Gia tăng tai nạn đường sắt đầu năm 2012: “Trách nhiệm thuộc về… toàn dân”

ANTĐ - Tai nạn đường sắt gia tăng dịp sau tết dư luận cho rằng, ngoài những nguyên nhân thuộc về người tham gia giao thông, có cả trách nhiệm của ngành đường sắt. Xung quanh thực trạng này, ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt đã trao đổi với báo chí.

Đa số vụ TNGT đường sắt là do ý thức kém của người điều khiển phương tiện. Ảnh: Internet

- Những ngày qua, TNGT đường sắt diễn ra phức tạp, ngoài dự liệu cũng như cố gắng giảm TNGT trong năm nay của ngành, ông nhận định thế nào?

-  Ông Nguyễn Đạt Tường: So với cùng kỳ năm 2011, tháng

1-2012, cả nước xảy ra 9 vụ TNGT liên quan đến đường sắt, làm 9 người chết, giảm hơn 30% về số vụ và số người. Tuy nhiên, sau Tết Nhâm Thìn, những ngày đầu tháng 2, cả nước liên tiếp xảy ra một số vụ, nghiêm trọng là ngày 3-2, đã xảy ra 3 vụ, làm 7 người chết. Nguyên nhân ban đầu cho thấy, hầu hết các vụ TNGT thời gian qua do sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Ví dụ, vụ tai nạn ở Bắc Hồng, Đông Anh (Hà Nội). Chiếc xe 16 chỗ chạy song song, cùng chiều với đoàn tàu. Khi rẽ vào đường ngang giao cắt, dù đã được báo và 1 bên gác chắn đã đóng, nhưng lái xe vẫn cố tình lao qua, khiến người gác phải nhảy ra khỏi vị trí. Hay ở Bình Lục (Hà Nam), 3 người bị tai nạn khi vượt rào chắn để đi vệ sinh dù đã được kêu gọi, nhắc nhở.

- Theo ông, ngành đường sắt chỉ là “nạn nhân”?

- Khi tai nạn đáng tiếc xảy ra, chúng tôi cũng rất đau lòng. Dù các lái tàu có lỗi hay không, nhưng bản thân tai nạn gây áp lực tinh thần rất lớn lên họ, để lại ám ảnh, thậm chí có người còn bị stress sau tai nạn. Sau mỗi vụ tai nạn, chúng tôi cũng nhận thấy có phần trách nhiệm của mình trong đó. Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn, song, đừng đề cập đến trách nhiệm thuộc về ai, ngành nào, mà trách nhiệm thuộc về toàn dân, mỗi người cần có ý thức hơn, để ý trong khi tham gia giao thông một chút, tôi tin chắc, TNGT đường sắt sẽ giảm.

- Hiện trên 1.700km đường sắt Bắc - Nam còn tồn tại quá nhiều đường ngang bất hợp pháp, vậy trách nhiệm xử phạt thuộc về bên nào?

-  Chúng tôi được giao quản lý, khai thác hệ thống đường sắt vì vậy, chúng tôi phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho các chuyến tàu. Thanh tra Cục Đường sắt có trách nhiệm kiểm tra. Vi phạm nào thuộc về Cục thì Thanh tra Cục xử lý, vi phạm nào thuộc về địa phương thì địa phương xử lý. Chúng tôi không có quyền xử phạt các vi phạm này, vì chúng tôi là doanh nghiệp.

- Nhiều người cho rằng, do đường ngang giao đường sắt không có người gác chắn, nên hay xảy ra tai nạn, Tổng công ty có kế hoạch cải thiện tình hình này?

- Thời gian qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với các đoàn, hội của một số địa phương để cử người ra gác, chốt trực ở các điểm giao cắt. Tuy nhiên, do kinh phí không nhiều, nên chỉ thực hiện được trong những dịp lưu lượng người đi lại tăng cao, đột biến. Hiện, chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ các đơn vị bảo hiểm, các nhà tài trợ để làm rào chắn đường sắt, có kinh phí cho người chốt trực ở những đường ngang dân sinh.

- Một số vụ TNGT đường sắt do không có tường hộ lan, vậy trách nhiệm có thuộc ngành đường sắt?

- Nhiều khu vực đã có tường hộ lan nhưng người dân vẫn cứ vượt qua để đi lại cho tiện. Thậm chí, có đoạn, người dân còn tháo dỡ hộ lan để lấy lối đi qua. Mặc dù vậy, hàng năm chúng tôi vẫn triển khai làm mới, sửa chữa, song với hơn 1.700km đường sắt thì kinh phí rất lớn. Kinh phí đã khó, người dân lại không có ý thức bảo vệ, nên càng khó khăn hơn. Thậm chí, nhiều đoạn khi triển khai không nhận được sự phối hợp của địa phương. Địa phương mà không đồng ý, không vào cuộc thì chúng tôi cũng khó làm. Nói vậy không phải để đổ lỗi cho địa phương. Tai nạn xảy ra đừng đổ lỗi cho bên này, bên kia, mà cần tìm nguyên nhân để cùng rút kinh nghiệm.

Có thể giảm tốc độ tàu ở khu vực đông dân cư

Trước thực trạng TNGT đường sắt đang có những diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt và Cục Đường sắt Việt Nam phải kiềm chế TNGT đường sắt bằng mọi cách, các ngành các cấp đều phải vào cuộc. Ngoài trách nhiệm của cơ quan chủ quản, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Theo đó, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng đề nghị ngành đường sắt phải thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012, trong đó, chú trọng đến việc triển khai các giải pháp để giảm thiểu TNGT đường sắt như lắp thêm đèn cảnh báo, mở rộng phạm vi đặt tín hiệu báo có tàu xa hơn 30-40m so với hiện nay... nếu cần có thể giảm tốc độ chạy tàu ở khu vực thường xảy ra tai nạn như khu gian Hà Nội - Nam Định xuống 5 phút và tăng tốc độ ở khu vực miền Trung, nơi có đường tốt, thưa dân cư...