Chấm dứt kinh doanh vận tải bát nháo

ANTĐ - Theo quy định tại Nghị định 86 vừa được Chính phủ ban hành, điều kiện kinh doanh vận tải ô tô sẽ được siết chặt về cả quy mô doanh nghiệp, việc thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh nếu vi phạm dẫn đến TNGT nghiêm trọng… 

Xe khách giường nằm Sao Việt gây TNGT nghiêm trọng
đã chạy sai luồng tuyến dù được gắn thiết bị GPS

Xe hợp đồng trá hình hết đất sống?

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, Nghị định 86 tập trung siết chặt quản lý hầu hết các loại hình kinh doanh vận tải ô tô như vận tải cố định, taxi, vận tải du lịch và hợp đồng. Loại xe chở khách hợp đồng và khách du lịch lâu nay thường “trá hình” để hoạt động như vận tải khách cố định sẽ bị kiểm soát ngặt nghèo hơn. Cụ thể, từ ngày 1-7-2015, đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở GTVT nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Để đơn giản hóa cho các doanh nghiệp, hoạt động báo cáo này sẽ được thực hiện qua thư điện tử. Cơ quan giám sát như Sở GTVT sẽ căn cứ vào thiết bị giám sát hành trình để hậu kiểm. Tuy vậy, việc hậu kiểm được thực thi như thế nào lại còn bỏ ngỏ.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, số lượng xe ô tô vận tải khách theo hợp đồng khá lớn, tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. “Trước đây, quy định pháp luật đối với loại hình xe hợp đồng còn lỏng lẻo, không cấm dừng đón trả khách dọc đường. Đã có thời gian, xe hợp đồng chạy trên đường bắt khách, tranh giành với xe tuyến cố định. Tuy nhiên, tại Nghị định 86, hoạt động này đã bị cấm”, ông Nguyễn Văn Quyền bày tỏ.

Bên cạnh đó, Nghị định 86 cũng quy định về niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở khách, nhằm loại bỏ tình trạng xe cũ nát chạy dọc đất nước. Cụ thể, ô tô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên đối với cự ly trên 300 km có niên hạn sử dụng không quá 15 năm. Đối với cự ly từ 300 km trở xuống, niên hạn không quá 20 năm đối với ô tô chở người. Đáng lưu ý, từ ngày 1-1-2016, không được sử dụng xe ô tô chuyển đổi công năng (xe hoán cải) để vận tải khách. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, đối với những xe khách đã hoán cải trước đây, Bộ GTVT không hồi tố, song sẽ có lộ trình để doanh nghiệp đưa các phương tiện này chuyển đổi sang hoạt động ở những cung đường phù hợp. 

Chờ kết quả thử nghiệm

Nghị định cũng quy định xe taxi phải có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác. Từ ngày 1-7-2016, taxi phải có hóa đơn tính tiền để công khai, minh bạch với hành khách. Cũng từ ngày 1-1-2016, các hợp tác xã, doanh nghiệp taxi tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM phải có tối thiểu từ 50 xe trở lên.

Đặc biệt, Nghị định nêu rõ, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi Giấy phép kinh doanh không thời hạn khi kinh doanh loại hình vận tải không đúng Giấy phép; trong thời gian 1 năm có trên 50% số xe hoạt động mà người lái xe vi phạm luật gây ra TNGT nghiêm trọng; trong thời gian 3 năm có xảy ra TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy vậy, nhiều người vẫn băn khoăn việc quy định mới không nhắc tới xe khách giường nằm, một loại hình vận tải đang gây nhiều tranh cãi hiện nay. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải cho rằng, chúng ta chưa có bộ Quy chuẩn Quốc gia về xe khách giường nằm, trong khi phần lớn dạng xe này là xe lắp ráp. Do vậy, Hiệp hội đã kiến nghị, nên tạm dừng sản xuất xe khách giường nằm đến khi ban hành được bộ Quy chuẩn này. Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết, Cục đang triển khai thử nghiệm loại xe này để xem tính tương quan giữa xe với từng loại cung đường. Căn cứ vào kết quả, Cục sẽ kiến nghị Bộ GTVT xem xét với từng cung đường, tuyến đường để điều chỉnh lộ trình chạy xe khách giường nằm. Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ sửa lại tiêu chuẩn của ô tô khách đặc biệt là xe khách giường nằm theo hướng tăng tính an toàn của loại phương tiện này.