Vụ án tham gia cá độ ở CLB the Vissai Ninh Bình: Các cầu thủ có phạm tội lừa đảo không?

ANTĐ - Theo tài liệu điều tra, 3 ngày trước khi CLB The Vissai Ninh Bình đấu với đội Kelantan (Malaysia) trong khuôn khổ vòng bảng AFC Cup, ngày 15-3 tại khách sạn The Vissai Ninh Bình, tiền vệ Trần Mạnh Dũng đã rủ thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng cùng hai hậu vệ Lê Quang Hùng và Lê Văn Duyệt tham gia cá độ. 

Ngày 17-3, tại khách sạn ở Malaysia, Trần Mạnh Dũng rủ thêm một số cầu thủ khác tham gia chung độ với hình thức bắt kèo “tài ba hòa”. Tổng tiền cá độ là 2 tỷ đồng, nếu thua thì chia đều số tiền trên để trả, nếu thắng thì chia đều cho các thành viên chung độ. Sau khi thống nhất, Trần Mạnh Dũng và Nguyễn Mạnh Dũng dùng điện thoại di động (lắp sim của Malaysia) liên lạc với Đào Đức Lợi (36 tuổi, ở Hải Phòng) để đặt độ và được người này chấp nhận số tiền 1,02 tỷ đồng. Kết thúc trận đấu, CLB V.Ninh Bình thắng Kelantan với tỷ số 3-2 và các cầu thủ thắng cá độ được nhận số tiền 800 triệu đồng. Ngày 19/3, khi đội về TPHCM, Trần Mạnh Dũng gọi điện yêu cầu Lợi chuyển tiền thắng độ thông qua người bạn của thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng tại TP HCM là Trần Công Thành để tránh bị phát hiện.

Sau khi nhận được 800 triệu đồng, Trần Mạnh Dũng chia số tiền cụ thể như sau: đá chính là Lê Quang Hùng, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ, Nguyễn Văn Hưng mỗi người được 85 triệu đồng. Các cầu thủ dự bị Chu Ngọc Anh, Phan Anh Tuấn, Nguyễn Mạnh Dũng, Phạm Xuân Phú và Trần Mạnh Dũng mỗi người 75 triệu đồng. Trần Mạnh Dũng đưa tiền vệ Lê Văn Thắng 20 triệu đồng do là người biết việc cá độ nhưng không tham gia.

Theo lời khai của Trần Mạnh Dũng, sau khi Lợi chuyển tiền thì tiền vệ Hoàng Danh Ngọc đã nhắn tin cho Trần Mạnh Dũng với nội dung biết việc Dũng cùng các cầu thủ khác tham gia cá độ và dọa sẽ báo cáo Ban huấn luyện. Vì vậy, Trần Mạnh Dũng đã nhờ Lợi đưa số tiền 50 triệu đồng cho Ngọc. Trần Mạnh Dũng xác định tự nguyện chuyển tiền cho Ngọc chứ không bị đe dọa hay ép buộc. Trần Mạnh Dũng cũng chuyển cho Lợi 15 triệu tiền “phế cá độ”. Hiện các cầu thủ tham gia làm độ đã giao nộp toàn bộ số tiền cho cơ quan điều tra.

Có ý kiến cho rằng các ngoài việc phạm tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, cầu thủ Ninh Bình có thể còn bị xem xét thêm tội danh lừa đảo. Vấn đề đặt ra là các cầu thủ sẽ xem xét xử lý theo tội danh nào?

Ý kiến bạn đọc 

Các cầu thủ tham gia cá độ và dàn xếp tỷ số sẽ bị truy tố tội đánh bạc

Vụ án này Công an Ninh Bình đang điều tra và các cầu thủ đã nhận tội. Căn cứ vào Điều 248 Bộ Luật Hình sự thì có đủ dấu hiệu để khởi tố vụ án, khởi tố bị can tội Đánh bạc. Khi cá thể hóa hình sự thì người được xác định khởi xướng, chủ mưu, cầm đầu phải chịu tình tiết tăng nặng ở điểm b, khoản 2 của Điều 248. Những người còn lại có vai trò đồng phạm, giúp sức tích cực. Như vậy các cầu thủ Trần Mạnh Dũng và Nguyễn Mạnh Dũng sẽ chịu thêm tình tiết tăng nặng, có thể hình phạt lên đến 7 năm tù. 

