đối và sau đó chỉ một cuộc điện thoại là xe lại được phép chạy”. 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sẽ thành lập 4 đoàn thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ và các biện pháp ngăn chặn ô tô chở quá tải, ô tô tự đổ vi phạm kích thước thùng chở hàng tham gia thi công các dự án công trình giao thông tại các địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng…

Theo đó, đối với xe vi phạm lần đầu, đơn vị Đăng kiểm sẽ thu hồi Tem và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, yêu cầu doanh nhiệp phải khắc phục, cắt giảm kích thước thùng hàng của xe phù hợp quy định. Đối với chủ phương tiện vi phạm lần thứ 2 trở đi đề nghị đơn vị đăng kiểm thu hồi Tem và giấy chứng nhận kiểm định và xử phạt theo quy định của pháp luật… Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đơn vị này kiến nghị Bộ GTVT cho phép tháo biển đối với những xe chở hàng cố tình đỗ ở hai đầu trạm cân từ 1 tiếng đồng hồ trở lên.