thay đổi phương thức thi hành án tử hình:

Từ pháp trường đến phòng tiêm thuốc độc

(ANTĐ) - Mặc dù còn phải chờ đợi sự hướng dẫn của các thông tư, nghị định, song Luật Thi hành án hình sự chính thức có hiệu lực ngày 1-7 có một điểm được đông đảo dư luận quan tâm, là sự thay đổi phương thức thi hành án tử hình: từ bắn súng sang tiêm thuốc độc bị án.

Bài 1: Nghề… trăn trở nhân tâm

Bên lề bước chuyển đổi được đánh giá mang đầy tính nhân đạo này có không ít câu chuyện.

Một tử tù viết thư để lại trước giờ bị thi hành án 
 Một tử tù viết thư để lại trước giờ bị thi hành án

Bị án cuối cùng của trường bắn Cầu Ngà
Năm 1993, Trại tạm giam số 1 - CATP Hà Nội chuyển từ phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm về xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm. Địa điểm chuyển đi, nhưng cái tên Hỏa Lò không cần giải thích nhiều thì ai cũng biết đó là chốn nào. Cùng với “Hỏa Lò”, một cái tên cũng được nhiều người biết đến là trường bắn Cầu Ngà. Đó là khu đất trống nằm ở cuối con đường từ ngã ba thị trấn Cầu Diễn đi vào, ngang qua lối rẽ vào “Hỏa Lò” và phải đi sâu thêm chừng 1km, kịch đường. Trường bắn Cầu Ngà là nơi những cái ác phải trả giá, những kẻ gây ra nỗi đau cho đồng loại phải đền tội.

Gần 20 năm qua, trường bắn Cầu Ngà đã chứng kiến nhiều buổi thi hành án, song có lẽ, bị án “nổi tiếng” nhất chính là Nguyễn Văn Hưng, 21 tuổi, nhà ở huyện Thạch Thất, Hà Nội. Hưng “nổi tiếng” không phải bởi thời điểm “đi”, anh ta vẫn rất trẻ, mà bởi, Hưng là bị án cuối cùng ở trường bắn Cầu Ngà bị thi hành án bằng hình thức bắn súng. Ngày 1-7-2011, phương thức thi hành án tử hình thay đổi theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. Trước đó, ngày 24-6, Nguyễn Văn Hưng ra pháp trường.

Tội trạng của Nguyễn Văn Hưng được ghi vắn tắt trong hồ sơ lưu trữ của Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - CATP Hà Nội. Dù rất ngắn, nhưng nó cũng đủ khiến người đọc phải rùng mình. Trung tuần tháng 6-2008, Hưng bỏ nhà đi lang thang. Và vì không có tiền tiêu nên anh ta đã nảy ý định cướp “xe ôm”. Từ ngày 16-6-2008 đến ngày 8-7-2008, Hưng đã gây ra 4 vụ cướp tài sản của những người lái “xe ôm”. Trong đó, đỉnh điểm hành vi độc ác của Hưng là vụ việc xảy ra hôm 8-7. Hôm đó, y mang theo dao bầu, thuê một người lái “xe ôm” chở về địa bàn xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ.

Tới cánh đồng xã Liên Hiệp, Hưng rút dao khống chế người lái “xe ôm”. Hoảng sợ, người lái “xe ôm” đẩy đổ xe máy và bỏ chạy. Quyết liệt thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, Hưng đuổi theo, đâm 1 nhát trúng lưng nạn nhân, và đâm thêm 2 nhát trúng vùng bẹn người lái “xe ôm”. Trước sự van xin của bị hại, Hưng lạnh lùng bỏ ngoài tai, và y đã giáng thêm nhát dao nữa vào sườn trái người lái “xe ôm”, trong quá trình xô xát. Bản án tử hình được tuyên là hoàn toàn xác đáng đối với Nguyễn Văn Hưng, về tội danh giết người, cướp tài sản.

Hôm 24-6, Hà Nội bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 2. Mưa như trút nước. Nguyễn Văn Hưng lầm lũi bước ra từ chiếc xe thùng đặc chủng. Y tỏ ra khá bình tĩnh trước các thủ tục mà Hội đồng thi hành án tử hình tiến hành. Nguyện vọng cuối cùng y xin với đại diện cơ quan pháp luật, là một điếu thuốc lá…

Bớt một niềm trăn trở
Chịu trách nhiệm thi hành án tử hình đối với các bị án là một đội công tác thuộc Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp- CATP Hà Nội. Cách đây vài tháng, chủ trương mới của Bộ Công an được Công an Hà Nội thực hiện là sáp nhập, chia tách một số lực lượng. Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp sáp nhập với một số phòng nghiệp vụ khác, tên gọi mới là Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Đội 4 (Đội Hỗ trợ tư pháp và quản lý kho vật chứng) của Phòng, cho đến trước mốc thời điểm ngày 1-7, chịu trách nhiệm thi hành các bản án tử hình.

Tôi chưa gặp đủ gần 40 cán bộ chiến sỹ của Đội 4, nhưng có thể cảm nhận một điều rằng, công việc bao nhiêu năm qua của các anh đã khiến mỗi người phải trăn trở không ít thời gian. Từ những cán bộ trên 20 năm gắn bó với “nghề”, đến những chiến sỹ còn trẻ lắm, họ cùng có chung tâm trạng, nhất là thời khắc lần đầu tiên thực thi nhiệm vụ.

Thượng tá Lê Xuân Cần - Phó trưởng Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp CATP Hà Nội tâm sự: “Vẫn biết công việc, nhiệm vụ thi hành án được Nhà nước, ngành và cấp trên giao phó, những đối tượng bị thi hành án tử hình là những kẻ đã gây ra tội ác với đồng loại, xã hội, không còn biện pháp, cơ hội để cải tạo, và việc loại trừ họ ra khỏi đời sống là cần thiết nhưng cán bộ chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ vẫn khó tránh khỏi những phút giây đắng lòng, xót xa, và cả sự ám ảnh”. Ở Đội 4, có chiến sỹ trẻ đã không chịu nổi áp lực công việc, phải xin chuyển công tác. Anh em ở lại tiếp tục gắn bó với nghề. Người cũ động viên người mới. Họ truyền cho nhau ý chí: “Mình là những chiến sỹ làm công việc lặng thầm nhưng đầy ý nghĩa: loại trừ cái xấu, cái ác ra khỏi cộng đồng, đời sống xã hội, để mầm thiện được nhân lên trong xã hội”.

… Từ ngày 1-7, trường bắn Cầu Ngà sẽ không còn chứng kiến những sự “ra đi” sau loạt đạn đanh thép. Kẻ gây tội ác vẫn sẽ phải đền tội, trả giá. Nhưng cách thức “ra đi” của những bị án tử hình sẽ lặng lẽ hơn. Còn với những cán bộ chiến sỹ chuyên trách thi hành án tử hình, một trang mới đã mở ra trong “nghề”, giúp các anh bớt đi những niềm trăn trở.
(Còn nữa)