Ông Nguyễn Văn Bắc (Hội cổ động viên bóng đá Hà Nội)


Các cầu thủ cá độ không phạm tội lừa đảo

Cầu thủ nhận tiền để làm theo yêu cầu của người tổ chức cá độ  không phạm tội lừa đảo. Bởi vì kết quả tỉ số trận đấu có thể không phụ thuộc hoàn toàn vào nhóm các cầu thủ đã “bán độ” mà còn phụ thuộc vào tinh thần thi đấu của các cầu thủ khác, đó là chưa kể phong độ thi đấu của đội bóng đối phương cũng có ảnh hưởng nhất định đến kết quả trận đấu. Vì vậy không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ có thể là tổ chức đánh bạc mà thôi.

Chị Phạm Thị Hoài (Đường Trường Sa, Q. Tân Bình, TP HCM)


Cầu thủ biết đồng đội cá độ mà không tố cáo là phạm tội che giấu tội phạm

Theo lời khai của các cầu thủ, sau khi trận đấu kết thúc tiền vệ Hoàng Danh Ngọc đã dọa Trần Mạnh Dũng sẽ báo cáo vụ việc với Ban huấn luyện. Vì vậy, Trần Mạnh Dũng đã đưa số tiền 50 triệu đồng cho Ngọc. Trần Mạnh Dũng xác định tự nguyện chuyển tiền cho Ngọc chứ không bị đe dọa hay ép buộc. Như vậy nếu đây là sự thật, cầu thủ Ngọc không phạm tội không tố giác tội phạm mà là đồng phạm với các cầu thủ cá độ vì có nhận tiền. May là Trần Mạnh Dũng khai tự nguyện chuyển tiền cho cầu thủ Ngọc, nếu cầu thủ Ngọc đe dọa để bắt Dũng đưa tiền thì rất có thể Ngọc sẽ bị truy tố theo Điều 135 Bộ LHS: Tội cưỡng đoạt tài sản với mức án có thể lên đến 10 năm tù. Các cầu thủ biết đồng đội tham gia cá cược mà không tố cáo nếu đủ chứng cứ sẽ bị truy tố theo Điều 314 Bộ LHS: Tội không tố giác tội phạm với hình phạt cao nhất là 3 năm tù.

Ông Hồ Trung Tú (Q. Hải Châu. TP Đà Nẵng)


Bình luận của luật sư

Chúng ta cần nhận thấy toàn bộ vụ án này có một loạt hành vi vi phạm Bộ Luật Hình sự. Hành vi đầu tiên là rủ rê, vận động nhau cá cược bóng đá, hành vi thứ hai là hành vi cá cược bóng đá, hành vi thứ ba là dàn xếp tỷ số để thắng cược. Chưa kể hành vi của các cầu thủ không cá cược nhưng vẫn nhận tiền cá cược do biết vụ việc mà không tố cáo. Phân chia các hành vi như vậy sẽ nhận rõ hơn các tội danh mà các cầu thủ đã vi phạm. 

Hành vi rủ rê, vận động các cầu thủ cá cược bóng đá, sau đó thay mặt các cầu thủ nhận cá cược, nhận và chia tiền là hành vi vi phạm Điều 249. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc: Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 

Hành vi cá cược bóng đá là hành vi đánh bạc vi phạm Điều 248. Tội đánh bạc: Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc các trường hợp nghiêm trọng  thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Hành vi dàn xếp tỷ số có thể có nhiều cách nhận định. Có ý kiến cho rằng các cầu thủ chỉ cố gắng tạo ra một tỷ số để được nhận tiền và kết quả không phụ thuộc vào các cầu thủ thì chỉ nên xác định tội danh theo điều 249 BLHS với tội danh Tổ chức đánh bạc. Nhưng theo tôi, đây không chỉ là một vụ tổ chức đánh bạc đơn lẻ. Các cầu thủ phạm tội đã đánh bạc vào hệ thống cá cược quốc tế, sau đó tạo tỷ số gian dối để chiếm đoạt tài sản của nhà cái. Đây là hành vi có chủ ý, có chuẩn bị, thậm chí có tổ chức. Với những dấu hiệu này, có thể truy tố các cầu thủ dàn xếp tỷ số bóng đá để thắng cược theo Điều 139BLHS, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một số các trường hợp nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp cực kỳ nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân.

Các cầu thủ biết mà không tố giác hành vi phạm tội sẽ bị truy tố theo Điều 314 BLHS, Tội không tố giác tội phạm: Người nào biết rõ một trong các tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Luật sư Nguyễn Văn Hướng ( Đoàn Luật sư Hà Nội)